Trong kinh tế, càng “cắt lỗ”, thị trường càng rớt thê thảm. Nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đang trong tình trạng “hoảng loạn” bởi càng cố gắng bán tháo, thị trường càng im lặng một cách đáng sợ. Những toan tính nhằm “khuấy động” giá BĐS lên một lần nữa hầu như không còn nữa, bất chấp các chính sách nới lỏng tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ được thực hiện trong thời gian đến.
“Bốc hơi” 50% vẫn ế
Giá đất ở phía Bắc đã giảm từ 45-50% so với thời điểm cuối năm 2011 nhưng vẫn không có người hỏi thăm. Khi hỏi về tình hình thị trường BĐS lân cận Hà Nội, các nhà đầu tư lắc đầu ngán ngẩm. Bước sang tháng 5-2012, thị trường BĐS vẫn chưa thấy có chuyển biến gì mới, kể cả về giá và lượng giao dịch. So với mức giá lúc cao điểm, nhiều DA đã giảm 40-50% nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thật ra, việc giảm giá trong thời gian qua là động tác “cắt lỗ” để trả nợ gốc đến hạn và lãi vay đang tồn đọng ở ngân hàng. Nhiều DN đang nợ lãi vay hàng trăm tỷ đồng, khiến các NH đang cho vay phải điêu đứng, một số NH đang có nợ xấu BĐS rất cao nhưng có cách nào khác để thu hồi, trừ khi giải phóng hàng “tồn kho nhà, đất” với giá trị lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Lời giải thích dễ hiểu nhất cho “nghịch lý” này là giá đất vẫn còn quá cao so với thu nhập của người có nhu cầu thực sự, còn nhà đầu tư lại rất thận trọng khi quay lại với thị trường này.
Thủ tướng đồng ý giãn nộp 64.000 tỷ tiền sử dụng đất cứu BĐS
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư DA có khó khăn về tài chính. Đồng thời, Chính phủ cũng chấp thuận việc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đang được Nhà nước cho thuê đất. Theo dự toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền sử dụng đất sẽ được giãn theo nghị quyết này khoảng 64.000 tỷ đồng. B.T
|
Thông tin mới đây, giá đất khu vực quanh cầu Nhật Tân nối với nhà ga T2 Nội Bài thuộc Đông Anh đang xuống khá sâu. Còn nhớ, cách đây chừng một năm, thị trường đất Đông Anh rất sôi động và nóng lên hằng ngày khi nhà nhà buôn đất, người người buôn đất, họ vay tiền NH đầu tư vào khu vực này. Giá đội lên rất nhiều, có nơi được giao dịch ở 90 triệu đồng/m2. Thế nhưng, bây giờ, giá đất tại khu vực này chỉ còn 20-30 triệu đồng/m2 nhưng cũng ế ẩm.
Tại thị trường phía Nam, dư luận xôn xao khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố sẽ chào bán căn hộ DA Thanh Bình (Q. 7, TPHCM) vào tháng 6-2012 với mức “sale off” khoảng - 50% so với mức giá trung bình các DA cùng loại tại khu vực. Ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT HAGL) cho rằng, với mức giảm này, giá căn hộ DA Thanh Bình sẽ ở mức hơn 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng phản ứng của thị trường BĐS trước thông tin này vẫn ở trạng thái dò xét, thận trọng và nghe ngóng. Theo thống kê của Tập đoàn kinh doanh BĐS Mỹ (CBRE), số lượng còn tồn đọng đến cuối năm 2011 tại TPHCM vào khoảng 18.000 căn hộ.
“Thiên đường mua sắm” BĐS tại Đà Nẵng cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc. Đất nền tại các khu vực vùng ven như DA Gold Hill (Q. Liên Chiểu), KĐT FPT City (Q. Ngũ Hành Sơn) “rớt” xuống 300 triệu đồng/lô (đường 5m5), 500 triệu đồng/lô (đường 7m5), 800 triệu/lô (đường 10m5),... nhưng vẫn nằm chờ vô thời hạn. Riêng tại Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ), cách đây 1 năm, nếu người có nhu cầu mua 1 lô đường 7m5 tại khu E1, người ta sẽ “hét” giá hơn 1,2 tỷ đồng, nhưng giờ, cũng vị trí ấy, chỉ còn khoảng 600 triệu đồng/lô. So đầu năm 2011, giá đất nền tại các khu dân cư ở Đà Nẵng đã giảm 50%... Theo CBRE, thị trường Đà Nẵng hiện nay có khoảng 500 căn biệt thự nghỉ dưỡng ven biển nhưng không có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài do cuộc khủng hoảng tài chính chưa phục hồi.
|
Đất nền tại Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng đang rớt giá mạnh.
|
Chưa đến lúc “bỏ tiền” vào BĐS?
