TTO - Làm sao để doanh nghiệp không phải mua đất hai lần, người mua nhà tránh được rủi ro khi chủ đầu tư vừa bán nhà vừa thế chấp, thị trường BĐS không phải đóng băng hay sốt, hoặc giảm tình trạng xây dựng trái phép ở vùng ven...?
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa phát biểu chỉ đạo tại buổi góp ý đề án thị trường bất động sản tại UBND TP sáng 13-10-2016 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Đây là những nội dung được TP.HCM và các đại biểu đặt hàng đơn vị tư vấn tại buổi họp góp ý cho đề án phát triển thị trường BĐS TP giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 vào ngày 13-10.
Có giải chấp của ngân hàng mới được bán căn hộ?
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày những tồn tại của thị trường bất động sản (BĐS), Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa ra “đầu bài” rằng thị trường BĐS có lúc sốt nhưng có lúc đóng băng không phải là quy luật tự nhiên, mà có nguyên nhân chủ quan từ các tác động của cơ chế, chính sách.
Nhà nước phải làm cách nào nhằm hạn chế những chính sách bất hợp lý, giúp thị trường không còn tình trạng phải lúc nóng sốt lúc đóng băng? UBND TP phải làm gì, kiến nghị các cơ quan trung ương những vấn đề gì?
Theo ông Khoa, đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm đề xuất của Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) rằng chủ đầu tư chỉ được phép khởi công dự án sau khi có 50-60% khách hàng đặt mua sản phẩm, nhằm tránh trường hợp nguồn cung quá dư thừa.
Ngoài ra, chủ đầu tư, đơn vị thi công, cung cấp vật liệu và cả khách hàng cùng mở tài khoản tại một ngân hàng để dễ dàng kiểm soát dòng tiền, đảm bảo chủ đầu tư sử dụng tiền đúng mục đích, hiệu quả, tránh rủi ro cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, không cần thiết phải áp dụng biện pháp cùng mở tài khoản giao dịch tại một ngân hàng, bởi các quy định hiện nay đã có những điều khoản chặt chẽ ngăn chặn trường hợp chủ đầu tư đem nhà đang thế chấp đi bán hoặc nhà đã bán rồi đem đi thế chấp.
Vị này đề xuất Sở Xây dựng công bố công khai thông tin dự án đủ điều kiện giao dịch cũng như tài khoản để khách hàng đóng tiền. Nếu muốn bán nhà, chủ đầu tư phải có giải chấp của ngân hàng hoặc ngân hàng cam kết chuyển quyền sở hữu căn nhà cho khách hàng...
Nên thay tiền sử dụng đất bằng thuế BĐS?
Cũng tại buổi góp ý, nhiều đại biểu đề nghị phải có giải pháp hạn chế nạn đầu cơ BĐS rồi đẩy giá nhà, đất lên cao...
“Tình trạng xây dựng trái phép ở các quận, huyện vùng ven rất nhiều do người lao động có nhu cầu nhà ở giá thấp, phải làm sao để giảm tình trạng này?” - TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP, đặt vấn đề.
Ông Lê Văn Khoa cũng đặt câu hỏi Nhà nước phải triển khai những biện pháp gì, sử dụng công cụ nào để điều chỉnh hiện tượng ít nhà bình dân, nhiều nhà ở phân khúc cao cấp như một số khuyến cáo?
Theo TS Trần Du Lịch, nếu áp dụng chính sách thu một lần tiền sử dụng đất ngay khi nhà đầu tư làm dự án như hiện nay, các chủ đầu tư vẫn cứ làm nhà cao cấp vì tiền sử dụng đất quá cao, làm nhà bình dân không có lãi.
“Tôi đã đề xuất từ nhiều năm trước rằng Nhà nước nên thay tiền sử dụng đất bằng thuế BĐS. Người nào có từ hai căn nhà trở lên phải chịu thuế, đây mới là nguồn thu bền vững, lâu dài. Và phải nghiên cứu căn cơ như vậy để thị trường minh bạch, lành mạnh” - ông Lịch nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng chỉ nên xây dựng các giải pháp ưu tiên tín dụng cho người có thu nhập thấp mua nhà và các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, chứ không thể hỗ trợ hết tất cả đối tượng trong thị trường BĐS.
Kết luận tại buổi góp ý, ông Khoa chỉ đạo Sở Xây dựng cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP thảo luận và trình UBND TP mô hình trung tâm thông tin BĐS nhằm minh bạch thị trường.
“Tôi muốn thị trường BĐS TP.HCM phải là thị trường minh bạch nhất cả nước” - ông Khoa nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ có trung tâm thông tin thị trường bất động sản? Để lành mạnh hóa thị trường BĐS, nhóm tư vấn đã đưa ra một số giải pháp như: thành lập cơ quan quản lý phát triển nhà ở (trực thuộc UBND TP) chịu trách nhiệm chung về quản lý phát triển nhà ở, dự án nhà ở. Đặc biệt, xây dựng trung tâm thông tin thị trường BĐS (trực thuộc UBND TP) làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu, thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai, dự án, nhà ở, công trình. Phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước. Ban hành cơ chế huy động vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị...
TP.HCM xây dựng chương trình phát triển nhà ở UBND TP.HCM vừa giao cho Sở Tài chính thẩm định kinh phí xây dựng chương trình phát triển nhà ở tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, kinh phí xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn này là 2,441 tỉ đồng. |
Các bản tin khác
- Ngân hàng cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo giao dịch mới
- Đất vi phạm vẫn có cơ hội được cấp Sổ đỏ
- Thủ tục làm Sổ đỏ 2019 - Toàn bộ hướng dẫn mới nhất
- Diện tích cấp Sổ đỏ và tách thửa 63 tỉnh thành mới nhất
- Thống đốc NHNN lưu ý việc cấp tín dụng bất động sản, đặc biệt ở các nơi xảy ra sốt đất
- Siết giải ngân trực tiếp cho vay tiêu dùng, cần xem xét con số "khống chế" hợp lý hơn và lộ trình phù hợp
- Bảo đảm tiến độ thi công trạm xử lý nước thải và bãi đỗ xe thông minh
- Từ ngày 1-4-2019, áp dụng Thông tư 132 về chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ
- Đà Nẵng có thêm 3 đường bay nội địa mới
- Đà Nẵng đang tiến tới thành phố thông minh
- Trưởng VPCC Bảo Nguyệt nhận bằng khen của chủ tịch VCCI
- Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Tín hiệu mừng
- Đà Nẵng tụt hạng chỉ số PCI do cán bộ quá thận trọng?
- “Trào lưu dọn rác” của hàng trăm bạn trẻ Đà Nẵng tại bãi đá đen
- Đà Nẵng muốn xây dựng dự án khu công nghệ thông tin tập trung 341ha tại Hòa Liên, trình Thủ tướng phê duyệt
- Đà Nẵng: Đề xuất đầu tư 7,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân
- Đà Nẵng: Điều chỉnh mở rộng lối xuống biển, thúc tiến độ nhiều dự án
- Động thổ và khánh thành nhiều công trình lớn tại Tây Bắc Đà Nẵng
- Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường đất đai tại Đà Nẵng và Quảng Nam
- Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông