Sau các động thái nới lỏng tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, giới kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn ngóng chờ ngân hàng sẽ “bơm tiền” để cứu thị trường BĐS vốn trầm lắng gần 2 năm nay. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp nếu tiếp cận được vốn vẫn phải chịu lãi suất cao, khiến thị trường BĐS khó có thể được “đánh thức” trong thời gian đến.
Hạ lãi suất sẽ giúp thị trường bất động sản lạc quan hơn trong thời gian đến. |
NHNN đã quyết định mở tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích cho vay (tín dụng chứng khoán, BĐS và tiêu dùng). Theo đó, dư nợ tín dụng BĐS được mở với các loại hình vay, bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở; mở cho vay xây dựng, BĐS để bán, để ở. Đây chính là tín hiệu lạc quan hơn cho thị trường BĐS vốn “đóng băng” trong thời gian qua. Song, theo phân tích của các chuyên gia và tình hình thực tế thì động thái tích cực như thế mới chỉ từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BĐS, chứ chưa thật sự “cởi trói” cho lĩnh vực này khi đang chạm ngưỡng thấp nhất giao dịch.
Đón nhận thông tin hạ lãi suất, hầu hết giới kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố đều tỏ ra khá thờ ơ. Anh Nguyễn Văn Hồng, một nhà đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn quận Liên Chiểu, cho rằng: Việc lãi suất huy động chỉ hạ 2% sẽ không làm biến chuyển nhiều mặt bằng giá cả BĐS vốn đang ổn định ở mức thấp. Chưa kể đến việc dù lãi suất của các ngân hàng thấp hơn đôi chút, nhưng để các nhà đầu tư và doanh nghiệp BĐS tiếp cận được nguồn vốn vẫn là vấn đề phức tạp. Vì vậy, việc hạ lãi suất hầu như không tác động nhiều đến giới kinh doanh BĐS. Theo anh Hồng, giá BĐS của nhiều phân khúc sẽ tiếp tục duy trì ở mức đi ngang mà ít biến động tăng hay giảm quá nhiều, do thị trường BĐS đang có hiện tượng dư cung.
Cùng tâm trạng như anh Hồng, đa số nhà đầu tư và quản lý các sàn BĐS trên địa bàn thành phố đều có chung nhận định: Lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng còn ở mức khiêm tốn. Do vậy, người có tiền gửi ngân hàng cũng chưa đến mức lo lắng quá khi tiền lãi giảm đến nỗi phải vội vàng rút tiền đầu tư vào lĩnh vực BĐS vốn có nhiều mạo hiểm. Ông Đỗ Khương, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ nhà đất Đỗ Khương cho hay: Lãi suất ngân hàng hạ, nhưng để bán được hàng vẫn là điều rất khó khăn với các sàn, các đơn vị đầu tư kinh doanh BĐS. Bởi lẽ, lãi suất hạ chỉ 2% nên gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn lúc này. Đầu tư vào BĐS thời buổi khó khăn, dự án nhiều nhưng độ an toàn cần phải xem xét và tính toán cẩn thận, tránh mua phải dự án giá cao mà chưa biết lúc nào chủ đầu tư sẽ bàn giao.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất đối với thị trường BĐS, các ngân hàng cho rằng: Việc mở van tín dụng cho lĩnh vực BĐS sẽ giúp người có nhu cầu thực về nhà ở dễ tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, chứ chưa thể tạo được “cơn sóng” trên thị trường BĐS. Giới đầu tư BĐS cũng cho rằng, giảm lãi suất của ngân hàng là động thái giúp người mua nhà dễ tiếp cận vốn vay, mặc dù lãi suất giảm nhưng cũng không thể khẳng định được doanh nghiệp BĐS có vay được tiền từ ngân hàng hay không, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách luôn có độ trễ nhất định. Hơn thế nữa, hiện nay các nhà đầu tư đang trong động thái nghe ngóng thị trường và ở vị trí thủ thế trong bối cảnh địa ốc khó khăn, nên họ chưa vội vàng ra quyết định đầu tư tại thời điểm này.
Như vậy, việc hạ lãi suất sẽ khó trông đợi một làn sóng đầu tư mới vào thị trường BĐS để hâm nóng thị trường vốn “nguội” gần 2 năm nay là tâm trạng của rất nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thông tin về việc hạ lãi suất của các ngân hàng, cộng với việc mở tín dụng trong thời gian tới có thể sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Nếu lĩnh vực BĐS được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như xi-măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng. Vì vậy, mong rằng, với sự đổi mới trong thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài của thành phố, cộng hưởng với các chính sách tín dụng hỗ trợ từ Nhà nước, thị trường BĐS trên địa bàn thành phố trong thời gian đến sẽ có những tín hiệu lạc quan hơn.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)