Trước bối cảnh tín dụng sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, các nhà băng đã và đang từng bước đẩy vốn vào bất động sản. Trong đó, phân khúc lựa chọn là dự án có đầu ra ổn định.
Số liệu vừa được đưa ra từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, hệ thống tài chính trong 9 tháng đầu năm vẫn trong xu hướng ổn định, đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,2% so với cuối năm 2015, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng đầu năm 2016 đạt 4,7% (cùng kỳ 2015 là 4,1%). Trong đó, riêng tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 5,3% so với cuối năm 2015, chiếm 8,5% tổng tín dụng (cuối năm 2015 là 8,9%). Thực tế, việc các ngân hàng thương mại từng bước đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay tiêu dùng được xem là tín hiệu khá tích cực cho thị trường bất động sản, bởi nguồn vốn tiêu dùng chủ yếu sử dụng cho mục đích sửa chữa và mua nhà, đất. Dòng vốn chảy vào bất động sản phân khúc nhà ở dự báo còn gia tăng trong thời gian tới.
Các dự án tốt, có đầu ra là đối tượng để ngân hàng tài trợ vốn. Ảnh: Chí Cường |
Tuy nhiên, trước bối cảnh nợ xấu chưa thể xử lý nhanh và thậm chí tái tăng ở một số ngân hàng, thì tín dụng nhà, đất cũng được khuyến cáo kiểm soát chặt hơn về chất lượng. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chất lượng tài sản và tiến trình xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn chậm cải thiện. Xử lý nợ xấu chậm do năng lực trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài. Chính điều này buộc ngân hàng thận trọng khi cho vay bất động sản.
Các ngân hàng cho biết, chỉ tập trung cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân và điều này đã tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong gần 10 tháng đầu năm 2016.
Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản hiện chỉ mới chiếm khoảng 4 - 5% trong tổng dư nợ tín dụng gần 10 tháng qua của Ngân hàng. Do đó, dư địa cho vay ở lĩnh vực này tại OCB còn rất lớn. Hiện OCB không chỉ đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng (cá nhân mua, sửa chữa nhà…), mà còn tìm kiếm các dự án có đầu ra khả thi để tài trợ vốn cho chủ đầu tư, trong đó, Công ty cổ phần Nam Long là một ví dụ. Với dự án căn hộ của Nam Long dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và ổn định là một hướng đi phù hợp và có ý nghĩa dành cho phân khúc khách hàng đang có nhu cầu nhà ở thực sự, nên OCB đã quyết định tài trợ vốn cho dự án này. Theo lãnh đạo OCB, trước bối cảnh cho vay bất động sản còn nhiều rủi ro, nhất là khi nợ xấu có xu hướng tăng, nên Ngân hàng phải thẩm định kỹ càng các dự án đáp ứng tiêu chí an toàn, mới quyết định cho vay.
Trong khi đó, Ngân hàng ACB lại chỉ chú trọng cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở và hạn chế tối đa trong việc cung ứng vốn cho chủ đầu tư dự án bất động sản. Đồng thời, ngân hàng này chỉ tài trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua nhà, căn hộ ở những dự án có liên kết với các chủ đầu tư, nhằm hạn chế rui ro nợ xấu có thể phát sinh khi cấp tín dụng. Một phó tổng giám đốc của Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng cho biết, ngoài việc hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở, với mức lãi suất cạnh tranh, Ngân hàng cũng tìm kiếm các dự án tốt để tài trợ vốn, song ưu tiên cho các dự án có đầu ra tốt.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng của ngành đã cải thiện tích cực trong hơn 3 quý đầu năm nay, song với tín dụng bất động sản, ngân hàng luôn kiểm soát chặt chất lượng, hạn chế rủi ro nợ xấu.
Mức lãi suất cho vay mua nhà được lãnh đạo các nhà băng và chủ đầu tư cho là đã phù hợp, nhưng theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, với các quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sẽ tác động đến lãi suất cho vay mua nhà. Bởi vốn vay mua nhà chủ yếu là trung, dài hạn nên khi ngân hàng điều chỉnh giảm tỷ lệ này sẽ tác động đến lãi suất, trong khi cầu vốn mua nhà luôn tăng cao khi lãi suất giảm. Mặt khác. việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tín dụng bất động sản.
Với Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản dòng vốn tín dụng được quy định sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2015. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ, cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản...
Các bản tin khác
- Thêm 14 đoạn, tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- "Nóng" hội thảo phản biện dự án ven sông Hàn
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- Ngày 2-9: Khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
- Người mua lại căn hộ tại chung cư An Trung 2 có thể bị mất trắng?
- Vụ án Công ty Quảng Đà lừa bán “đất ma”: “Đệ tử ruột” của siêu lừa Nguyễn Thị Bích Thuận sa lưới
- Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
- Thủ tướng: Nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
- Đề nghị hồ thủy điện báo cáo kế hoạch tích nước định kỳ 10 ngày liên tục
- Thông tuyến sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng- Hội An trước tháng 9-2020
- Từ 13-5 đến 17-7, tạm dừng hoạt động Cảng Sông Hàn
- Xử lý việc tung tin đồn gây sốt đất ảo
- Chi phí không chính thức đang đè nặng lên doanh nghiệp
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Đề xuất giải pháp thanh toán nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất
- Quy định mới về lệ phí trước bạ nhà đất, ô-tô
- Dự thảo hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1-7-2019