Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng mạnh, đây chính là thời điểm để các ngân hàng tung ra các chương trình cho vay hấp dẫn.
Ngân hàng cần có thêm nhiều chương trình cho vay hiệu quả với mức lãi suất phù hợp để khách hàng lựa chọn. TRONG ẢNH: Khách hàng đang giao dịch tại Vietcombank Đà Nẵng.
Nhiều gói vay ưu đãi
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các ngân hàng có nhiều gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, điều kiện, thời gian và thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng.
Tại Vietcombank, Chi nhánh Đà Nẵng hiện có chương trình vay lãi suất ưu đãi dành cho đối tượng khách hàng mua ô-tô. Theo đó, lãi suất vay trong thời gian ưu đãi là 7,5%/năm và cố định trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Tại BIDV, Chi nhánh Đà Nẵng cũng đang có một số chương trình cho vay đối với khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi như chương trình cho vay mua ô-tô, với quy mô gói 2.000 tỷ đồng, lãi suất áp dụng 7,8%/năm; chương trình cho vay sản xuất-kinh doanh, quy mô gói 15.000 tỷ đồng, lãi suất 6,6%/năm; chương trình cho vay quy mô gói 3.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp. Trong đó, lãi suất áp dụng với doanh nghiệp siêu nhỏ 6,8%/năm và đối với doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp (thời gian hoạt động dưới 1 năm) 6,5%/năm...
Đại diện BIDV, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, nắm bắt được nhu cầu vay vốn của các tháng cuối năm, ngân hàng cũng có nhiều chương trình cho vay đa dạng và ưu đãi để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, ông Đoàn Phúc, Phó giám đốc Agribank, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, từ đây đến cuối năm, Agribank có chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng lãi suất 7% (ngắn hạn) và 8,5% (trung và dài hạn). Đối với doanh nghiệp tối đa 5% (ngắn hạn) và 7%/năm (trung và dài hạn), ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao...
Theo đại diện các ngân hàng, việc đưa ra các gói vay ưu đãi không chỉ giúp các cá nhân, doanh nghiệp chủ động vốn tạm thời mà còn hạn chế tối đa việc các doanh nghiệp, cá nhân phải tìm đến các kênh cho vay nặng lãi, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Đến được đối tượng cần vay
Đầu tháng 11, tại Agribank, Chi nhánh Đà Nẵng, khách hàng đến đây giao dịch hằng ngày khá đông. Anh B.N vừa hoàn tất hồ sơ gói vay tiêu dùng, cho biết, gia đình anh mới vay 90 triệu đồng trong gói vay tiêu dùng để mua sắm một số tài sản. Hiện, gia đình anh đang vay gói này với lãi suất 9,5%/năm và trả dần trong vòng 7 năm.
Trước đây anh cũng đã từng vay tại Agribank gói vay hỗ trợ xây nhà ở, về lãi suất tuy hơi cao nhưng việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục khá nhanh chóng vì gia đình anh đáp ứng đủ các điều kiện trả nợ vay cho ngân hàng. Chị N.Y, người cũng vừa hoàn tất hồ sơ vay mua hàng phục vụ buôn bán hoa và các sản phẩm hoa cuối năm, cho hay, giờ vay gì cũng nhanh chóng với điều kiện mình có tài sản đảm bảo hoặc đủ các quy định của ngân hàng. Trước đây, để đủ vốn mua hàng hóa cuối năm, chị Y. thường gom tiền xoay vòng, nhưng năm nay, do đầu tư cơ sở mới nên chị phải vay ngân hàng trong 6 tháng để có điều kiện mua hàng, buôn bán và trả nợ.
Theo nhiều khách hàng cá nhân khác, cuối năm, hầu hết họ cần vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc sắm sửa các vật dụng trong gia đình... Tuy nhiên, do hầu hết họ là khách hàng cá nhân và là những doanh nghiệp nhỏ nên mong muốn được các ngân hàng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi để phần nào giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh cho gia đình, doanh nghiệp. Chị M.T, chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, quần áo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, để đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, cá nhân trong những tháng cuối năm, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ.
Song, do các chương trình ưu đãi này chỉ ở một thời gian nhất định và không phải doanh nghiệp, cá nhân nào cũng biết nên việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn. Chị M.T bày tỏ mong muốn những chương trình ưu đãi của các ngân hàng cần phổ biến hơn để nhiều cá nhân, doanh nghiệp được thụ hưởng, tránh tình trạng chương trình ưu đãi đưa ra mà các hộ vay, doanh nghiệp cần cứ phải chạy vòng quanh.
Bài và ảnh: Thanh Tình
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố
- M&A giúp thị trường BĐS phát triển ổn định