Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã đẩy mạnh chiến lược xâm nhập thị trường nhà ở Việt Nam, thông qua việc hình thành liên doanh hoặc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước.
TP HCM và Hà Nội là hai địa bàn được các nhà đầu tư châu Á (Nhật, Hàn, Singapore) đặc biệt quan tâm trong 9 tháng qua.
Quý III, thị trường bất động sản TP HCM ghi nhận sự hình thành của Liên doanh Maeda (một công ty đến từ Nhật) và công ty Thiên Đức phát triển dự án Waterina tại quận 2. Maeda đang là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực quận 1, TP HCM của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Với kênh phát triển nhà ở, Waterina là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của tập đoàn Maeda tại thị trường Việt Nam.
Theo tiết lộ của một đơn vị tư vấn khảo sát địa ốc tại TP HCM, nhà đầu tư nước ngoài này đã dành nhiều năm để nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam trước khi chính thức góp mặt vào phân khúc căn hộ cao cấp.
Tương tự, Tập đoàn Mitsubishi ký kết với Bitexco để thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu 290 triệu USD. Một đại gia khác là Kajima - Tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh tổng vốn đầu tư một tỷ USD trong 10 năm tới. Tỷ lệ góp vốn của liên doanh Kajima - Indochina Capital (ICC-Kajima) được tiết lộ 50-50 cho mỗi bên.
Trong 12-15 tháng tới, liên doanh sẽ triển khai 4 dự án bất động sản cao cấp tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Phía Indochina Capital tiết lộ, 4 dự án sắp công bố đã được đối tác hai bên sàng lọc từ danh sách 50 dự án tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Thời gian đầu, liên doanh mới sẽ tập trung vào các dự án bất động sản cao cấp dưới hình thức khu nghỉ dưỡng, căn hộ dịch vụ, khách sạn và nhà ở.
Giám đốc Phát triển các thị trường nước ngoài của Tập đoàn Kajima, Keisuke Koshijima cho biết: "Việt Nam luôn là một thị trường trọng tâm của chúng tôi. Liên doanh mong muốn tạo ra bất động sản có giá trị vượt trội cho các nhà đầu tư và khách hàng tại thị trường này".
Nhiều tập đoàn, công ty lớn nước ngoài đang mạnh tay rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê |
Ở kênh đầu tư cổ phần tư nhân, Quỹ đầu tư Frasers Centrepoint Limited (Singapore) đã mua 70% cổ phần trong Dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền. Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) vừa phối hợp cùng với Tập đoàn AON BNG chi 350 triệu USD thâu tóm tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Ngoài ra, 9 tháng qua, các tên tuổi lớn như: Lotte, Mapletre cũng đã công bố rót vốn mạnh vào những dự án bất động sản đình đám tại khu Đông TP HCM. Mới đây, thị trường vừa ghi nhận thêm giao dịch khủng của nhà đầu tư cá nhân. Một tỷ phú nước ngoài đã chi 15 triệu USD (tương đương 330 tỷ đồng) để mua biệt thự biển Đà Nẵng.
Trong buổi báo cáo thị trường bất động sản TP HCM diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - Marc Townsend nhận được hàng loạt câu hỏi về làn sóng đầu tư FDI tại Việt Nam.
Ông Marc Townsend xác nhận, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản TP HCM, Hà Nội và các tỉnh ven biển rất lớn. Khẩu vị của các nhà đầu tư này là săn tìm cơ hội phát triển các dự án nhà ở có vị trí kết nối tốt với khu trung tâm thành phố hoặc những tài sản đã đi vào hoạt động, có thể mang về dòng tiền ổn định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay, đa số nhà đầu tư ngoại không đưa ra quyết định nhanh chóng mà dành ra nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường bài bản, sau đó mới có động thái cụ thể.
Theo CBRE, 9 tháng qua, Việt Nam thu hút 16,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm từ 1.820 dự án. Trong số này, 6% dòng vốn đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Phản ứng hiện nay của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam khá tích cực.
Làn sóng đầu tư bất động sản tại Việt Nam của khối ngoại ngày càng mạnh mẽ còn được lý giải bởi 2 nguyên nhân. Jones Lang LaSalle đánh giá, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại đầu tiên vì các chỉ số cơ bản của thị trường. Đó là tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ, thu nhập kỳ vọng tăng trưởng đều, kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo... Ngoài ra, nỗ lực cải thiện chỉ số minh bạch của ngành địa ốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo GRETI năm 2016 của Jones Lang LaSalle, Việt Nam đang xếp thứ hạng khá thấp về tính minh bạch trong thị trường bất động sản (xếp hạng 68 trên 109 quốc gia). Tuy nhiên, nếu so sánh với những năm trước đây, hình ảnh của Việt Nam đang được cải thiện qua từng năm.
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ tiếp cận thông tin thị trường và khung pháp lý từng bước buộc các chủ thể tham gia tuân thủ quy trình minh bạch. Các nhà phát triển dự án trong nước cũng có bước tiến dài trong việc áp dụng công nghệ mạnh mẽ. Đây là 3 yếu tố điển hình cải thiện tính minh bạch cho bất động sản Việt Nam. Theo đơn vị này, chỉ số minh bạch đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho bất động sản Việt Nam trong mắt khối ngoại.
Vũ Lê
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Dự kiến giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
- Lấy ý kiến doanh nghiệp về 2 dự thảo luật
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản
- Cải tạo và nâng cấp 5 bãi tắm nước ngọt dọc biển
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng chống ùn tắc giao thông
- Các khách sạn ven biển Đà Nẵng bị cảnh báo về xả thải
- Dân Đà Nẵng lo không trả nổi nợ khi tiền sử dụng đất tính theo giá hiện hành
- Đà Nẵng đề xuất làm hầm qua sân bay để chống ùn tắc
- Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua nhà đất
- Xuân Thiều sẽ chuyển mình thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phong cách “Made in Japan”
- Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hostpur muốn đầu tư bến du thuyền tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng công bố quy hoạch năm lối xuống biển qua khu resort
- Xu thế tất yếu
- Đồng thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian công cộng
- Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
- Xử lý hành chính để thực hiện quyết định thu hồi đất triển khai dự án ở Hòa Xuân
- Hướng dẫn chính sách về nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
- Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất
- Nhiều thủ đoạn "thổi" giá bất động sản
- Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng