Trước tình hình thực tế đầy khó khăn, dư luận cho rằng từ nay đến cuối năm 2012, nếu không thực hiện tự do hóa lãi suất, trần lãi suất huy động của hệ thống NH sẽ xuống 10%/năm, thậm chí có thể “chạm” ngưỡng 9% thì người có tiền nhàn rỗi sẽ rút ra để đầu tư kênh bất động sản (BĐS)? Vậy, việc hàng loạt ngân hàng khởi động mở van tín dụng cho BĐS sẽ có tác động thế nào?
NHIỀU NGÂN HÀNG VÀO CUỘC
Hiện tại, hầu hết mức tăng trưởng tín dụng của các NH đang rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi nguồn vốn đang dồi dào. Đẩy mạnh cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là tất yếu, đồng thời nắm bắt được nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực BĐS là rất lớn và luôn có tài sản đảm bảo nên nhiều NH đã tiên phong đón đầu trong cuộc đua cho vay lĩnh vực này.
Sau giải pháp điều hành giảm lãi suất và mở van tín dụng của NHNN, nhiều NH bắt đầu khởi động rầm rộ “mời chào” các gói vay, trong đó có BĐS với lãi suất hấp dẫn. Tiên phong trong lĩnh vực cho vay BĐS là NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên tiếp giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi đối với các khách hàng vay trung và dài hạn có đủ điều kiện vay vốn NH, có định hạng tín nhiệm cao (theo xếp hạng tín dụng của BIDV) được áp dụng lãi suất cho vay 12-13%/năm. Cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp phụ trợ, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, cho vay khắc phục bão lũ là 13%/năm. Đặc biệt, mới đây BIDV tuyên bố dành gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho BĐS. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình mua nhà thuộc các DA do BIDV tài trợ vốn với lãi suất hấp dẫn chỉ 16%/năm, thời hạn vay có thể lên đến 15 năm, mức cho vay khoảng 85% giá trị căn nhà. NH Ngoại thương (Vietcombank) vừa tung gói tín dụng lãi suất chỉ khoảng 14%/năm, trong đó có cho vay về BĐS.
Thị trường BĐS sẽ được tiếp sức khi những thông tin hạ lãi suất và mở van tín dụng của các NH.
Ảnh: Phối cảnh KĐT Phú Gia (Nam cầu Cẩm Lệ, Đà Nẵng). |
Bên cạnh các NH lớn thì thị trường đón thêm một số NHTMCP với gói tín dụng có lãi cạnh tranh, dành cho các nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực BĐS. Đơn cử như, HDBank triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để SXKD hoặc tiêu dùng cá nhân. Mức giảm lãi suất lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. NH SeABank cũng vừa dành 1.000 tỷ đồng cho các cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà ở với mức lãi suất 17,1% và miễn trả lãi 1 tháng đầu tiên đối với kỳ hạn vay. NH Á CHÂU (ACB) có chính sách ưu đãi và hạ lãi suất đối với các cá nhân, hộ gia đình vay mua, xây-sửa chữa nhà ở với lãi suất khoảng 17-18%/năm. Động thái rõ nhất trong cuộc khởi động cho vay BĐS thuộc khối NHTMCP là NH Quốc tế (VIB), ngày 28-5 đã dành gói ưu đãi tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay BĐS với hạn mức tới 90% nhu cầu, thời hạn tối đa 180 tháng. Điểm đáng chú ý của chương trình này là VIB áp dụng mức lãi suất tốt cho 3 tháng đầu của khoản vay, chỉ với 14,2%/năm. Đây cũng là một trong những mức tốt nhất trên thị trường hiện nay, thuộc mảng tín dụng BĐS...
Thực tế, nhiều NH đón đầu được chính sách điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian đến khi mà lạm phát được kiểm soát khoảng 7-8%, trong khi đó trạng thái thanh khoản và vốn khả dụng đã cải thiện, thậm chí có hiện tượng dư thừa trong nhiều NH nên các NH bắt đầu vào cuộc chạy đua cho vay để đi tắt đón đầu mức lãi suất sẽ hạ trong nay mai.
ĐÃ ĐẾN LÚC ĐẦU TƯ BĐS?
