(Cadn.com.vn) - Khu công nghiệp (KCN) An Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi thành khu đô thị. Tuy nhiên, hiện nay thời hạn thuê đất sản xuất của các doanh nghiệp (DN) kéo dài đến tận năm 2043.
Chủ trương phù hợp
Mới đây, Văn phòng Thủ tướng có Thông báo 363/TB – VPCP về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Đà Nẵng, trong đó đáng chú ý là Thủ tướng đồng ý về chủ trương việc chuyển mục đích sử dụng đất tại KCN An Đồn để mở rộng thực hiện dự án khu dân cư Phúc Lộc Viên, khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất trong KCN di dời sớm và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Được biết, KCN An Đồn là KCN đầu tiên của Đà Nẵng với tổng diện tích 50ha đã lấp đầy 100% diện tích. Với 42 DN đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó, có 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 39 DN trong nước), giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động. Theo kết quả rà soát các dự án tại các KCN được BQL các KCN và Chế xuất công bố đầu năm 2016 cho thấy, toàn KCN có 42 DN có 38 DN thực sự có năng lực sản xuất, 1 DN không có năng lực sản xuất hoặc khả năng sản xuất thấp và 3 DN chưa xây dựng.
Theo ông Phạm Việt Hùng, Trưởng BQL các KCN và Chế xuất, đa số các DN ở đây đều có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là KCN nằm sát trung tâm thành phố, giáp biển và khu dân cư đông đúc nên cần phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố, giảm mật độ đô thị hóa trung tâm, góp phần thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong nội thành.“Việc di dời không ảnh hưởng đến quyền lợi của DN. DN muốn di chuyển được ưu tiên bố trí đất tại KCN Hòa Cầm theo chủ trương của UBND TP”, ông Hùng cho hay.
Chính người dân xung quanh KCN cũng mong muốn thành phố sớm chuyển đổi KCN An Đồn thành khu đô thị để vừa giảm ô nhiễm môi trường và tạo dựng cảnh quan đô thị. Ông Nguyễn Ngọc Tâm và ông Phạm Trung Kiên (trú KDC An Đồn) đều cho biết, KCN An Đồn hiện nay nằm cách khu dân cư chỉ 1 bức tường rào, nếu cứ để lâu dài không những sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các hộ dân xung quanh như chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Tất cả dự án công nghiệp tại đây nếu chuyển sang đất đô thị đều được thành phố khuyến khích. Thời hạn thuê đất tại đây còn 23 năm, nếu DN nào có kế hoạch di dời đi trước được ưu đãi, đi muộn thì không được ưu đãi. DN nào không chịu đi thì tối đa đến hết hạn thuê đất, còn chưa triển khai hạn chế cho phép xây dựng thêm”.
Thực tế, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại KCN An Đồn cũng đã nằm trong Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến 2025, mà Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Khu dân cư đông đúc gần sát bờ rào KCN An Đồn.
Doanh nghiệp trăn trở
Theo ghi nhận của chúng tôi, các DN trong KCN An Đồn đã nắm được chủ trương di chuyển nhưng vẫn bày tỏ lo lắng cho nguồn lao động sẽ gặp khó khăn khi nhà máy phải ngưng hoạt động để di chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị; DN không đáp ứng sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất thị trường... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám Cty TNHH Massda Land (Chủ đầu tư hạ tầng KCN An Đồn) cho biết, các DN trong KCN đều hoạt động có hiệu quả nhưng rất xôn xao về thông tin di dời KCN An Đồn. Nếu di chuyển nhà máy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, vì DN phải tìm đất xây cơ sở mới, hàng loạt công nhân phải thay nơi ăn chốn ở. Trong quy hoạch định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã có đặt ra vấn đề chuyển đổi nhưng vừa qua, Thủ tướng có kết luận chính thức nhưng thực chất đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản nào về việc chuyển đổi này cả.
Cũng theo ông Tuấn, việc thay đổi công năng của một KCN như KCN An Đồn là hoàn toàn phù hợp theo thời gian, tầm nhìn và nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Nếu như năm 1993 khu đất này rất trống trải, hoang sơ, không có người ở thì thành phố quy hoạch làm KCN phục vụ cho thu hút đầu tư là hoàn toàn hợp lý nhưng đến thời điểm này thì không còn hợp lý nữa. Ngoài ra, Đà Nẵng xác định là thành phố môi trường, thành phố du lịch mà KCN lại gần với khu dân cư là một bất lợi. Ông Tuấn đề nghị nếu các DN trong KCN có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất họ cần xây dựng, cải tạo cơ sở sản xuất nhưng cam kết khi giải tỏa không cần bồi thường thì thành phố linh động giải quyết cho DN.
Theo ông Lê Thành Trí, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Đông Nam dược Bảo Linh (đường số 4 KCN An Đồn) cho biết, rõ ràng đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được văn bản nào của các cấp chính quyền thành phố thông báo chủ trương chuyển đổi KCN An Đồn thành khu đô thị cả. Tuy nhiên, cách đây mấy hôm chúng tôi làm văn bản gửi BQL các KCN và Chế xuất xin xây dựng thêm một kho hàng thì bị từ chối. Trong khi đó, ngành dược như chúng tôi cứ 3 năm Bộ Y tế lại vào kiểm tra 1 lần về tiêu chuẩn GMP và đầu năm 2017, Bộ Y tế sẽ vào kiểm tra lại, nếu không cải tạo cơ sở vật chất thì Bộ sẽ đánh giá không đạt yêu cầu của tiêu chuẩn GMP nên không cấp giấy phép lưu hành... Ông Trí cũng đề nghị, thành phố nên có thông báo bằng văn bản gửi các đơn vị để họ biết và chuẩn bị...
Bên cạnh đó, nhiều DN đồng tình với chủ trương chuyển đổi đất tại KCN An Đồn. Ông Phan Xanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất găng tay và Bảo hộ lao động S.G.M (đường số 1, KCN An Đồn) cho biết, với hơn 50ha đất đang nằm ở vị trí đắc địa cách trung tâm chưa đầy 2km và sát khu dân cư thì di chuyển chỉ là vấn đề thời gian. Cũng theo ông Xanh, Đà Nẵng đã và đang thành công trong việc chỉnh trang cảnh quan đô thị, đặc biệt là mục tiêu xây dựng một thành phố du lịch, thành phố môi trường thì DN sản xuất như chúng tôi cũng phải chấp hành chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của DN nên thành phố và DN phải ngồi lại để tìm phương án tối ưu nhất.
Thực tế, việc di dời 42 DN trong tương lai không những tác động trực tiếp đến các DN này mà còn ảnh hưởng đến khoảng 7.000 lao động đang làm việc tại đây thành phố cần họp bàn với DN cũng như có văn bản hướng dẫn cụ thể DN được làm gì và không được làm gì?
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?