Đặt cược vào bất động sản sinh thái từ nhiều năm nay, song không phải chủ đầu tư nào cũng gặt hái “quả ngọt”.
Báo cáo thị trường bất động sản vừa phát hành của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) dành phần lớn để bàn về câu chuyện phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam. Theo đơn vị này, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án tại nhiều đô thị lớn của Việt Nam tạo nên nguồn cung đa dạng cho thị trường, nhưng mặt khác cũng dẫn đến nguy cơ hình thành những khu đô thị kém bền vững do tiêu tốn năng lượng, môi trường xanh bị phá vỡ và mất cân bằng sinh thái.
Tuy nhiên, thực tế không phải đến nay mà cách đây vài năm trước, nhiều chủ đầu tư đã đón đầu xu hướng đầu tư bất động sản sinh thái ở các vùng ven Hà Nội. Trào lưu đầu tư bất động sản sinh thái nổi lên trong giai đoạn thị trường sốt giá từ khoảng năm 2009-2010 với làn sóng xây dựng biệt thự, nhà vườn ven đô. Khi đó, nhiều chủ đầu tư định hướng đây sẽ khoản đầu tư lâu dài và trở thành “ngôi nhà thứ hai” của cư dân nội thành. Những chủ đầu tư có tiềm lực lớn cho đến những đơn vị tay ngang cũng tham gia thị trường với hàng chục dự án lớn, nhỏ khác nhau.
Đầu tư bất động sản sinh thái ven đô từng trở thành một trào lưu của doanh nghiệp trong giai đoạn năm 2009-2010 nhưng không phải dự án nào cũng gặt hái thành công. |
Đến nay, đã có một số dự án được đánh giá khá thành công với các sản phẩm ở phân khúc này, như trường hợp một khu đô thị sinh thái được triển khai từ năm 2010 tại Hưng Yên - nơi vốn không thật sự có ưu thế về vị trí gần trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, nhờ có phương thức đầu tư bài bản, nghiên cứu thị trường kỹ nên dự án này đã mở ra trào lưu mới cho cư dân trong nội thành. Trong những đợt mở bán từ đầu năm nay, chủ đầu tư còn đưa ra loại sản phẩm có mức giá trên dưới một tỷ đồng để nhắm vào những đối tượng gia đình trẻ và khá thành công với chiến lược mới.
Tuy nhiên, thực tế, trên thị trường không phải chủ đầu tư nào theo đuổi phân khúc bất động sản sinh thái ven đô cũng thu về "quả ngọt". Một loạt dự án được tung ra thị trường trong giai đoạn phát triển nóng tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Lương Sơn (Hòa Bình) như dự án biệt thự nhà vườn Xanh Villas (huyện Thạch Thất) của Công ty TNHH Bất động sản Xuân Cầu, Khu biệt thự Ngôi nhà mới (New House) của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lã Vọng và một loạt dự án sinh thái khác tại Lương Sơn, Hòa Bình như Dream House, Beverly Hill, Eco Valley, Mountain Villas, Green Oasis Villas…
Tuy nhiên, sau thời gian quảng bá rầm rộ để bán hàng thì số phận các dự án này lại rất hẩm hiu. Một số cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Những dự án còn lại tuy triển khai một số hạng mục từ vài năm trước song đến nay vẫn không có một bóng người đến ở.
Thậm chí, sau khi được xây dựng và bán cho khách hàng nhưng không có một bóng người đến ở, nhiều dự án trở thành gánh nặng cho chủ đầu tư khi phải quản lý, duy trì một dự án rộng hàng chục ha với rất nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang. Có những chủ đầu tư không chịu được sức ép tài chính, đến nay gần như không còn hoạt động hoặc nằm trong danh sách nợ thuế. Gần đây, khi thị trường bất động sản phục hồi, một số chủ đầu tư tiếp tục rao bán với mức giá khá rẻ, song vẫn không có giao dịch.
Một dự án được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay mới có vài tòa nhà được xây dựng. |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc sàn bất động sản 24h cho rằng, một trong những lý do khiến phân khúc bất động sản sinh thái gặp khó trong thời gian qua là vấn đề thủ tục pháp lý và hạ tầng kết nối các dự án còn chưa tốt. Theo ông, các dự án ở phân khúc này đã thành công đều nhờ kết nối tốt hạ tầng giao thông, xe bus, cho đến việc xây dựng, phát triển các tiện ích, dịch vụ, sự kiện vui chơi giải trí cho cư dân trong dự án cũng như ở ngoài nhằm quảng bá hình ảnh.
Theo ông Quỳnh, bản thân các dự án sinh thái nằm ở những khu vực chưa có hạ tầng phát triển. Do đó các chủ đầu tư theo đuổi phân khúc này thường phải mất nhiều thời gian triển khai, hoàn thiện hạ tầng cũng như xây dựng các dịch vụ, giải trí nhằm tạo sức hút, lôi cuốn khách hàng đến tham gia sự kiện, thay đổi nhận thức của họ.
"Còn nếu không làm được như vậy, người mua cũng không muốn đến ở, mà dùng vào kinh doanh cũng không thu hút được khách. Đó là còn chưa kể đến việc, nhiều dự án quảng cáo là sinh thái nhưng hạ tầng cây xanh chưa chứng minh cho khách hàng thấy như vậy”, ông Quỳnh lý giải.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản cũng nhận định, nếu ngày trước, người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở gồm các tiện ích nội khu và những diện tích mảng xanh lớn.
"Khảo sát tại một số dự án bất động sản, khách mua hỏi rất kỹ về các tiện ích nội khu, đặc biệt là mật độ xây dựng và diện tích cây xanh", VNREA cho hay. Do đó, theo chuyên gia hiệp hội, bất động sản sinh thái còn nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới, song cũng đòi hỏi các chủ đầu tư sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, chiến lược bài bản cũng như chuẩn bị lâu dài về tài chính.
Các bản tin khác
- Nguy cơ ế vốn tín dụng hỗ trợ bất động sản
- Công bố thành lập Ban Tiếp công dân thành phố
- Xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng
- Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế tại Cộng hòa Algerie dân chủ và nhân dân
- Đề án Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020: Phải rà soát và hoàn thiện các tiểu đề án
- Tiếp tục sử dụng sân Vận động Chi Lăng đến tháng 4/2015
- Dân mong sớm có đất tái định cư
- Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản
- “Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Làm rõ cơ chế bảo vệ người mua nhà
- Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
- Nên mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà
- Gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng chợ Hàn, chợ Cồn thành trung tâm thương mại lớn
- Đà Nẵng: Trên 80% hàng hóa tiêu thụ là hàng Việt
- Rủi ro khi mua nhà bằng giấy viết tay
- Luật Đất đai vào cuộc sống
- Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
- 5 lưu ý hữu ích khi mua nhà