Trong 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) chỉ có 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) chỉ có 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Marc Towsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực BĐS chiếm tỷ trọng ít hơn so với giai đoạn 2007 - 2009 cho thấy, nhà đầu tư quốc tế ngày càng thận trọng hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư.
“Hiện nay, luồng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS chủ yếu là các dự án hướng đến nhu cầu thật của thị trường như dự án nhà ở, căn hộ. Còn việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng lại tài sản của mình ở Việt Nam vì thị trường ấm lên là thời điểm thích hợp để các quỹ cơ cấu lại dòng vốn và bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư trong nước, nhằm tránh những thủ tục gia hạn đầu tư khi thời hạn của giấy phép đầu tư sắp hết. Trong nhiều trường hợp, bên bán ở thương vụ này đồng thời là bên mua ở một thương vụ ngay sau đó”, ông Marc Towsend nói.
. |
Ông Marc Towsend cũng dẫn chứng hàng loạt thương vụ của các nhà đầu tư nước ngoài như việc Keppel Land bán đi Dự án Sedona Suite Hanoi cho BRG, nhưng đồng thời mua lại Dự án Hanoi Westegate và đầu tư vào Dự án The Estella cùng Tiến Phước; Gamuda Land mua lại Dự án Celadon City hay TCC (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Big C… “Đây là các thương vụ mua bán tài sản, chứ không phải là hoạt động thoái vốn”, ông Marc Towsend nhận định.
Theo CBRE Việt Nam, các dự án FDI vào lĩnh vực BĐS những tháng đầu năm 2016 có thể kể đến như: Samsung đầu tư 300 triệu USD vào một tòa nhà 21 tầng tại Hà Nội, một đối tác từ Liên bang Nga thông qua TNR Holdings đầu tư dự án 300 triệu USD cũng tại Hà Nội và SynGience (Singapore) đầu tư 18 triệu USD vào một dự án tại TP.HCM. Ở chiều ngược lại, những tháng đầu năm 2016, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS mà bên chuyển nhượng là các chủ đầu tư nước ngoài, bên nhận chuyển nhượng là các công ty trong nước.
Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội và TP.HCM quý II/2016 của CBRE Việt Nam cho thấy, thị trường phần nào chững lại so với năm 2015 khi lượng căn hộ mở bán mới và lượng giao dịch sụt giảm.
Tại Hà Nội, quý II/2016 có tổng cộng 6.100 căn hộ được mở bán từ 17 dự án mới, tăng 19% so với quý trước, tuy nhiên, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính có khoảng 4.860 căn hộ được giao dịch trong quý, tăng 20% so với quý trước, nhưng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại TP.HCM, trong khi nguồn cung căn hộ tiếp tục tăng mạnh với 10.107 căn hộ mới, thì số căn bán được chỉ đạt 5.887 căn, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 35% so với quý trước. Điều này dẫn đến quan ngại về nguồn cung quá cao khiến lượng giao dịch không thể theo kịp với nguồn cung mới mỗi quý.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết: “Mặc dù thị trường phần nào chững lại so với năm 2015, nhưng không quá lo ngại, bởi khoảng cách giữa căn hộ mở bán mới và căn hộ được giao dịch đang sát lại gần hơn. Điều này chứng tỏ, các chủ đầu tư đã kỹ lưỡng hơn trong việc chào bán dự án mới ra thị trường”. Bà An cũng nhấn mạnh, điểm đáng chú ý nhất trong quý này là sự trở lại của phân khúc hạng sang, với một dự án tiếp tục chào bán kể từ lần chào bán đầu tiên vào năm 2015 và hai dự án mới ra thị trường, cung cấp cho toàn thị trường khoảng 700 căn.
Về triển vọng, đại diện CBRE dự báo, thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng trong năm 2016. Các dự án mới hoặc tái khởi động sẽ tiếp tục mở bán ra thị trường, tuy nhiên, tốc độ có thể chỉ ở mức ngang bằng với năm 2015. Nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư cho thuê lại sẽ dẫn dắt thị trường.
Các bản tin khác
- Thị trường nhà ở phát triển lệch pha
- Về một thành phố ven sông Cổ Cò
- Nhà đầu tư condotel đối mặt với nhiều rủi ro
- Bán thí điểm 330 căn hộ nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Phong Bắc
- Áp dụng mức lãi suất 4,8% khi vay mua nhà ở xã hội
- Golden Hills hấp dẫn từ quy hoạch
- Thận trọng với sốt đất
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản Đà Nẵng
- Ngôi nhà tuyệt đẹp ở Đà Nẵng được báo nước ngoài ca ngợi
- Nhiều bất ngờ, thú vị về "Huyền thoại những cây cầu"
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
- BIDV tung 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi
- Đô thị biển - hướng mở cho không gian du lịch Đà Nẵng
- “Bỏng tay” với đất biển Đà Nẵng
- Giao dịch bất động sản vẫn sôi động trước chính sách thắt chặt vốn vay
- Khánh thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài
- Quảng Nam-Đà Nẵng: Phối hợp quy hoạch, khai thác sông Cổ Cò, xúc tiến dự án Làng Đại học Đà Nẵng
- Cải thiện giao thông, phát triển đô thị
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Câu chuyện về sự phát triển bền vững
- Dấu ấn đô thị