Vay NH, vay nóng (lãi tính theo ngày của tín dụng đen) để mua đất là “căn bệnh” khá hiểm nghèo bộc lộ vào cuối năm 2010. Chính vì thế, những vụ vỡ nợ tín dụng đen, nợ xấu dâng cao tại các NH ngày càng nhiều. Có những vụ vỡ ra, công khai nhưng vẫn còn rất nhiều vụ việc bị “ém nhẹm”, bùng nhùng với “khối u” nợ nần tại các NH và chủ nợ tín dụng đen. Để xác định đâu là “đáy” của thị trường BĐS, nhiều chuyên gia hiện nay vẫn chưa khẳng định được thời điểm? Tuy nhiên, thị trường BĐS hiện nay đang là sự trả giá cần thiết cho DN và kẻ đầu cơ. Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc đẩy giá, làm giá của các DN và những nhà đầu cơ để mua một bán gấp đôi, gấp ba và hơn thế nữa giờ không còn. Và hiện nay, DN, đại gia BĐS đang trả giá cho chính vấn đề họ tạo ra.
Đối với thị trường BĐS ở Việt Nam, TS Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải cho rằng, cơ hội đầu tư BĐS thành công hiện chỉ 50%. Tại Mỹ, Thái Lan, hoặc các nước khác, chu kỳ của BĐS từ 7-8 năm mới phục hồi, giá BĐS hiện nay giờ chưa chạm đáy. Chính vì thế, ông cũng khẳng định và khuyến cáo mọi người, thời điểm này, nếu có tiền cũng không nên bỏ vào BĐS. Lý giải cho quan điểm này, ông Alan cho biết, thị trường sẽ tiếp tục “rớt giá” vì giá trị thực và giá cung cầu vẫn chưa khớp nhau.
Thị trường BĐS thường dựa vào 2 nhân tố cốt lõi, đó là quy luật cung cầu và giá trị thật của nó, tức là căn cứ vào thu nhập của người dân. Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường BĐS tại Việt Nam mâu thuẫn giữa giá cả và thu nhập của đại đa số người dân. Nếu so sánh giá trị thực của BĐS với thu nhập của người dân, hiện giá BĐS trung bình ở các nước Châu Âu là 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần..., riêng ở Việt Nam giá BĐS gấp khoảng 25 lần thu nhập!
Cho dù các NH có “bơm tiền” với lãi suất cực rẻ, người có nhu cầu thật vẫn không thể nào mua được nhà đất trừ khi giá BĐS xuống giá đến mức hợp lý. Vì rằng, có vay mượn, người dân vẫn phải trả trong một thời hạn nhất định. Chính vì thế, thu nhập trung bình là căn cứ cơ bản nhất để giá BĐS có thể đứng vững và được chấp nhận ở thị trường Việt Nam. Điều này, phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ và các công cụ điều tiết kinh tế như thuế, lãi suất... Người dân có quyền hy vọng, giá BĐS sẽ trở về với giá trị thật, thị trường BĐS sẽ phát triển lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người đầu tư và công chúng.
Văn Khoa
Nguồn: báo Công an tp. Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Rồi, bất động sản lại bắt đầu tăng giá!
- Thông tư liên tịch số 115/2015 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng
- Thị trường bất động sản: Xuất hiện nhiều chiêu bán hàng mới
- Nhà đầu tư ngoại gia nhập "cuộc chơi" BĐS cao cấp
- Những chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2015 (Phần I)
- Gấp rút triển khai dự án Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân
- Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
- Chương trình Vinh Quang Việt Nam 2015
- Bảo lãnh BĐS: băn khoăn chờ hướng dẫn
- Xây dựng, phát triển quận Hải Châu văn minh, hiện đại
- Cẩn thận cỡ nào cũng ‘dính’ giấy tờ giả
- Nhiều bất lợi khi mua nhà tại dự án nợ tiền sử dụng đất
- Ai đi mua đất, ai dạo chơi?
- “Chiêu trò” lợi dụng bán chung cư trên thị trường
- Quy định giá đất tại các khu dân cư ở Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn
- Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dịp 2-9
- Mua đất nền dự án: Những điều đặc biệt cần lưu ý
- Sốt đất nền, nhà phố, thận trọng dính bẫy
- Thư của đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành
- DỰ ÁN DI DỜI GA ĐÀ NẴNG VÀ CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN Đà Nẵng sẵn sàng quỹ đất xây dựng nhà ga mới