(Cadn.com.vn) - Ngày 24-11, Ban tổ chức và Hội đồng tuyển chọn cuộc thi tuyển chọn ý tưởng Quy hoạch và Thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn nghe và phản biện 7 đơn vị có ý tưởng tốt nhất. Theo BTC đây là cuộc thi tầm cỡ quốc tế, thu hút được các chuyên gia, kiến trúc sư tốt nhất trong nước và quốc tế để phát triển dòng sông Hàn cho TP Đà Nẵng. Với 39 hồ sơ dự thi, trong đó có 13 hồ sơ đến từ Châu Âu, 2 hồ sơ đến từ Châu Úc, 11 hồ sơ đến từ Châu Á và 4 hồ sơ đến từ Việt Nam và 7 hồ sơ lọt vào vòng chung kết.
Lãnh đạo thành phố trao Giấy chứng nhận cho các phương án tham gia Cuộc thi.
Phát biểu tại Cuộc thi, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Trưởng BTC cuộc thi nhấn mạnh, vì tầm quan trọng của cảnh quan 2 bờ sông Hàn mà Đà Nẵng đã nhiều lần mời tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế nhưng vẫn chưa hài lòng. Vì vậy, để dệt nên 1 bức tranh vừa hiện đại, vừa truyền thống, vừa phù hợp với cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông Hàn, thành phố quyết định mở cuộc dự thi trên phạm vi quốc tế để chọn ra phương án cảnh quan tốt nhất. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng nêu quan điểm tiếp cận, ứng xử trong quy hoạch và thiết kế kiến trúc sông Hàn là sử dụng không gian đô thị hợp lý để tạo dựng sản phẩm chất lượng kiến trúc bền đẹp, phát huy tính truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương, gắn kết với thiên nhiên hình thành không gian kiến trúc hiện đại, tạo sự phát triển kinh tế bền vững của đô thị Đà Nẵng.
PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, thành viên BTC cuộc thi cho hay: “Sông Hàn như một nàng thơ, vấn đề là làm sao để chọn những bộ trang phục cho nàng thơ mặc thật đẹp mắt. Đó là chính là tâm huyết của chính quyền và người dân thành phố cũng như tâm huyết của các ý tưởng đưa ra tại cuộc thi”. Theo PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, sự phát triển của thành phố Đà Nẵng được ví như một cuốn sách được mở ra hai bên dòng sông Hàn, những gì tiềm ẩn trong “cuốn sách” đó dường như đã được khai thoát thành một luồng năng lượng sung mãn và sảng khoái, hứa hẹn những bước tiến đầy ngoạn mục cho Đà Nẵng. Dòng sông Hàn – như gáy của cuốn sách, như cột trụ của sự phát triển ấy đã trở thành dòng sông có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với thành phố Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và hơn thế nữa, còn là đại diện cho tinh thần của thành phố.
Đa số các ý tưởng đều cho rằng dòng sông Hàn như một tài sản vô giá mà tạo hóa ban tặng cho Đà Nẵng nên cần phải trân trọng, nâng niu và tô điểm cho “bộ mặt” thành phố.
Một ý tưởng tạo cảnh quan 2 bờ sông Hàn được trình bày tại cuộc thi.
“Với mong muốn biến đổi đôi bờ sông Hàn thành một điểm đến độc đáo đồng thời tạo ra một mạng lưới những cơ hội phát triển kinh tế, một mạng lưới gắn kết con người với cộng đồng và miền đất và mạng lưới sinh thái của thiên nhiên. Dòng sông Hàn gợi cho tôi một cảm xúc, vì một tình yêu sông Hàn mà tôi quyết định tham gia cuộc thi”. Tuy nhiên, khởi động hay không khởi động nằm ở sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố”, KTS Hải bày tỏ.Một ý tưởng gây ấn tượng mạnh với Hội đồng chuyên gia, đó là phương án “Nối sợi dây gắn kết giữa dòng sông Hàn với người dân – NetSông” của KTS Nguyễn Đỗ Dũng, Cty Kiến trúc CPG. Được tiếp cận trên 3 khía cạnh. Đó là: Dòng sông mở lối tương lai, với việc sử dụng không gian mặt nước và trên bờ ven sông Hàn để tạo thành đường ý tưởng sáng tạo, Công viên Nghiên cứu, Trung tâm thương mại toàn cầu; Dòng sông gắn kết cộng đồng với việc tái tạo lại Bến Chợ Hàn tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, Vườn Bách Thảo & Trung tâm Nghệ thuật & Trình diễn, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, hệ thống đường xanh; Dòng sông tái tạo sự sống với Công viên sinh thái Cẩm Lệ, Khu bảo tồn thiên nhiên cửa Hàn, Kênh Thọ Quang.
Phương án thiết kế của nhóm kiến trúc sư Pháp với chủ đề “sông Hàn xanh” cho rằng, để người dân Đà Nẵng và du khách có thể đi ra và tiếp cận nhiều hơn, gần gũi hơn với dòng sông cả về đêm và ngày thì phải có vùng cây xanh. Trồng và chăm sóc hệ thống cây xanh cho các con đường khác nhau kết nối với dòng sông Hàn. Tạo ra nhiều cấu trúc xanh bằng việc mỗi người dân Đà Nẵng cần đóng góp 1 cây xanh. Ngoài ra, phía đuôi cầu Rồng cần tạo ra khu vực du lịch, bảo tàng có thể có tuyến cáp treo để tạo cảm giác chuyển động của con Rồng.
Nhóm KTS Pháp cũng cho rằng, sông Hàn chính là trái tim của Đà Nẵng, kho tàng của Đà Nẵng đó là tầm nhìn là bưu thiếp, bưu ảnh ra sông Hàn. Hiện nay đã có quá nhiều cây cầu đẹp nên không cần thiết phải xây dựng thêm cầu ngang sông nào ở đây vì sẽ chặn tầm nhìn và cắt nhỏ dòng sông.
Đề cập đến vấn đề xanh hóa dòng sông Hàn, nhóm KTS đến từ Nhật Bản cho rằng dọc sông Hàn cần xây dựng 9 trọng điểm tạo điểm nhấn cho cảnh quan tạo ra sự năng động cho khu vực ven sông. Đó là, bố trí bến tàu khách cỡ lớn khu vực phía Đông cửa sông; Mở rộng chức năng cảng Đà Nẵng, tái thiết khu đất hậu cảng, xây dựng thành cảng được bao bọc bởi cây xanh; Xây dựng trung tâm du lịch bến du thuyền phía Tây cầu Trần Thị Lý; Quy hoạch Trung tâm về Thương mại mới ở phía đông; Bố trí sử dụng đất hỗn hợp cao tầng ở phía Tây sông Hàn và bảo tàng biển ở phía Bắc; bố trí trung tâm văn hóa mới của Đà Nẵng; Xây dựng lại chợ Hàn kết hợp với truyền thống và hiện đại để trở thành nơi giao lưu của người dân và du khách; phía Tây cầu Rồng xây quảng trường thống nhất với ga đường sắt ngầm; khu vực phía Nam phát triển nhà ở có quy mô lớn kèm theo hệ thống bến du thuyền.
Một gợi mở cho quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn gây được hiệu ứng mạnh, đó là xây dựng thành phố bên sông, đẳng cấp thế giới, phong cách Đà Nẵng của nhóm kiến trúc sư đến từ Hàn Quốc. Nhóm KTS Hàn Quốc cũng đề xuất xây dựng một khu vực bờ nước hấp dẫn đẳng cấp thế giới nơi diễn ra các hoạt động của con người mang phong cách Đà Nẵng, xây dựng bờ sông Hàn tạo nên được sức sống năng động cho thành phố...
Kết luận cuộc thi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: niềm vui của chính quyền và nhân dân thành phố hôm nay được nhân lên bởi các ý tưởng kiến tạo cảnh quan sông Hàn, các ý tưởng góp phần tái tạo lại “cuộc sống” của dòng sông Hàn thơ mộng.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Khu đô thị Nam Cầu Nguyễn Tri Phương
- Hưởng di sản thừa kế của người đã mất
- LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO, CÁN BỘ CHỦ CHỐT TP ĐÀ NẴNG, THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: Sớm có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng bứt phá
- “Hiệu quả doanh nghiệp- thành công của thành phố”
- Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Đầy rủi ro!
- Ôtô ở Việt Nam đắt hơn khu vực tới 300 triệu đồng/chiếc
- Tăng giá căn hộ vì Thông tư 03
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Công chứng phi lợi nhuận thì ai làm?
- Đầu tư 600 tỷ đồng triển khai dự án nhà ở xã hội F-Home
- La Maison 1888 lọt “top” 10 nhà hàng đẹp nhất thế giới
- Triệu con tim hướng về Đất tổ
- Giao dịch căn hộ, đất nền tăng
- Giảm tải ùn tắc giao thông qua Ngã ba Huế: Mở đường Đinh Liệt nối Lê Trọng Tấn
- Công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị sinh thái Hòa Quý
- Mất nhà vì Thông tư 14, kiện được không?
- Khuyến khích người Đà Nẵng sử dụng ô tô sản xuất tại Đà Nẵng
- Kỳ vọng thành phố động lực
- Mập mờ cam kết trả lãi phạt 25%/năm