Chính phủ đang dự kiến quy trình xây dựng bảng giá đất theo thị trường và sẽ không còn khái niệm năm nữa. Bảng giá này sẽ bao gồm nhiều ô khác nhau và cập nhật tăng giảm theo thời giá.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh) cho biết thông tin trên khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang kỳ họp QH chiều qua, 7.6.
Vừa rồi tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2013 tại nghị trường, Phó thủ tướng lý giải Chính phủ đề xuất hoãn trình luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp thứ 5 do cần phải chờ ý kiến Trung ương vào tháng 10 tới. Lý do này liệu có thuyết phục được các ĐBQH?
Đã có quy định về quy trình soạn thảo luật, vội cũng không được bởi cần phải tham khảo rất nhiều ý kiến của các cơ quan khác nhau. Nếu chúng ta ấn định phải ra sớm thì quy trình sẽ ngắn lại, nhưng nếu thế thì sẽ có nhiều cơ quan không được tham gia góp ý. Một dự luật quan trọng như vậy mà không có ý kiến đầy đủ của các cơ quan chuyên môn thì thật là nguy hiểm. Hơn thế nữa, cũng chưa có đánh giá, tổng kết và chưa có Nghị quyết chỉ đạo của T.Ư về vấn đề này thì xử lý thế nào? ĐB có sốt ruột thật.
Vấn đề đền bù thu hồi đất đến nay vẫn “lình xình” do liên quan đến giá đất - Ảnh: D.Đ.M |
|
Vậy những vấn đề còn đang vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ trong dự luật Đất đai (sửa đổi) là gì, thưa Phó thủ tướng?
Vấn đề sở hữu chúng ta giải quyết xong rồi, vẫn là sở hữu toàn dân; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất, khiếu nại tố cáo, hành chính đất đai, cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa đất đai... đều đã giải quyết xong rồi. Bây giờ chỉ còn vấn đề giá đất xử lý thế nào? Vừa rồi Chính phủ đưa ra chưa được thuyết phục lắm, vì vậy T.Ư đề nghị phải xem lại, ví như đất giáp ranh thì tính ra sao. Vấn đề nữa là việc đền bù thu hồi đất, đến nay việc này vẫn “lình xình” vì nó liên quan đến giá đất, rồi vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, đất cho người dân tộc, đất nông lâm trường... xử lý như thế nào? Những vấn đề đó T.Ư đang yêu cầu phải làm cho rõ để có báo cáo Hội nghị T.Ư 6 họp vào tháng 10 tới đây.
Chính phủ dự kiến sửa quy định về giá đất theo hướng nào?
Đây đúng là bài toán khó. Nhưng phải khẳng định rằng giá đất đền bù cho người dân là giá sát thị trường. Tại sao nói là “sát” thị trường mà không phải là “như” vì không thể như thị trường được bởi thị trường thì luôn biến động. Tất cả các quốc gia người ta cũng đều dùng từ sát giá thị trường. Các quốc gia này cũng có cơ chế là nếu như anh cho rằng giá ấy chưa sát thị trường thì tòa án sẽ là cơ quan phán quyết. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để đền bù cho người dân sát giá thị trường? Thị trường thì bản chất của nó là luôn biến động, nhưng quy định là địa phương mỗi năm điều chỉnh một lần. Quy định này khiến cho địa phương cũng rất vất vả vì có quá nhiều thủ tục để điều chỉnh giá, đồng thời tạo tâm lý kỳ vọng cho người dân rằng đợi đến sang năm giá sẽ lên cao. Chính vì điều đó nên rất nhiều dự án bị chậm, không giải phóng mặt bằng được vì người dân giữ đất để chờ giá đất lên cao.
Vì vậy Chính phủ đang xây dựng một quy trình xây dựng bảng giá đất theo thị trường và sẽ không còn khái niệm năm nữa. Bảng giá này sẽ bao gồm nhiều ô khác nhau và luôn luôn cập nhật tăng giảm theo thời giá. Nếu làm được như vậy sẽ giảm tâm lý kỳ vọng của người dân.
Dự luật Đất đai (sửa đổi) tới đây có quy định đối với các dự án dân sinh thì sẽ thực hiện đấu thầu để giải quyết vấn đề giá đền bù chứ không tiến hành thu hồi rồi giao lại cho chủ dự án như lâu nay không, thưa Phó thủ tướng?
- Quy định đấu thầu đã có ở luật Đất đai hiện hành nhưng nó lại vướng vấn đề đất sạch. Đúng là nếu lấy miếng đất ấy đem ra đấu thầu thì cả nhà nước và người dân đều được hưởng lợi cao hơn là ra quyết định giao thẳng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để làm được việc này thì phải có đất sạch đã rồi mới đấu thầu được. Muốn có đất sạch thì phải có vốn để làm quy hoạch, phải đền bù, xây dựng khu tái định cư để có đất sạch đem ra đấu thầu. Vấn đề này đòi hỏi vốn lớn nên đa số các địa phương không có đủ điều kiện để làm, chỉ có Hà Nội và TP.HCM có nguồn lực mạnh nhưng cũng chỉ thực hiện được đối với những dự án nhà ở nhỏ chứ chưa thể thực hiện được đối với những dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Lần này, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương dành một nguồn lực để giải quyết vấn đề này.
Bảo Cầm (ghi)
Các bản tin khác
- Hơn 99% hộ gia đình tại Hà Nội đã có sổ đỏ
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố