Kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường giải ngân nốt 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa và góp phần gỡ thế bế tắc cho thị trường bất động sản.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công bố tại hội thảo Vực dậy thị trường bất động sản diễn ra ngày 31/5.
Theo Thứ trưởng, trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, Chính phủ mới dùng 60.000 tỷ đồng. Vì thế trong 7 tháng còn lại của năm, 120.000 tỷ đồng nữa sẽ được bơm vào thị trường. "Dòng tiền này khi được lưu thông chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác, trong đó có địa ốc", ông Nam nói.
Theo ông Nam, gói đầu tư công, cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến gói giải pháp khoanh nợ 100.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) tạo điều kiện cho các ngân hàng giải ngân cho vay giúp tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thêm, nền kinh tế còn có dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tiền của người dân sớm muộn cũng sẽ chảy vào bất động sản khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn. Ngân hàng thừa vốn sẽ cho vay trở lại, tạo bước đệm hỗ trợ thị trường bất động sản. Chẳng hạn như BIDV đang tung gói 4.000 tỷ đồng cho vay bất động sản trong vòng 2 năm. ACB và một số ngân hàng khác cũng đang dự tính đến gói này.
Bất động sản được dự báo có thể phục hồi một cách chậm chạp vào cuối năm 2012 nhờ gói giải ngân 120 nghìn tỷ đồng đầu tư công. Ảnh: Vũ Lê |
"Song dù có bao nhiêu cơ chế, chính sách hỗ trợ đi nữa, doanh nghiệp địa ốc phải chủ động cơ cấu lại hàng hóa, nhằm vào phân khúc có nhu cầu lớn với khả năng thanh toán cao. Hãy cơ cấu lại dự án, nguồn vốn để tự cứu mình trước", ông Nam nói.
Đồng quan điểm với ông Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Lê Xuân Nghĩa cũng tin rằng khi giải ngân 120.000 tỷ đồng thúc đẩy đầu tư công sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, trong đó có bất động sản.
Theo ông Nghĩa, việc chống lạm phát quá liều dẫn dến GDP sụt giảm, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu bị giảm phát, hàng tồn kho tăng cao. Chính vì thế, thúc đẩy chi tiêu đầu tư công theo kế hoạch được duyệt của năm 2012 là cần thiết để khôi phục lại sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này có thể từng bước kéo thị trường bất động sản trở lại với tốc độ chậm, đến cuối năm nay thị trường này sẽ có chuyển biến.
"Chưa bao giờ bất động sản được quan tâm như hiện nay. Thậm chí Chính phủ đang có hẳn một chương trình tìm giải pháp vực dậy ngành này và bắt đầu xem đây là thị trường nền tảng. Nếu để nó lung lay là chết chắc", ông Nghĩa nói.
Trong khi các chuyên gia hàng đầu của Chính phủ tin tưởng dòng tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng bơm vào thị trường sẽ vực dậy bất động sản vào cuối năm 2012 thì không ít doanh nghiệp lo ngại theo chiều ngược lại.
Dù thị trường nhà đất trải qua 3 năm khủng hoảng nhưng không ít chuyên gia kinh tế cho rằng không nên vội vàng cứu thị trường này. Ảnh: Vũ Lê |
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế, cho rằng, trông đợi thị trường địa ốc khởi sắc trở lại trong vài tháng tới là quá lạc quan. Bởi lẽ các thị trường bất động sản phát triển hơn Việt Nam như Mỹ, Nhật thậm chí cùng khu vực là Thái Lan bị khủng hoảng phải mất đến vài chục năm vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
"Bài học cũ về bất động sản của các nước chúng ta không cần phải học lại. Biện pháp cứu thị trường địa ốc cần phải căng thẳng hơn nữa, không nên vội vàng", ông Chí nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty Việt Trust, Nguyễn Lam Sơn đề nghị chỉ nên giải cứu địa ốc bằng cách tài trợ cho người mua nhà vì hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều quá sẽ dẫn đến thị trường phát triển lệch lạc. Chuyên gia này cho rằng cần xây dựng cơ chế thẩm định giá trong giai đoạn mới vì thị trường địa ốc sụt giảm quá mạnh, đồng thời xây dựng chỉ số khả năng tín dụng của người mua nhà. Chẳng hạn như người mua nhà lần đầu tiên sẽ được nhà nước bù lãi suất. "Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chỉ có thể xem là tạm thời, về lâu dài ưu đãi cho người mua nhà mới cứu được thị trường".
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho rằng, cần phải xem bất động sản là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ không nên để doanh nghiệp địa ốc nằm ngoài rìa nhóm được vay với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn này. Nghị quyết 13 cần bổ sung mục giảm thuế cho doanh nghiệp bất động sản. Cấp bách nhất là phải sửa Nghị định 69 về việc thu tiền sử dụng đất bằng 100% giá thị trường vì đây là văn bản bất hợp lý.
Theo ông Châu, hàng tồn kho bất động sản hiện rất lớn, các ngành liên quan như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng, nội thất cũng "chết" theo. Năm 2011 có hơn 90% doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, bức tranh rất xấu. "Bất động sản là con chim báo bão khi thị trường khủng hoảng. Nếu nó tắt, nền kinh tế cũng lâm nguy, cần có biện pháp cứu thị trường này trước khi quá trễ", ông nói.
Vũ Lê
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)