Chỉ có một môi trường lành mạnh mới có khả năng sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường. Khi đó, quyền lợi của người mua nhà may ra mới được đảm bảo vì những “con sâu làm rầu nồi canh” đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Cư dân Dự án Harmona đang vướng vào tranh chấp với ngân hàng do lỗi của chủ đầu tư. Ảnh: Minh Tuấn |
Đứng ở góc độ nào cũng thấy bức xúc
Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo Bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, minh bạch hóa thị trường bất động sản do Báo Thanh niên tổ chức một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo khi có nhiều chủ đầu tư làm ăn bê bối, thất tín triền miên vừa xảy ra mới đây tại TP.HCM, đẩy khách hàng vào tình huống “dở khóc dở cười”.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, tình trạng vi phạm pháp luật của các chủ đầu tư thời gian qua rất phổ biến. Trong khi đó, năng lực quản lý nhà nước, bao gồm quy định pháp luật và cả thực thi pháp luật còn quá nhiều bất cập. “Luật đã có nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn rất nhiều khoảng hở, từ đó tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lợi dụng để trục lợi. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng còn chưa nghiêm. Có những sai phạm xảy ra cách đây 10 năm, nếu được xử lý nghiêm ngay từ đầu thì sẽ không có những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Một thực tế khá chua xót mà ông Tuấn cũng như nhiều người tham dự Hội thảo đều thừa nhận là trình độ quản lý của các cơ quan chức năng, kể cả các chủ đầu tư, hiện nay chưa ngang tầm với sự phát triển của thị trường bất động sản. Ngoài ra, việc “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng xấu đến những chủ đầu tư chân chính và chuyên nghiệp là khá phổ biến, vẫn đang diễn ra, nhưng trong bối cảnh người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản, để giải quyết nó lại vô cùng phức tạp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, thị trường địa ốc hiện nay đứng ở góc độ nào cũng tồn tại vấn đề gây bức xúc, từ cơ quan chức năng, đến chủ đầu tư, đặc biệt là người tiêu dùng. Giải pháp đã, đang và chuẩn bị đưa ra thì rất nhiều, nhưng làm gì thì làm, cái cốt lõi là phải minh bạch hóa thị trường, mà muốn minh bạch hóa thị trường thì cần phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước.
Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách nào?
Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước phải có chế tài để quản lý được việc các chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng. |
Bất động sản là một hàng hóa đặc biệt. Khách hàng luôn được các chủ đầu tư tôn vinh là “thượng đế”. Nhưng “thượng đế” không phải lúc nào cũng thông thái nên chuyện bị chủ đầu tư cho ăn “trái đắng” vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, chìa khóa nào tốt nhất để mở ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng luôn được mọi người đặc biệt quan tâm.
Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước phải có chế tài để quản lý được việc các chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng. Trong đó, TP.HCM cần thực hiện ngay các giải pháp như: tăng cường kiểm tra tính pháp lý của dự án, quản lý chặt trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Song song đó, cơ quan công chứng cần thẩm định kỹ hồ sơ trước khi công chứng hợp đồng giao dịch giữa các bên mua, bán nhà. Đặc biệt, các chủ đầu tư phải công khai dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi dự án được triển khai cho người dân biết.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Trọng Khương, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp. chia sẻ, việc xin phép đối với từng dự án đầu tư bất động sản hiện nay rất lâu gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do chi phí đầu tư ban đầu cao nên kéo theo chi phí cấu thành của sản phẩm cao. Điều này khiến cho người mua nhà chịu thiệt khi phải mua giá cao và lợi nhuận thu về của doanh nghiệp cũng chỉ vừa phải, đôi khi không như mong đợi.
“Hiện nay, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang rà soát lại toàn bộ các dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và chưa cấp giấy chứng nhận cho người dân để có hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng. Đối với tranh chấp giữa người dân và ngân hàng trong các chung cư đã bị chủ đầu tư thế chấp, nếu chủ đầu tư còn tài sản riêng chưa được chứng nhận sở hữu tài sản thì chúng tôi sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư. Theo đó, tài sản này sẽ trở thành tài sản thế chấp thay cho tài sản thế chấp căn hộ mà chủ đầu tư đã thế chấp cho các tổ chức tín dụng” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cam kết.
Theo Báo Đấu thầu
Các bản tin khác
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- EURO VILLAGE - LÀNG CHÂU ÂU
- Chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn
- Khẩn trương cấp “sổ đỏ” cho nhà ở xã hội
- Sử dụng quỹ đất quận Thanh Khê hợp lý, hiệu quả nhất
- Tháng 9, ôtô đồng loạt tăng giá mạnh
- Quyền sử dụng đất của người nước ngoài và Việt kiều
- Gặp khó với miễn thuế chuyển nhượng “căn nhà duy nhất”
- Đà Nẵng dẫn đầu về cải cách hành chính
- 5 sai lầm kinh điển của dân đầu tư đất nền
- Chuyển nhượng nhà đất duy nhất có thể không mất thuế
- Bảo lãnh bất động sản: Vừa làm vừa ‘mò’
- Môi giới địa ốc và 1.001 chiêu “thả con săn sắt, bắt cá sộp“
- Đà Nẵng rực rỡ pháo hoa chào mừng Quốc khánh
- Bứt phá ngoạn mục về quy hoạch đô thị
- Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020
- Tiền đổ vào dự án nhà cao cấp
- Biết luật, làm sổ đỏ sẽ bớt khó khăn
- Đường Nguyễn Hữu Thọ: Thênh thang, tràn đầy sức sống
- Rồi, bất động sản lại bắt đầu tăng giá!