Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chiều 28-9 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải tạo cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển. Lãnh đạo Đà Nẵng phải quyết tâm xốc lại đội ngũ, đoàn kết, xây dựng Đà Nẵng xứng tầm là trung tâm của miền Trung- Tây Nguyên và phát triển như: Singapore, Hong Kong.
.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Đà Nẵng xin cơ chế, không xin tiền
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và 9 tháng đầu năm 2016. Theo đó, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, thành phố đã nỗ lực phấn đấu, tập trung và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả những giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chủ động vượt qua khó khăn thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện, thực hiện tốt các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội XX đề ra, tạo chuyển biến tích cực và sâu sắc trên các lĩnh vực.
Tình hình chính trị thành phố luôn ổn định, nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố. Trong quý III và 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực.
Để tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển xứng tầm là trung tâm khu vực miền Trung- Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị, lãnh đạo thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ 5 vấn đề về cơ chế chính sách, 4 vấn đề về đầu tư kết nối giao thông với các địa phương lân cận, chủ yếu là tỉnh Quảng Nam và một số nội dung về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công năm 2017.
Giải trình thêm với Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Đà Nẵng trong thời gian qua. Đà Nẵng tự hào là một trong số 13 địa phương có điều tiết thu ngân sách về Trung ương. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đưa Đà Nẵng xứng tầm là thành phố động lực có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì chưa đạt.
Do đó, Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù. Nếu có cơ chế đặc thù ngay từ đầu nhiệm kỳ này là điều rất thuận lợi. Thành phố chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền. Theo đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về một số cơ chế đặc thù đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng; cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố; ổn định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2017-2020 như tỷ lệ hiện đang thực hiện; cơ chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đồng thời đề nghị đầu tư một số dự án kết nối giao thông liên tỉnh và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đánh giá cao những thành tích phát triển nổi bật rất ấn tượng của Đà Nẵng trong những năm qua. Các bộ, ngành đã có nhiều ý kiến góp ý Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển những lĩnh vực thế mạnh của thành phố để có sức lan tỏa, tạo sức bật của đầu tàu kinh tế, văn hóa của vùng. Hầu hết ý kiến của các bộ, ngành ủng hộ cần có cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho Đà Nẵng đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.Điểm sáng về phát triển trong nhiệm kỳ này
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những thành tích phát triển nổi bật của Đà Nẵng, Thủ tướng rất ấn tượng với thành tích của Đà Nẵng đứng đầu các chỉ số PCI, PAPI, ITC Index, PAR Index… và các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, chủ trương thành phố đáng sống. Thủ tướng Chính phủ đồng ý phải có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển xứng tầm với đầu tàu kinh tế trọng điểm của miền Trung - Tây Nguyên.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đà Nẵng phải là thành phố khoa học - công nghệ, thành phố thông minh, thành phố cạnh tranh, tân tiến. Đây là đề bài đặt ra cho lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ có thành tựu phát triển vượt bậc trên thế giới để đưa thành phố trở thành một Singapore, Hong Kong trong tương lai gần. Công tác quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng phải hướng đến thành phố có quy mô dân số trên 4 triệu người với chất lượng phù hợp yêu cầu phát triển.
Thủ tướng đồng ý đề xuất phải có cơ chế ưu đãi thu hút vào Khu công nghệ cao của thành phố và hầu hết các đề xuất còn lại. Trong đó, vấn đề ổn định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2017-2020 được giao cho bộ, ngành có liên quan xem xét đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên quan điểm tạo điều kiện tối đa cho Đà Nẵng.
Thủ tướng đồng ý với các dự án giao thông kết nối liên tỉnh, quốc tế, dự án xây dựng cảng biển Liên Chiểu, dự án cảng cá, khu neo đậu tránh bão âu thuyền Thọ Quang và định hướng các hình thức đầu tư. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng xốc lại đội ngũ, nêu cao quyết tâm, đoàn kết xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm của vùng. Đà Nẵng phải là điểm sáng về phát triển trong nhiệm kỳ này.
● Sáng cùng ngày, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Quảng Nam từ một tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối và từ năm 2017, bắt đầu điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng tỉnh Quảng Nam thành một mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ.
Muốn như vậy, tỉnh phải có nhiều nguồn lực, phải xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh cần sáng tạo, chủ động trong phát triển. Quảng Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế để lan tỏa sự phát triển toàn diện, tận dụng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tập trung phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Nhất trí với nhận định du lịch là lĩnh vực mũi nhọn đối với sự phát triển của Quảng Nam, Thủ tướng nêu rõ “không thể để tình trạng du lịch là mũi nhọn mà chỉ đóng góp có 7-8% vào GDP mà phải đẩy lên hơn 10% GDP mới gọi là mũi nhọn”.
Gợi mở các giải pháp cụ thể cho Quảng Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm và làm việc ngày đêm vì nhân dân, vì tỉnh nhà. Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, cần định hướng quy hoạch, bảo vệ quy hoạch để không xung đột nhau, nhất là sản xuất công nghiệp và du lịch, bảo vệ môi trường.
Phải có chương trình phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, gấp 2 - 3 lần số doanh nghiệp hiện nay. Tỉnh phải lấp đầy các khu kinh tế, cụm, khu công nghiệp. Yêu cầu tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay, tuyến đường bộ, Thủ tướng giao Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn về hệ thống hạ tầng này, coi đây là một nút thắt đối với sự phát triển của Quảng Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải tính toán, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa để phục vụ chống hạn, nhiễm mặn, lũ lụt một cách chặt chẽ hơn; tiếp tục quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng.
Cần tạo cho Đà Nẵng cú hích mạnh để phát triển Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá Đà Nẵng phát triển rất ấn tượng. Để trở thành đầu tàu trọng điểm kinh tế khu vực miền Trung- Tây Nguyên, Đà Nẵng cần tiếp tục đi đầu trong đổi mới, đổi mới sáng tạo, thí điểm thêm nhiều mô hình mới để cùng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tích lũy kinh nghiệm cho cả nước. Cơ chế đặc thù cần tạo cho Đà Nẵng cú hích mạnh để phát triển. Cơ chế đặc thù mà không khác các địa phương khác thì không hiệu quả. Hướng xây dựng cơ chế này phải theo hướng phân cấp mạnh thẩm quyền cho thành phố, không thể quy hoạch nghĩa trang 100ha cũng phải có ý kiến của Bộ Xây dựng. Cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng cũng nên theo hướng thí điểm làm cái mới, cứ sợ thì không làm được. “Giao cho người ta cái áo lớn mà không giao thẩm quyền thì làm sao mà làm được”, Bộ trưởng nói. |
SƠN TRUNG - Chinhphu.vn
Các bản tin khác
- Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà
- Bùng nổ "dạ tiệc trắng" kỷ niệm 3 năm SKY36 Đà Nẵng
- “Thủ phủ” condotel: Sức hút từ cách làm du lịch chuyên nghiệp
- Công bố quyết định công nhận quận Liên Chiểu là đơn vị hành chính loại I
- Kịch bản nào cho bất động sản cuối năm 2017?
- Dự án không gian làm việc chung hút nhà đầu tư ngoại
- Quy định giá đất ở tái định cư hộ chính tại một số dự án quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn
- Cocobay sắp khai trương tạo cơ hội sinh lời với nhà đầu tư
- Đội Ý đăng quang DIFF 2017
- Trao giải cuộc thi phương án quy hoạch, thiết kế Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Nhà cổ 650 tỷ: Đại gia Đà Nẵng khiến dân chơi ngả mũ
- Trực tiếp Tọa đàm: Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng - Cơ hội, rủi ro?
- Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch, xây khách sạn khu đất góc đường Trần Hưng Đạo và Hà Thị Thân
- Phố mới bên sông Cổ Cò
- Đề xuất thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Cựu Chủ tịch Hiệp hội môi giới Mỹ chia sẻ kỹ năng bán bất động sản
- Cơ hội đầu tư 790 triệu, nhận về hơn 200 triệu/năm
- Đà Nẵng cơ bản hoàn tất các hạng mục chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC
- Hoà Bình Green Đà Nẵng - công trình phục vụ APEC 2017
- Có nên đặt cọc mua nhà chưa có sổ đỏ?