(PL) - Nếu không được cấp giấy chứng nhận, người mua nhà thuộc dự án đã bị thế chấp có thể khởi kiện chủ đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng.
“Nếu chủ đầu tư (CĐT) đã thế chấp dự án cho tổ chức tín dụng, sau đó lại đem bán nhà ở mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, không thực hiện thủ tục rút bớt tài sản thế chấp tương ứng (gọi tắt là giải chấp) là không đúng quy định pháp luật” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi sở này công bố danh sách 77 dự án đang được các CĐT thế chấp trên địa bàn TP.HCM (xem danh sách các dự án trên plo.vn).
Ông Đinh Quang Hưng (71 tuổi, ngụ căn hộ A101 chung cư Minh Thành) đang nói về nỗi khổ khi chung cư bị chủ đầu tư thế chấp. Ảnh:HỒNG TRÂM
Được bán nếu rút bớt tài sản thế chấp
. Phóng viên: Thưa ông, điều kiện nào để doanh nghiệp (DN) là CĐT các dự án bất động sản được thế chấp dự án?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Điều kiện chung (theo quy định của Luật Đất đai 2013) là phải có giấy chứng nhận, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án trong thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, muốn thực hiện quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, DN phải thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Về thủ tục, DN phải lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức hành nghề công chứng. Sau khi đã lập hợp đồng thế chấp, DN phải nộp hồ sơ đăng ký biến động tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.
. DN đã thế chấp dự án có được quyền bán nhà ở trong dự án đó cho khách hàng?
+ Theo Thông tư liên tịch 01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT thì trước khi ký kết hợp đồng mua bán nhà ở, DN phải thực hiện thủ tục rút bớt tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai. DN không được chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai đó cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu chưa có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp.
Người mua có thể khởi kiện
. Nếu CĐT có vi phạm như trên, quyền lợi người mua nhà được đảm bảo ra sao?
+ Vướng mắc lớn nhất trước nay là người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận và TP đã kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn xử lý. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND TP yêu cầu các CĐT liên quan phải thực hiện thủ tục rút bớt tài sản thế chấp, sau đó người mua nhà ở sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận. Nếu CĐT không chấp hành, TP căn cứ vào mức độ vi phạm để xem xét, xử lý.
Trường hợp phát sinh tranh chấp do người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận, người mua nhà có thể khởi kiện CĐT yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng.
. Trong thời gian qua, người mua nhà tại các dự án rất bị động để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo ông, cần những giải pháp gì để hạn chế rủi ro cho người mua?
+ Cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp. Đầu tiên, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh bất động sản để từng chủ thể liên quan nắm bắt đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường bất động sản.
CĐT phải cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin, tiến độ dự án, thực trạng tài sản thế chấp. Người mua nhà cần kiểm tra pháp lý dự án nhà ở đủ điều kiện trước khi giao dịch, yêu cầu DN cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản. Đặc biệt, các ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh bất động sản đủ điều kiện trước khi nhận thế chấp, kịp thời thông báo cho văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan công chứng khi cần thiết.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của Sở Xây dựng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP trong việc công khai các thông tin liên quan tới dự án.
. Xin cám ơn ông.
Chung cư bị thế chấp, cư dân lao đao Chung cư cao cấp Minh Thành (đường Lê Văn Lương, phường Tân Quy, quận 7) được CĐT là Công ty Minh Thành thế chấp cho một ngân hàng từ năm 2010. “Tôi mua lại căn hộ này vào năm 2011 từ một người khác (mua căn hộ từ năm 2007) và hoàn toàn không hề biết việc chung cư đã bị thế chấp. Trong hồ sơ mua nhà của chủ cũ có ghi rõ là trong sáu tháng CĐT sẽ giải quyết toàn bộ thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận” - ông Đinh Quang Hưng (71 tuổi, ngụ căn hộ A101) cho biết. Theo ông Hưng, vì không có giấy chứng nhận nên gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn. “Do gia đình tôi không được nhập hộ khẩu nên hai đứa cháu nội phải đi học rất xa, ở tận phường Phước Kiểng. Tôi muốn bán nhà để chữa bệnh cho vợ nhưng chẳng ai dám mua vì lo sợ căn hộ không có giấy tờ. Ngay cả việc đem nhà đi cầm cố ngân hàng cũng không được. Tôi đã đóng 100% tiền nhà mà vẫn không thể sở hữu nhà của mình” - ông Hưng bức xúc. Chị Trương Minh Châu, đại diện ban quản trị chung cư Minh Thành, cho biết sau thời gian dài không thấy CĐT làm giấy tờ, người dân âm thầm tìm hiểu thì mới biết CĐT đã đem chung cư đi thế chấp. Tính tới thời điểm hiện tại, CĐT đang nợ ngân hàng hơn 60 tỉ đồng. “Ban quản trị đã tổ chức rất nhiều cuộc họp yêu cầu CĐT phải nhanh chóng giải quyết giấy chứng nhận cho người dân. Mới đây, cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các sở và quận, CĐT hứa là tháng 9 tới đây sẽ thanh toán toàn bộ nợ cho ngân hàng để làm giấy tờ cho người dân” - chị Châu cho hay. HỒNG TRÂM |
CẨM TÚ thực hiện
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Mua nhà bằng hợp đồng vay vốn: Khách hàng tự "thả gà ra đuổi"
- Khai trương Công viên APEC tại Đà Nẵng
- Không chỉ cảnh đẹp, đây mới là điều khiến Ba Na Hills ngày càng hấp dẫn
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch
- Hé lộ siêu dự án “một bước tới biển” ở Tây Bắc Đà Nẵng
- APEC 2017: Thương hiệu Đà Nẵng đang ghi dấu ấn trên toàn cầu
- Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017
- Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng
- Nhiều dự án ven sông Cổ Cò tiếp tục hút khách
- 1.800 tỉ đồng cho dự án tháp đôi Movenpick Hotels & Residences Risemount Apartment Da Nang
- Những rắc rối khó lường khi mua đất chung sổ đỏ
- Những lưu ý khi đầu tư condotel Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng và xu hướng rời phố về ven đô
- Thị trường bất động sản Nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ cuối: Địa điểm đáng để đầu tư)
- Chỉ có 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
- Lợi thế bất động sản ven đô Đà Nẵng
- Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng
- Không thể chậm trễ!
- Đại gia mới xuất hiện: Cuộc đổi vận ngàn tỷ ở Đà Nẵng