Sự lựa chọn ra đi hay trở về, là tùy vào mỗi gia đình và những suy nghĩ rất cá nhân. Ở những thời khắc quyết định, mái nhà quen thuộc thời thơ ấu hoặc tòa chung cư cao chọc trời sẽ giúp người ta có cuộc sống hoàn toàn khác biệt.
1.
Khoảng vài tháng nay, những con số về người Việt Nam định cư tại nước ngoài khiến nhiều người trăn trở. Các du học sinh không về, là điều dễ nhận thấy nhất. Các em được tiếp thu nền giáo dục văn minh, quen với cuộc sống văn minh, không nhiều người muốn quay trở về.
Nhưng gần đây, làn sóng mua nhà tại Mỹ, Úc, Canada, Singapore mỗi ngày mỗi lớn. Người ta mua chưa hẳn đã vì sự cấp bách về chỗ ở, nếu có sang định cư. Việc thuê nhà còn rẻ hơn ở thời gian đầu lạ nước lạ cái. Nhưng mua nhà xong rồi, thì bắt đầu tính đến việc đóng tiền đầu tư và dần dần là thẻ xanh. Việc sở hữu 2 quốc tịch hiện nay đang trở thành đề tài nóng hổi trong bữa ăn tối của nhiều gia đình trên trung lưu và thượng lưu.
Trong 8 tháng gần đây, hầu như tuần nào tôi cũng đi ăn tiệc hoặc gặp gỡ tại quán cà phê để chia tay bạn bè đi định cư nước ngoài. Các bạn như những dòng kênh, tách dần dần theo nhánh sông nhỏ để đổ ra biển lớn. Đó là những người tự tin, có khả năng hội nhập cao, làm ăn kinh doanh giỏi. Nhưng cũng có những người sống đơn giản, trầm mặc, thích tìm được sự an yên trong cuộc sống. Họ không thể thích nghi được thêm nữa quá nhiều ngang trái ở ngoài xã hội.
Với những bạn bè có tố chất kinh doanh, việc mua nhà ở nước ngoài sẽ được tính toán cho thuê trong giai đoạn đầu tiên. Giá 1 căn nhà tại Úc, Canada hoặc Mỹ chỉ tương đương hoặc thậm chí thấp hơn 1 căn nhà mặt tiền hoặc biệt thự tại Sài Gòn hay Hà Nội. Nhưng giá cho thuê nhà lại tốt hơn. Vì vậy, giải pháp mua nhà vẫn là sở thích theo đúng kiểu “thâm căn cố đế” của người Việt: an cư mới lạc nghiệp. Sẽ còn rất nhiều người bạn nữa, đang thực hiện công việc đóng tiền theo diện đầu tư để ra nước ngoài trong thời gian tới đây. Đôi khi nỗi buồn của người này là niềm vui và cơ hội của người khác, hoặc ngược lại. Bởi vậy, tôn trọng sự chọn lựa cá nhân là điều tiên quyết ở một xã hội văn minh.
2.
Trong tuần rồi, tôi ra sân bay đón cô bạn từ châu Âu trở về Sài Gòn. Bạn về để chơi cùng gia đình và cũng nhân tiện ra công chứng mua đất, sau này nghỉ hưu sẽ trở về sinh sống tại Việt Nam. Ông xã của bạn là một người nước ngoài thành đạt, nhưng ông yêu Việt Nam, thích cảnh sống tĩnh lặng của làng quê Việt Nam. Và cô bạn tôi, dù theo chồng ra nước ngoài sống đã hơn 10 năm, nhưng vẫn nhất quyết giữ quốc tịch Việt Nam. Cô nói, dù phải di chuyển sống tại nhiều quốc gia trên thế giới theo chồng và mỗi lần như vậy, quốc tịch mà cô đang giữ gây không ít khó dễ để các quốc gia khác cấp visa, nhưng người phụ nữ này vẫn nhất quyết không thay đổi. Vợ chồng cô đã mua đất ở quận 2, giờ mua thêm miếng đất ở ngoại ô nữa, mong trồng cây cho lớn để chờ gần 20 năm sau sẽ về ở hẳn Việt Nam.
Trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào, cô bạn cũng đều mặc bộ áo dài của Việt Nam. Dường như không thể khác hơn được nữa một hình ảnh yêu thương và nhớ nhung nơi chôn rau cắt rốn. Cho dù lần nào về Việt Nam, cả nhà bạn cũng gặp các việc không được vui. Ra đường đi bộ trên vỉa hè cũng bị các xe máy leo lên lề bấm còi inh ỏi để chạy qua cho nhanh. Nếu chưa kịp né, là bị người ta nói những câu nặng lời. Lũ trẻ thì thường xuyên méc ba mẹ các việc nhìn thấy bạn bè trang lứa uống sữa, uống nước xong vứt vỏ hộp ngay xuống dưới chân. Dù đó là trảng cỏ đang xanh tốt vào mùa mưa ở ngoài công viên, hay ngay trong thang máy.
Cô bạn tôi nói, cô đã phải dùng tất cả những ngôn ngữ giải thích cho dễ hiểu nhất với các con. Nhưng dường như một người đi dạy học có rất nhiều kiến thức như cô cũng đôi lúc cảm thấy bất lực trước từ ngữ tiếng Việt để các con hiểu được lý do vì sao có các chuyện bất thường mà lại trở thành chuyện thường ngày.
Nhưng, mọi sự lộn xộn ấy vẫn không thể thay đổi được ý nguyện trở về Việt Nam sinh sống của cặp vợ chồng dễ thương này. Họ đang chuẩn bị cho một tương lai tuổi già tại Việt Nam, khác hẳn với các gia đình khác đang dịch chuyển sang trời Úc, trời Mỹ, trời Âu. Mọi việc cứ xoay theo cách con người mong muốn. Ở đâu cũng được, công dân đa quốc gia là xu thế. Miễn sao mọi người đều thỏa mãn được nhu cầu hạnh phúc, là mừng.
Các bản tin khác
- Thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi)
- Quy định chặt chẽ việc đầu tư bất động sản
- Đại gia Việt đua nhau đổ tiền vào BĐS nghỉ dưỡng
- Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới: Giãn tiến độ đến sau năm 2020?
- Tổng kết đề án thí điểm kiện toàn văn phòng ĐKQSDĐ một cấp thành phố
- Ba loại giá đất để tính tiền sử dụng đất
- Từ ngày 1-7, đất dưới 30m2 sẽ vẫn được cấp sổ đỏ
- Đề xuất thay đổi thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch
- Còn 30.000 trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu
- 5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất
- Lại có đợt giảm lãi suất tiết kiệm?
- GIỚI THIỆU NHỮNG NGHỊ ĐỊNH MỚI RẤT QUAN TRỌNG VỀ LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
- Đất nền giá tốt cho người dân có nhu cầu nhà ở thật sự
- Đà Nẵng hoàn trả tiền sử dụng đất cho người dân
- Bí thư Thành ủy Trần Tho: Dồn sức làm ngay những dự án giao thông quan trọng
- VietABank triển khai đồng loạt các chương trình ưu đãi
- Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ các dự án
- Pháp luật kinh doanh địa ốc: Những băn khoăn từ nghị trường
- Căn hộ 1 tỷ đồng làm nóng thị trường
- Trụ sở bộ, ngành sẽ tập trung tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây