Cùng với xu thế phát triển, hội nhập nền kinh tế toàn cầu của cả nước, Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, sự đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ, các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại... đang ngày càng sôi động, nhưng ngược lại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp. Công chứng là loại hình dịch vụ pháp lý rất quan trọng góp phần đảm bảo cho các mối quan hệ đó được phát triển bền vững, an toàn, đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thí điểm xã hội hóa công chứng, hàng loạt vấn đề đã phát sinh, gây không ít phức tạp cho các văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn...
Nổi cộm nhất là việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng vào các giấy tờ như CMND cũ nát, hình ảnh của người trong CMND mờ, dấu vân tay không rõ ràng hoặc CMND đã hết thời hạn sử dụng (quy định 15 năm phải đổi hoặc cấp mới), có trường hợp còn thay đổi cả hình ảnh của người có tên trong CMND..., nếu công chứng viên (CCV) không cẩn thận sẽ rất dễ sa vào cái bẫy mà bọn lừa đảo đã giăng sẵn...
Ngày 17-8, tại VPCC Bảo Nguyệt (trụ sở số 50-Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng) có một cặp “vợ chồng” đến xuất trình hợp đồng thế chấp tài sản là “Giấy chứng nhận QSDĐ” để làm thủ tục công chứng vay vốn tại một chi nhánh ngân hàng có trụ sở đóng tại Đà Nẵng. Khi đến, người chồng là ông Lê Phước Hải (HKTT: Lạc Tân, Đơn Dương, Lâm Đồng, tạm trú đường Nguyễn Huy Tưởng, Đà Nẵng) và người phụ nữ cùng đi tự xưng là vợ ông, có tên Trần Thị Bá.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, chuyên viên của VPCC thấy đầy đủ giấy tờ và tiến hành làm thủ tục công chứng. Hồ sơ được chuyển xuống Trưởng VPCC - CCV Nguyễn Vũ Minh Nguyệt để kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch và kiểm tra đương sự. Đồng thời cho tiến hành lấy chữ ký và lấy dấu vân tay của vợ chồng ông Hải - bà Bá.
Khi lấy xong vân tay của người phụ nữ đến làm hồ sơ và đối chiếu với vân tay của người phụ nữ có tên trong CMND thì Trưởng VPCC Bảo Nguyệt phát hiện không giống nhau. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy hợp đồng công chứng này có dấu hiệu lừa đảo nên bà Nguyệt ngừng thực hiện và mời CAP Phước Ninh, Q. Hải Châu đến lập biên bản xử lý theo thẩm quyền. Lúc đó, ông Hải mới thừa nhận người phụ nữ đến công chứng không phải là vợ mình mà là một người phụ nữ có tên là Vương Thị Lập (1966, trú Krông Ana, Đắc Lắc).
Trước đó không lâu, cũng tại VPCC Bảo Nguyệt, có một người tên N. (tự xưng là giám đốc của một Cty lớn đóng tại Gia Lai) đưa một người phụ nữ cũng giới thiệu là vợ mình đến làm thủ tục công chứng để chuyển nhượng một lô đất ở P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng. Lúc đó cũng có cả hai vợ chồng bên mua cùng đến làm thủ tục công chứng. Sau khi kiểm tra hồ sơ đầy đủ, CCV tiến hành lấy chữ ký và dấu vân tay của 2 vợ chồng bên bán thì người “vợ” đã làm “thủ thuật” ký và chỉ lăn dấu vân tay nửa ngón rất nhanh rồi đi ra khỏi phòng công chứng.
Kiểm tra lại hồ sơ thì CCV phát hiện hình ảnh của người phụ nữ trong CMND tuy hơi mờ nhưng nhìn kỹ thì rất xinh xắn, còn người phụ nữ đến làm công chứng thì trái ngược hoàn toàn. Linh cảm nghề nghiệp cho thấy, đây có thể là người “vợ giả” nên CCV Nguyễn Vũ Minh Nguyệt lập tức mời người phụ nữ ấy lên lấy lại dấu vân tay. Lúc đầu, người phụ nữ đó phản ứng gay gắt nhưng khi lấy lại dấu vân tay thì đúng là dấu vân tay ấy hoàn toàn ngược lại trong CMND. Sự việc sau đó cũng được CAP Phước Ninh đến lập biên bản xử lý.
