Đà Nẵng có nhiều, rất nhiều đường phố mang tên con số hay có chứa con số. Có những con số đơn thuần chỉ là đánh số thứ tự tên đường như Hòa Minh 1 đến Hòa Minh 23 (quận Liên Chiểu), Tiên Sơn 1 đến Tiên Sơn 20 (quận Hải Châu), Phú Lộc 1 đến Phú Lộc 19 (quận Thanh Khê)... Cũng có một số đường phố tuy mang con số nhưng lại dẫn dắt ta đến những thời khắc quan trọng của lịch sử.
.
Đường 2 Tháng 9 là một trong những con đường đẹp ở Đà Nẵng. |
Đường Nguyễn Tất Thành dài 11km, từ đường Nguyễn Lương Bằng ôm một vòng cung quanh vịnh Đà Nẵng chạy thẳng đến đường dẫn lên cầu Thuận Phước. Tại đây- nơi đầu đường dẫn lên cây cầu treo dây võng bắc qua hai bờ sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, một đảo giao thông hoa cỏ bốn mùa tươi xanh trở thành điểm khởi đầu của một đường phố mang tên một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại: đường 3 Tháng 2. Con đường mang tên ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam rộng 21m, dài 1km, xuôi về phía đông nam giáp với con đường được cho là “tiền hiền” của hệ thống đường phố Đà Nẵng là đường Bạch Đằng.
Giáp với cực nam đường Bạch Đằng ngay tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - đường dẫn lên cầu Rồng là đường 2 Tháng 9, mang tên một sự kiện lịch sử quan trọng khác: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày diễn ra sự kiện trọng đại này đã trở thành ngày Quốc khánh Việt Nam.
“Ngày quốc khánh - Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia cho biết, là ngày lễ quan trọng của một quốc gia. Nó đánh dấu một sự kiện lịch sử, chính trị hoặc văn hóa gắn liền với lịch sử Nhà nước hiện tại của quốc gia đó. Tại hầu hết các nước, ngày quốc khánh đánh dấu sự khai sinh của quốc gia: ngày giành được độc lập như ở Mỹ, lật đổ chế độ cũ như tại Pháp, ngày thông qua hiến pháp như ở Thổ Nhĩ Kỳ...”. Với lịch sử Việt Nam cận đại, 2-9-1945 đánh dấu ngày người đứng đầu Nhà nước Việt Nam long trọng tuyên bố Việt Nam độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đường phố mang tên ngày Quốc khánh Việt Nam là một trong những con đường đẹp ở Đà Nẵng. Ngay đầu đường là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có tuổi đời tính bằng thế kỷ, do người Pháp xây dựng từ năm 1915. Nơi đây lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chăm-pa cổ xưa; trong đó, có ba hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ tát Tara.
Sát bên bảo tàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng bảo tàng hạng I này là chùa An Long (trước năm 1920 tên là chùa Long Thủ). Ngay cổng vào phái nam ngôi chùa được khởi dựng vào năm 1653 này hiện vẫn còn một tấm bia cổ được làm bằng đá sa thạch vào năm Thịnh Đức thứ năm, triều vua Lê Thần Tông (1657), do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám (người làng Hải Châu, phủ Điện Bàn) biên soạn. Bia đã được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16-5-1925; được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2-12-1992.
Về phía nam, sau khi băng qua giao lộ Duy Tân - đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý, đường 2 Tháng 9 có một đoạn được mệnh danh là “Phố nhà hàng tiệc cưới”, bởi nơi đây tập trung những nhà hàng chuyên phục vụ tiệc cưới đến tầm cỡ... công nghệ!
Qua “Phố nhà hàng tiệc cưới”, về phía tây là Quảng trường 29 Tháng 3 và đối diện với đó là Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của thành phố (theo www.danang.gov.vn - Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng) với ngọn tháp cao 45m có đính 4 chữ “Tổ Quốc Ghi Công”. Đài có phần đế gồm ba nhánh chụm lại tạo thành thế chân vạc vững chãi giữa đất trời, vừa thể hiện sự vĩnh hằng trước bao phong sương tuế nguyệt, vừa thể hiện tinh thần bất khuất của chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Hằng năm cứ đến hạ tuần tháng Chạp, khu vực Quảng trường đối diện Đài tưởng niệm trở thành chợ Hoa xuân, nơi tập trung các loại hoa/cây cảnh của nông dân thành phố và các tỉnh, thành bạn, phục vụ nhu cầu vui xuân đón Tết của người dân, tạo nên một không gian đầy hương sắc cho tuyến đường nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung.
Đường 2 Tháng 9 dài 3.377km, rộng 21m, nối từ đường Bạch Đằng đến đường dẫn lên cầu Tiên Sơn. Đây cũng là nơi bắt đầu của đường Cách mạng Tháng Tám dài hơn 4km, rộng 21m, chạy thẳng lên cầu vượt Hòa Cầm và nối với đường Trường Sơn.
Đường mang tên cuộc cách mạng dẫn tới ngày Quốc khánh 2-9 này cũng trùng với quốc lộ 14B có cột km 0 ở cảng Tiên Sa dưới chân núi Sơn Trà. Từ khi có cầu vượt Hòa Cầm (hoàn thành năm 2004), giao thông của đường bộ và đường sắt giữa 2 quốc lộ 1A (đường Trường Chinh) và 14B đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với đó, cảnh quan nơi giao lộ một thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông này cũng đã đẹp hơn, tạo tiền đề cho nút giao thông ngã ba Huế ra đời vào 11 năm sau đó, năm 2015.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Các bản tin khác
- InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đạt 4 giải Oscar của ngành công nghiệp du lịch 2014
- Xóa bỏ giao dịch tiền mặt
- Doanh nhân Đà Nẵng, họ là ai?
- Lãnh đạo thành phố thăm và chúc mừng doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
- Nhà, đất mua giấy tay: Lỗi không chỉ của dân!
- Một người được mua nhiều nhà sở hữu nhà nước
- Ý tưởng lạ cho những cây cầu
- Đấu thầu thành công 1.100 tỷ đồng trái phiếu của Đà Nẵng
- Chủ tịch Quốc hội lo cho ngân sách
- Đẩy mạnh cho vay bất động sản, ngân hàng có tạo ‘bom’?
- Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
- Chuyển động tích cực từ phân khúc căn hộ cao cấp
- Hàng trăm thắc mắc về thủ tục nhà đất
- Bao giờ hết cảnh "Trơ gan cùng tuế nguyệt"?
- Thị trường ô-tô khởi sắc
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm và làm việc tại Nhật Bản
- Các nhà đầu cơ BĐS đang quay lại thị trường
- Khai mạc Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và thứ 11 của HĐND thành phố khóa VIII: “Nóng” việc quản lý và bố trí đất tái định cư
- “Thanh niên 3 hơn” ở Đà Nẵng
- Mời giao lưu trực tuyến về việc cấp giấy chứng nhận nhà, đất