Sau một loạt động thái của các NH mở van cho tín dụng BĐS, lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn người dân gửi tiền cộng với việc giá nhà, đất đang xuống ở mức hợp lý..., liệu đã đến lúc bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực này? Ông Đoàn Thanh Lâm - Địa ốc Đông Tây, nhìn nhận: thực chất, những động thái của NH trong thời gian gần đây là những thông tin hỗ trợ mạnh cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, tâm lý người mua vẫn chờ BĐS giảm giá nữa mới “xuống” tiền. Trong khi đó, trên thị trường, một số khách hàng có nhu cầu thực sự đã “xuống” tiền vào thời điểm này vì họ cho rằng giá BĐS đã xuống đáy, khó giảm thêm nữa”.
Một thực tế, trong suốt thời gian dài vừa qua, đặc biệt là các thời kỳ sốt BĐS, các chủ đầu tư, nhà đầu tư BĐS Đà Nẵng kiếm được những khoản siêu lợi nhuận khi đẩy giá BĐS lên quá cao, nhất là đất nền của một số DA. Do đó, trước những thông tin BĐS Đà Nẵng đã giảm giá 20-40% so với trước đây chỉ tồn tại một số DA như Golden Hills, khu vực ven biển, khu Nam Cẩm Lệ, Nam Việt Á,...s còn lại những khu khác thì giá vẫn ít thay đổi, nếu có giảm thì cũng chỉ các nhà đầu tư thứ cấp, còn chủ đầu tư vẫn không chịu xuống nước.
Qua khảo sát thị trường, hiện số lượng khách hàng tìm mua BĐS có giá từ 600 triệu đồng trở xuống khá phổ biến. Anh Huy - nhà đầu tư BĐS tại Đà Nẵng cho biết: “trong vòng 1 tháng trở lại đây, đa số khách hàng có nhu cầu thực sự tìm kiếm thông tin, hỏi giá và đặt vấn đề với những lô đất có giá trung bình ở các vùng ven bán kính 5-10km như Hòa Hải, Cẩm Lệ, Hòa Khánh hoặc các nhà trong kiệt có diện tích nhỏ và phân khúc này đang là thời điểm kinh doanh của chúng tôi”.
Riêng đối với những nhà đầu tư dài hơi, mặc dù BĐS luôn là thị trường tiềm năng, nhưng vì tính thanh khoản đang thấp cộng với lãi suất vẫn ở mức cao nên đầu tư BĐS thời điểm này vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Chính sách tiền tệ khó xoay chuyển tình thế và làm nên đại cuộc. Hàng hóa nói chung, BĐS nói riêng còn tồn đọng là “yếu huyệt” của nền kinh tế. Một mình lãi suất NH không thể làm nên “mùa xuân”. Đó là lập luận của TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) tại Hội thảo “Thấu hiểu môi trường kinh doanh và khơi dòng vốn cho DN trong khủng hoảng” do Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) - Trường ĐH FPT và Khoa QTKD (HSB) - ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây. NH mở van tín dụng cho BĐS, nhưng để cho thị trường này “sôi” trở lại xem ra vẫn còn phải chờ thêm một thời gian nữa.
Xuân Đương
Theo Báo Công an Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Công bố dự án nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương Người dân đồng thuận phương án hầm chui
- Dự án F.HOME: "Về đích" cùng cơ hội nhà ở trung tâm Đà Nẵng
- Kiến nghị xác định khu vực người nước ngoài không được mua nhà
- Chuyển 25.000m2 đất trồng lúa sang xây dựng công trình
- QUẬN HẢI CHÂU Triển khai xây dựng hai tuyến phố chuyên doanh mới
- Xu hướng mới: Bỏ tiền vào nhà phố thương mại
- Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng
- Quốc hội thông qua 4 Luật
- Dự án nào nóng nhất Đà Nẵng hiện nay?
- Euro Village Đà Nẵng - Sức hút từ một dự án "vàng"
- Đà Nẵng thu hồi các dự án ‘bất động’ trong thời gian dài
- Giá nhà “leo thang” theo giá vật liệu xây dựng
- Giải pháp thu hút FDI vào Đà Nẵng
- Nguy cơ lớn nhất với nhà đầu tư bất động sản thứ cấp hiện nay
- Trung Nam Group khẳng định làm nhà đầu tư điện năng chất lượng, hiệu quả
- Lễ hội Hanami đầu tiên tại Asia Park
- Hình thành khu phố thương mại cao cấp tại Đà Nẵng
- FPT City Đà Nẵng: Dự án tỷ USD đầu tiên chào thị trường quý II/2016
- Biến động gói vay 30.000 tỷ đồng Thị trường Đà Nẵng ổn định
- ‘Bom tấn bất động sản’ của Vingroup 2016