(Cadn.com.vn) - Ngày 17-12, các Hội Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng - Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đà Nẵng - 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị”. Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng, lãnh đạo các sở, ngành và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, KTS đến từ các Hội.
Quang cảnh Hội thảo “20 năm quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng”.
Hướng đến đô thị xanh
Các chuyên gia tại Hội thảo đều nhìn nhận, sau 20 năm Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, được cả nước đánh giá cao. Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng nhận định đô thị Đà Nẵng hiện nay có diện mạo mới, hiện đại, trẻ trung, xứng đáng tầm thế của đô thị loại I quốc gia. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề đặt ra cho đô thị Đà Nẵng là công tác quy hoạch phải gắn với tầm nhìn dài hạn, có chất lượng; Môi trường, hạ tầng, không gian đô thị phải đồng bộ với bản sắc kiến trúc đặc sắc; Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu để hướng tới mô hình đô thị phát triển bền vững.
Là người làm đồ án quy hoạch Đà Nẵng năm 1992 được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam bày tỏ: Đà Nẵng phải là đô thị xanh, trong tương lai phải là đô thị thông minh. Đà Nẵng cần tiếp tục và phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục quy hoạch phát triển sông Hàn trở thành một dòng sông huyền thoại, trong đó, cần thiết có một cây cầu đi bộ qua sông Hàn để phục vụ người dân và du khách thưởng thức vẻ đẹp huyền thoại đó. Ngoài ra, trong tương lai Đà Nẵng phải xác định Sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế và sân bay Đà Nẵng chỉ là sân bay nội địa…
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố đi đầu cả nước về cải tạo, chỉnh trang đô thị. Một bài học rất hay, đó là huy động nhà nước và nhân dân cùng làm mà nhiều nơi chưa làm được. Ông Hùng cũng đề nghị Đà Nẵng cần tăng thêm khu vui chơi, công viên, tập trung quy hoạch cải tạo các khu phố cũ, quy hoạch khu cận đô thị, vùng nông thôn, xóm làng, bảo vệ và quản lý môi trường trong quy hoạch lồng ghép quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, vườn hoa, cây xanh. Đặc biệt, quy hoạch Đà Nẵng phát triển thành “thành phố xanh” có môi trường sống tốt nhất cho cộng đồng dân cư.
KTS Bùi Huy Trí (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng: Chúng ta cần tiếp cận các mô hình phát triển đô thị tiên tiến tạo môi trường sống tốt nhất cho người dân, hạn chế quy hoạch chia lô tràn lan, bê-tông hóa trong đô thị...
Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng trong tương lai Đà Nẵng
cần chọn sân bay Chu Lai làm sân bay Quốc tế.
Chưa vội xây hầm chui!
Điểm đáng chú ý tại Hội thảo là nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong kiến trúc quy hoạch đều không đồng tình với việc Đà Nẵng quyết định xây hầm qua sông Hàn. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng cầu, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho hay: “Tôi được vinh dự mời tham gia cuộc thi tuyển phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn chỉ có 1/7 phương án dự thi đề xuất làm hầm (do Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Cty Tư vấn thiết kế Bộ GTVT – liên doanh đối tác Nhật Bản) đưa ra, nối từ đường Đống Đa ở bờ Tây sang đường Vân Đồn ở bờ Đông), còn lại đều làm cầu và không có phương án nào đoạt giải nhất. Nhưng cuối cùng thành phố vẫn chọn một phương án duy nhất. Điều đó chứng tỏ các nhà khoa học trong nước và thế giới cũng có suy nghĩ cần phải làm như thế nào cho phù hợp để phục vụ giao thông đô thị Đà Nẵng”. Theo ông Dân, lãnh đạo thành phố muốn giữ thoáng đoạn sông từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước để phục vụ thông thuyền... Nhưng BRITEC đưa ra thiết kế hầm theo hình chữ Z với bán kính chỉ có 150m, độ dốc lên đến 5% làm sao những xe có trọng tải lớn đi được? Nếu làm hầm thẳng, độ dốc chỉ tối đa 3% mới đảm bảo, còn hầm chữ Z rất khó thi công, nhất là khi thực hiện hợp long cầu. Đó là chưa kể sự cố, tai nạn giao thông gây ách tắc khiến hầm không khai thác được.
