Gói tín dụng 30.000 tỷ cơ bản đã “khép” cửa, trong khi nhu cầu mua nhà ở giá rẻ tăng lên hàng nghìn căn mỗi năm. Vậy còn cơ hội nào cho người thu nhập thấp và cực thấp vay tiền mua nhà?
Mòn mỏi tìm mua nhà giá rẻ
Chị Thùy Trang, làm phòng hành chính tại một sở ở TP.HCM cho biết, sau 5 năm có với nhau 2 mặt con, vợ chồng chị mới dành dụm được hơn 200 triệu đồng. Năm ngoái, vợ chồng chị đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước tại Q 8, song khi bốc thăm bị rớt.
Đầu năm 2016, chị lại đôn đáo tìm nhà ở diện cho vay trong gói 30.000 tỷ nhưng được thông báo gói tiền đã ký kết hết. “Nếu bây giờ vay thương mại thì hai vợ chồng không đủ khả năng trả lãi và gốc hàng tháng. Nên hiện tại chẳng biết phải làm sao để có thể mua nhà”, chị Trang băn khoăn.
Còn cơ hội nào cho người thu nhập thấp mua nhà khi gói 30.000 tỷ kết thúc? |
Chị Trang là một trong số rất nhiều người thu nhập trung bình “trượt” gói vay 30.000 tỷ. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Q 1 xác nhận, đến nay, ngân hàng vẫn nhận được điện thoại, thậm chí người dân đến tận nơi hỏi về gói vay này.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho biết, cuối năm 2015 đã chủ trì tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê và tổng hợp nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, dù kết quả phân tích chưa công bố nhưng lãnh đạo viện khẳng định, nhu cầu mua nhà ở xã hội ngày càng tăng. Trong khi nguồn cung thấp hơn so với nhu cầu thực tế nên nhà ở giá rẻ luôn khan hiếm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Đực cũng khẳng định, có trên 95% những người trẻ hiện nay chưa có nhà, phải thuê nhà trọ. Điều đó cho thấy nhu cầu nhà ở là cực kỳ lớn. Hàng năm, nhu cầu này lại tăng lên đến hàng nghìn căn.
DN loay hoay hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà
Tại Hà Nội và TP.HCM, nhà giá rẻ với giá dưới 1 tỷ đồng/căn luôn khan hiếm. Nhà xã hội thuộc diện vay gói 30.000 tỷ cũng không còn, trừ một số dự án còn lại một số căn trước đó vẫn thuộc diện được vay 30.000 tỷ nhưng giao sau 1/6.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho hay, ngân hàng trước đó cho vay 30.000 tỷ đối với dự án TDH Phước Long Q 9 của Thuduc House. Nhưng dự án này giao sau 1/6 nên một số khách hàng có thể còn khoảng 10-20% vốn đã ký kết với Vietbank từ lâu chưa được giải ngân. Nếu Nhà nước cho giãn tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ thì lãi suất của 10% vốn này vẫn là 5%/năm. Trong trường hợp không được giãn thời gian giải ngân, ngân hàng sẽ hỗ trợ cho khách hàng vay vốn lãi suất dưới 8%/năm.
Nhà giá rẻ “lặng sóng” Báo cáo của Công ty tư vấn CBRE, thị trường Hà Nội quý I/2016, giao dịch sôi động nhưng chủ yếu rơi vào phân khúc cao cấp, trung cấp với tỷ lệ giao dịch chiếm lần lượt 48% và 36%, nhà giá rẻ chỉ 16%. Một trong các nguyên nhân chính được cho là do gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc. Những người thu nhập thấp biết chắc vay thương mại sẽ không thể trả được nợ nên đã không còn hi vọng gì. |
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, những người mua nhà vay gói 30.000 tỷ vẫn phải có thu nhập khá một chút chứ người nghèo, công nhân không thể mua nhà giá 700-800 triệu đồng/căn. Vào năm 2015, khi công ty mở bán căn hộ Thành Twin Towers giá 350-400 triệu đồng/căn, người mua trả lãi 0% trong 5 năm đã bán nhanh chóng mặt.
Điều đó khẳng định, nhà cho người thu nhập thấp và cực thấp vô cùng thiếu. “Theo tôi bên cạnh phát triển dòng nhà giá rẻ cần có nhà cho thuê với giá thấp. Năm nay, công ty sẽ tung ra hàng loạt nhà cho thuê ở khu Q Bình Tân chỉ với 1,5 triệu đồng/căn/tháng”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM cho hay, hiện nay Nghị định 100 của Chính phủ và Thông tư 25 của NHNN liên quan đến cho vay mua nhà ở xã hội đã có. NHNN đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo cho vay mua nhà ở xã hội. Thông tư này nêu rõ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo quy định không vượt quá 50% lãi suất liên ngân hàng. Bởi vậy, lãi suất mua nhà ở xã hội cũng chỉ 5-6% mà thôi.
Với các quy định trên, người dân không sợ hết hạn gói tín dụng, hay hết hạn thời gian giải ngân, đi vay… Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, nhiều người vẫn không rõ quy định này. Thế nên cần có thêm hướng dẫn và sự đồng bộ triển khai xuống các cấp dưới để hỗ trợ người dân biết và làm thủ tục vay vốn mua nhà.
“Điều kiện mua nhà ở xã hội hiện nay cũng mở rộng, không chỉ công an, bộ đội… mà người thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng là có thể đăng ký mua. Nếu ngân hàng kêu thu nhập thấp quá không thể trả nợ thì làm giấy cam kết của chồng/vợ hoặc người thân”, ông Nghĩa nói.
Theo báo Giao thông
Các bản tin khác
- Khu đô thị Nam Cầu Nguyễn Tri Phương
- Hưởng di sản thừa kế của người đã mất
- LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO, CÁN BỘ CHỦ CHỐT TP ĐÀ NẴNG, THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: Sớm có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng bứt phá
- “Hiệu quả doanh nghiệp- thành công của thành phố”
- Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Đầy rủi ro!
- Ôtô ở Việt Nam đắt hơn khu vực tới 300 triệu đồng/chiếc
- Tăng giá căn hộ vì Thông tư 03
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Công chứng phi lợi nhuận thì ai làm?
- Đầu tư 600 tỷ đồng triển khai dự án nhà ở xã hội F-Home
- La Maison 1888 lọt “top” 10 nhà hàng đẹp nhất thế giới
- Triệu con tim hướng về Đất tổ
- Giao dịch căn hộ, đất nền tăng
- Giảm tải ùn tắc giao thông qua Ngã ba Huế: Mở đường Đinh Liệt nối Lê Trọng Tấn
- Công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị sinh thái Hòa Quý
- Mất nhà vì Thông tư 14, kiện được không?
- Khuyến khích người Đà Nẵng sử dụng ô tô sản xuất tại Đà Nẵng
- Kỳ vọng thành phố động lực
- Mập mờ cam kết trả lãi phạt 25%/năm