Cũng với những “thủ thuật” tương tự, cách đây hơn 1 năm, lợi dụng người chồng là anh M.Đ.A. (1973, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) đang thụ án tại trại giam, người vợ là Đinh Thị Giàu (1978) đã cất giấu tất cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.668m2 đất tại thửa 525/1, tờ bản đồ số 12, tại xã Hòa Minh, H. Hòa Vang cũ (nay là P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) do anh M.Đ.A. thừa kế đứng tên; giấy CMND và một số giấy tờ khác của anh M.Đ.A. rồi nói đã bị mất. Tuy nhiên, sự thật là Đinh Thị Giàu đã thông đồng với một người đàn ông khác, có khuôn mặt hao hao giống với ảnh chồng mình trong CMND (được làm từ năm 1994) để đến VPCC Bảo Nguyệt làm giấy ủy quyền (HĐUQ), sau đó Giàu đã đến một VPCC khác để làm hợp đồng mua bán lô đất nói trên...
Bà Nguyệt cho biết: “Sau khi đã có đủ cơ sở chứng minh người mà Giàu đưa đến không phải là anh M.Đ.A, điều đó có nghĩa là Giàu và những người có liên quan đã cố tình lừa đảo VPCC. Đây là hành vi cố tình gian dối (mạo danh, giả chữ ký) nên chúng tôi đã vô tình công chứng HĐUQ cho Đinh Thị Giàu”. Rất may là sự việc đã được Trưởng VPCC Bảo Nguyệt làm đơn trình báo tới các ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo của Đinh Thị Giàu cùng đồng phạm. Sau khi sự việc bị vỡ lở thì Giàu đã rời khỏi nơi cư trú…
Có thể thấy, xã hội ngày càng phát triển, các phát sinh trong quan hệ dân sự nhiều lên một phần cũng vì thiếu những hoạt động kiểm định sự rõ ràng có tính pháp lý như công chứng, chứng thực. Chính vì thế, việc ra đời loại hình công chứng tư được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tình trạng làm giả giấy tờ, giả mạo chữ ký, hình ảnh... rồi đem đến công chứng tại các VPCC xuất hiện không chỉ là tiền đề của mất ổn định xã hội, mà còn gây cản trở và ảnh hưởng lớn đến uy tín và chất lượng hoạt động của các VPCC.
“VPCC dù là tư nhân thì cũng là thừa hành nhiệm vụ công, tức là mang sứ mệnh công vụ nên ngoài yếu tố kinh doanh thì quan trọng nhất vẫn phải thượng tôn pháp luật, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Có như thế mới có thể ngăn chặn nạn giả mạo chứng từ, hồ sơ, làm lành mạnh các quan hệ giao dịch và ổn định xã hội. Và để khách hàng yên tâm hơn khi đến làm thủ tục công chứng, từ ngày 1-6-2010, chúng tôi đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức cao nhất là 10 tỷ đồng” - bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt - CCV, Trưởng VPCC Bảo Nguyệt cho biết.
Rõ ràng, qua những vụ việc được phát hiện cho thấy, hiện có một số đối tượng đã lợi dụng loại hình dịch vụ công chứng để hòng làm giả các giấy tờ, nhất là những giao dịch, hợp đồng kinh tế. Vậy nên, các VPCC cần nêu cao cảnh giác để không vô tình tiếp tay cho tội phạm.
Bài, ảnh: Doãn Hùng
( từ Website: http://www.cadn.com.vn)
* Chú thích: Trưởng VPCC Bảo Nguyệt- Người phát giác những kẻ mạo danh
Các bản tin khác