"Trong 10 đến 15 năm tới thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt như hiện nay hoặc hơn thế".
Đó là khẳng định của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam đưa ra tạiHội nghị Bất động sản 2016 với chủ đề “Xây dựng tương lai” diễn ra tại TP.HCM ngày 15/11/2016.
Các đối tác, chủ đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế tham dự hội nghị |
Hội nghị thu hút sự quan tâm của 350 đại biểu trong và ngoài nước là các nhà phát triển, xây dựng và những người quan tâm đến cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản.
Ổn định nhờ... nhu cầu thực
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản (BĐS) tại Hội nghị, với việc kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang từng bước ổn định, Chính phủ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đô thị lớn và lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, dòng tiền sẽ tiếp tục được đổ vào bất động sản. Thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến những thay đổi tích cực về chất lượng và sự đa đạng của sản phẩm trong các phân khúc BĐS khác nhau.
Chỉ trong một buổi sáng, Hội nghị Bất động sản 2016 đã khắc họa được bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản trong mối tương quan với bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.
Như tại phiên thảo luận “Sự chuyển động của dòng vốn” trong khuôn khổ Hội nghị, các diễn giả đã tập trung phân tích về dòng vốn đang đổ vào thị trường bất động sản từ đâu và tác động của các dòng vốn này tới thị trường như thế nào... Những phân tích về Cơ hội và rủi ro trên thị trường bất động sản hiện nay và những diễn biến đáng chú ý trên thị trường này cũng thu hút được sự quan tâm tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch HĐQT Trần Thị Quỳnh Ngọc (phải) và Chánh Văn Phòng HĐQT Tập đoàn Nam Cường chia sẻ với báo chí về nhận định thị trường BĐS |
Đại diện Tập đoàn Nam Cường, Tập đoàn Bất động sản tiêu biểu phía Bắc đang có xu hướng "đổ bộ" vào thị trường BĐS phía Nam, bà Trần Thị Quỳnh Ngọc cho rằng thị trường đang rất sôi động nhờ sự khác biệt mang yếu tố vùng miền. Nếu như ở phía Bắc khách hàng mua nhà để đầu cơ, cho thuê hoặc làm của để dành thì ở thị trường phía Nam nhu cầu thực vẫn cao hơn và các nhà đầu tư đang hướng tới nhóm khách hàng này.
Phân khúc cao cấp lên ngôi vì "chân thiện mỹ"
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, trong những năm tới phân khúc nhà ở cao cấp sẽ rất dồi dào.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, khẳng định rằng sức mua trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong một quý cũng đã bằng của Singapore cả năm, do vậy sẽ không có hiện tượng "bong bóng" BĐS trong thời gian tới. Ông cho rằng nếu sức mua rơi dưới 15% mới đáng quan ngại và lập tức phải có những cảnh báo cho toàn thị trường.
Ông Neil cũng lý giải, người tiêu dùng đang tăng nhiều so với những chu kỳ trước và chu kỳ tới sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là tại TP.HCM trong khi Hà Nội mang tính đầu cơ hơn. Việc sở hữu cho người nước ngoài đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Bởi khi họ đầu tư bằng tiền mặt thường hưởng tỷ suất sinh lợi 7-8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1-2%. Tuy nhiên theo quan sát thì thị trường đang xuất hiện xu hướng ngày càng có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào nhà ở phân khúc trung cấp.
Ở góc nhìn của một nhà phát triển dự án, đại diện Tập đoàn Nam Cường cho rằng, nếu nói phân khúc bất động sản dư thừa thì chỉ là... thống kê. Nhu cầu thực và mục tiêu của con người khi chất lượng cuộc sống được nâng cao là hướng tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”.
Vì thế mà Tập đoàn này đang đặt chân vào thị trường BĐS phía Nam bằng dự án Nam Cường - Phú Quốc. Tiếp đến, Tập đoàn này kiên định đi theo phân khúc cao cấp, bất động sản thương mại du lịch nghỉ dưỡngcao cấp theo một ngách riêng trên cơ sở là sản phẩm, dự án, công trình bền vững, xanh an lành, thân thiện với môi trường.
"Chúng tôi không chọn đối thủ để cạnh tranh mà cạnh tranh với chính mình để tìm hướng đi riêng. Bất động sản cao cấp không được định vị bằng giá bán mà phải luôn hướng tới sản phẩm bền vững gắn với giá trị sử dụng, giá trị sống cho người ở làm sao cho xứng đáng với giá trị mà người mua bỏ ra. Chúng tôi hướng tới thị trường mà ở đó đối tượng có nhu cầu thật nên không quan ngại lắm các thống kê của thị trường", bà Trần Thị Quỳnh Ngọc- Phó Chủ tịchHĐQT Tập đoàn Nam Cường chia sẻ.
Nhìn chung tại hội nghị, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định tương lai bất động sản tại Việt Nam sẽ hình thành nên một thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) để giữ quỹ đất đầy sôi động với sự xuất hiện của nhiều dòng vốn mới.
Doãn Phong
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị Đà Nẵng theo mô hình nén kết hợp không gian xanh
- Đà Nẵng: Những cú hích khôi phục thị trường bất động sản
- "Mê hồn trận" website rao vặt bất động sản
- Cung - cầu bất động sản ngày càng thực chất hơn
- Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng: “Vỡ bong bóng” hay chỉ là sự đồn thổi?
- Quy định mới về diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa
- Định hướng hình thái đô thị tạo bản sắc cho Đà Nẵng
- Sớm thi công dự án Chợ và khu phố chợ Khuê Mỹ
- Đua nhau thông minh hóa căn hộ
- 8 tháng năm 2018, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt khoảng 5,9 tỷ USD
- Hướng tới thành phố thông minh và đô thị sáng tạo
- Khai trương chợ đêm Sơn Trà
- Nở rộ mua bán - sáp nhập bất động sản
- Đi đâu, chơi gì dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 tại Đà Nẵng
- Văn phòng cho thuê tại Đà Nẵng tăng giá 12%
- Thảm nhựa tuyến nối đường Phạm Như Xương đi Hoàng Văn Thái
- Thu hồi đất để xây dựng trạm dừng của 4 tuyến xe buýt mới
- Khu đô thị Đại học Đà Nẵng: Hoàn thành xây dựng phương án giải phóng mặt bằng trước 30-9
- Thị trường bất động sản bùng nổ các căn hộ chuyên đề
- Môi giới bất động sản ngoại âm thầm đổ bộ Việt Nam