Sau một thời gian tạo sự khác biệt bởi các biển tên đường được làm bằng đá nguyên khối dựng trên một số tuyến đường chính, mới đây, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục thực hiện việc đặt tượng danh nhân văn hóa - lịch sử và cách mạng tại các tuyến đường trên địa bàn quận.
.
Những biển tên đường độc đáo đã được lắp đặt cùng những tượng danh nhân dựng theo tên đường sẽ tạo nên dấu ấn riêng cho vùng đất Ngũ Hành Sơn.
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết việc đặt tượng danh nhân văn hóa - lịch sử và cách mạng trên các tuyến đường là nhằm tôn vinh các danh nhân, nhà lãnh đạo cách mạng, anh hùng liệt sĩ, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Đồng thời, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, gìn giữ nét đẹp văn hóa của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trở thành điểm đến thân thiện, hài hòa với nét riêng độc đáo trong mỹ quan đô thị cùng kiến trúc công trình công cộng đặc sắc, hấp dẫn du khách thập phương.
Theo kế hoạch, nhằm chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và 20 năm ngày thành lập quận Ngũ Hành Sơn, quận sẽ đặt 9 tượng danh nhân và 1 bảng chỉ dẫn khắc đá tại các tuyến đường trọng điểm thông qua việc vận động các cơ sở tài trợ kinh phí thực hiện chủ trương này. Các tuyến đường được đặt tượng danh nhân gồm: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Hương, Trần Đại Nghĩa, Minh Mạng, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Võ Chí Công, Mai Đăng Chơn và 1 tấm biển đá mang dòng chữ Ngũ Hành Sơn đặt tại đầu đường Ngũ Hành Sơn. Ước tính kinh phí mỗi tượng từ 200 đến 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Việc đặt tượng dự tính sẽ đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới tượng, tượng đài và tranh hoành tráng của thành phố; nêu được giá trị truyền thống lịch sử, nét văn hóa tiêu biểu của các danh nhân, địa danh và đồng thời mang hiệu quả trong định hướng lưu thông của các tuyến đường tại quận Ngũ Hành Sơn. Theo ông Nguyễn Hòa, vị trí lắp đặt tượng danh nhân, bảng chỉ dẫn địa danh đã được khảo sát, nghiên cứu rất thận trọng và trình các ngành liên quan của thành phố phê duyệt. Để thuận tiện cho việc lắp đặt tượng và bảo đảm tính nghệ thuật, mỹ quan đô thị, các tượng sẽ được dựng ở những tuyến đường có dải phân cách rộng hoặc có vỉa hè rộng (trên 4m).
Về tượng danh nhân, mỗi tượng sẽ là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, có kiểu dáng khối đá và tượng không trùng lặp nhau nhưng đồng bộ về kích cỡ (kích thước tượng và bệ tượng cao 2,2m), được điêu khắc từ đá (đá cẩm thạch hoặc granite) nguyên khối. Trên bệ tượng khắc tên danh nhân, năm sinh, năm mất cùng những dòng tiểu sử cô đọng, tiêu biểu nhất. Do những bức tượng này được xã hội hóa nên phía dưới bệ tượng còn khắc thêm tên cá nhân, đơn vị tài trợ, chế tác. Cuối cùng là tên tác giả thiết kế và chủ dự án. Đối với bảng chỉ dẫn địa danh, bảng có bố cục hình khối, được trang trí hoa văn, họa tiết viền ngoài và được đặt tại đường Ngũ Hành Sơn. Bảng chỉ dẫn này cũng được điêu khắc từ đá nguyên khối, cao 1,8m, ghi tên, tóm lược nét nổi bật về diện tích, đặc tính địa lý, lịch sử hình thành quận Ngũ Hành Sơn.
Trước đây, để chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn (nhiệm kỳ 2015-2020), quận Ngũ Hành Sơn cũng đã đặt những biển tên đường bằng đá nguyên khối trên các tuyến đường, như: Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa, Non Nước, Sư Vạn Hạnh... Việc đặt những biển tên đường này đã tạo nên sự độc đáo, khác biệt giữa quận Ngũ Hành Sơn so với các địa phương khác, tạo dấu ấn riêng cho du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Và với bề dày truyền thống của nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, việc tạo thêm điểm nhấn khi lắp đặt các tác phẩm tượng nghệ thuật được chế tác từ đá và do chính bàn tay của các nghệ nhân địa phương thực hiện sẽ góp phần quảng bá và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, nơi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Phát triển Sơn Trà thành trọng điểm du lịch
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay