(Cadn.com.vn) - Chấp thuận chủ trương di dời của thành phố để xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) chợ Cồn và khu vực lân cận (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, Đà Nẵng), nhiều hộ dân trong diện giải tỏa quanh khu vực chợ Cồn đã bàn giao mặt bằng để chờ nhận đất tái định cư. Tuy nhiên, chậm trễ bố trí đất khiến các hộ này lâm vào tình cảnh khó khăn. Ông Huỳnh Văn Thành (Tổ 12, P. Hải Châu 2) cho biết, ngày 14-3-2016, hộ ông bắt đầu tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển Quỹ đất (TTPTQĐ) thành phố.
Sau khi xong việc, ông nhận được một tờ Biên bản tiếp nhận mặt bằng giữa 3 bên, gồm chủ hộ, đại diện UBND P. Hải Châu 2 và Tổ công tác của TTPTQĐ thành phố, trong đó phần chủ hộ cam kết có nội dung “Sau khi bàn giao mặt bằng theo biên bản này, gia đình tôi không còn tài sản trên diện tích đất đã bàn giao, đơn vị thi công có quyền tiến hành thi công xây dựng công trình”.
Nhận được Biên bản, vợ chồng ông Thành mừng thầm vì sắp có đất tái định cư để xây nhà mới nên đi thuê một ngôi nhà ở P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu) với giá 4,5 triệu đồng mỗi tháng cho 10 nhân khẩu sinh sống. Tuy nhiên đã hơn 2 tháng trôi qua, ông bà vẫn chưa được nhận đất để xây nhà nên lại trở về dựng một túp lều trên ngôi nhà cũ đã đập để hàng ngày mưu sinh bằng việc buôn bán giải khát... Tương tự, vợ chồng ông Võ Châu Phi bà Kỳ Thị Kim Oanh (Tổ 11, P. Hải Châu 2) ngày 25-4 cũng đã tự nguyện đập nhà để bàn giao mặt bằng cho TTPTQĐ thành phố và chờ nhận đất tái định cư, tuy nhiên sau 2 tháng tự bỏ tiền thuê nhà chờ đất vẫn chưa thấy đâu, gia đình lại quay về khu đất cũ để hành nghề giữ xe. 35 hộ khác (trong tổng số 90 hộ diện giải tỏa) cũng đã tự nguyện tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng như hộ ông Thành, ông Phi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được nhận đất tái định cư, tiền thuê nhà...
Ông Thành và nhiều hộ dân trong diện giải tỏa mong sớm được nhận đất tái định cư. |
Một số hộ khác thấy khi bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa nhận được đất tái định cư thì lại tỏ vẻ chần chừ, cố bám trụ trong những căn nhà chật hẹp, ẩm thấp để mưu sinh. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Náu (87 tuổi), trong nhà có 12 nhân khẩu, bà Náu thì đã quá già yếu nên mọi chuyện phó thác cho con cháu. Tuy nhiên, thấy nhiều người xung quanh đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được đất tái định cư, không có nơi ở ổn định, các con bà đang chần chừ chuyện giải tỏa bàn giao mặt bằng...
Đa số hộ ảnh hưởng bởi dự án xây dựng TTTM chợ Cồn và khu vực lân cận mà chúng tôi tiếp xúc đều mong sớm nhận được đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giữa tháng 5-2015, TP Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa và bố trí tái định cư cho các hộ dân ở khu vực chợ Cồn hoàn thành trước Tết âm lịch Bính Thân 2016. Tuy nhiên, trong khi mọi sự đang diễn ra thuận lợi thì có thông tin một số hộ dân trong diện được nhận đất tái định cư đã bán phiếu đất cho “cò đất” nên thành phố phải tạm dừng để rà soát và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ngày 9-3-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn có Kết luận số 29 về tiến độ bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư một số dự án trên địa bàn Q. Hải Châu, trong đó nhấn mạnh đến việc rà soát tình hình mua bán hồ sơ bố trí đất tái định cư của các hộ tại dự án TTTM chợ Cồn và khu vực lân cận đồng thời rà soát điều kiện sống của các hộ ở nơi mới để có hướng giải quyết. UBND TP đã giao cho CAQ Hải Châu tiến hành rà soát, xác minh số nhân khẩu thường trú, tạm trú để có cơ sở giải quyết các chế độ chính sách liên quan. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho phép gia hạn thời gian thực hiện công trình Chung cư tại 201-Đống Đa đến hết ngày 30-9-2016 để bố trí nơi ở cho các hộ trong diện giải tỏa. Đến ngày 25-3, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 582 gửi UBND Q. Hải Châu và TTPTQĐ thành phố về việc thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư dự án TTTM chợ Cồn và khu vực lân cận.
Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng sáng 22-6, một vị đại diện TTPTQĐ thành phố cho biết, việc chậm tiến độ bố trí đất tái định cư cho các hộ đã bàn giao mặt bằng tại dự án TTTM chợ Cồn là do quá trình kiểm tra, rà soát của thành phố bởi đây là một dự án mang tính an sinh cao chứ không phải như những dự án thương mại khác. Chủ trương của thành phố là phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các hộ dân trong diện giải tỏa, đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt hơn sau khi giải tỏa. Qua trao đổi, vị này cũng cho biết, hiện đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để tổ chức bố trí đất tái định cư cho những hộ đã bàn giao mặt bằng trong những ngày cuối tháng 6 này, đồng thời tiếp tục giải quyết các chế độ liên quan cho các hộ.
Nguyễn Tuấn
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Bất động sản 2018: Nhà ở tiếp tục là tâm điểm
- Tín dụng siết chặt, lối ra nào cho doanh nghiệp địa ốc?
- Cuộc đua "xanh" của các chủ đầu tư địa ốc
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng năm 2018 trong mắt chuyên gia
- Tỷ USD vốn ngoại chờ đổ vào bất động sản Việt Nam
- Cũng là lễ hội hoa, nhưng Bà Nà đã làm thế này mới ra chất
- Cuối năm, cùng dọn dẹp nhà cửa để đón vượng khí, cho năm mới phát tài phát lộc
- Lăng Cô và Hội An sẽ trở thành thị trường cạnh tranh tương hỗ với BĐS Đà Nẵng trong tương lai gần
- “Làn sóng” nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đổ bộ Đà Nẵng
- Sun World Ba Na Hills được Sở Du lịch Đà Nẵng vinh danh
- Cần khung pháp lý cho condotel
- Nguồn vốn tín dụng địa ốc đang hướng tới sức cầu
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ
- Đà Nẵng vào top 10 nơi đáng sống trên thế giới
- Nhiều nơi đã cấp phép xây dựng condotel theo hình thức căn hộ lưu trú
- Tâm Villa: Điểm nhấn kiến trúc nghỉ dưỡng ấn tượng tại Golden Hills
- Đón “mùa vàng” M&A bất động sản
- Đà Nẵng "thay áo mới" đón Tết
- Bất động sản chiếm vị trí thứ 3 trong dòng vốn đầu tư ngoại
- Kết nối đường giao thông với các khu đô thị, cao ốc