“Chúng tôi thấy nếu làm như đồ án của BRITEC sẽ thất bại trong tương lai. Lúc đó ai chịu trách nhiệm với một dự án lên tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Đà Nẵng đã có nhiều cây cầu xây dựng xong chỉ trong thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã lộ ra nhiều điều bất cập trong thiết kế như cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân”, ông Dân nói. Đồng quan điểm này, KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, Đà Nẵng không nên xây dựng hầm mà cũng chẳng xây thêm cầu ở khu vực nêu trên; hoặc nếu xây dựng thì cũng không nên ở thời điểm này mà phải 10 – 15 năm sau, khi thực sự có nhu cầu. Theo KTS Hoàng Sừ, một cái hầm đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng chỉ để phục vụ cho một nhóm dân tại quận Sơn Trà, là một sự phí phạm rất lớn. Nếu ngay từ bây giờ Đà Nẵng không giải quyết việc ùn tắc giao thông trên toàn hệ thống thì có làm cầu hay làm hầm thì cũng không ăn thua. KTS Hoàng Sừ đề nghị TP nên dành nguồn kinh phí để mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn vì cầu Sông Hàn mới có lưu lượng giao thông lớn nhất và xứng đáng để mở rộng, số tiền còn lại làm tất cả các nút giao khác mức ở các đầu cầu, ở hai đầu đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương... Tôi tin nếu làm những việc đó ngay từ bây giờ thì việc ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng sẽ được giải quyết ngay.
Là chuyên gia đã và đang quản lý vận hành hầm Thủ Thiêm, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TPHCM, Trưởng nhóm chuyên gia theo dõi công tác thiết kế, thi công, duy tu, bảo dưỡng hầm Thủ Thiêm cho hay, hầm Thủ Thiêm dài hơn 1.503m (có 4 nhịp hầm dìm dưới lòng sông, độ dốc ra vào hầm 3,5%), kinh phí xây dựng 200 triệu USD, kinh phí duy tu bảo dưỡng hầm Thủ Thiêm lên tới 55 tỷ đồng/năm, trong đó tiền điện là 17 tỷ đồng vì hệ thống thông gió tốn rất nhiều điện. Đây là vị trí mà không thể làm cầu được, TPHCM mới phải làm hầm. Ông Trường cũng chỉ rõ, nếu làm hầm như đồ án của BRITEC thì không nên, vì với hầm chữ Z, bán kính 150m sẽ hạn chế tầm nhìn dễ xảy ra tai nạn trong hầm. Nên làm làm hầm thẳng, độ dốc dưới 4%. Và chỉ làm hầm nếu chỗ đó không thể làm cầu được. Ngoài ra, cần kết hợp đồng bộ với hệ thống metro của thành phố để tăng hiệu quả, chứ nếu chỉ làm hầm phục vụ cho một số khu vực hoặc hoạt động vận tải qua hai bờ sông thì hiệu quả sẽ rất thấp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị Đà Nẵng cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng hơn nữa việc đầu tư 1.500 tỷ đồng hình thành hệ thống xe buýt nhanh BRT để tránh gây lãng phí.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Bảo vệ sông Cổ Cò
- Đầu tư vào Đà Nẵng: “Triển vọng phát triển du lịch vẫn dồi dào”
- Đà Nẵng quảng bá hình ảnh du lịch nhân Tuần lễ Cấp cao APEC
- Đầu tư mua bán bất động sản, khách hàng phải biết tự bảo vệ mình
- Đầu tư condotel: Vì sao Đà Nẵng có ưu thế hút dòng tiền?
- Địa ốc Đà Nẵng: Khu vực nào đang thu hút khách hàng?
- Xúc tiến thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Lung linh sông Hàn
- Những điều cần chú ý khi "chốt" mua đất nền
- Sun World: Hành trình bứt phá của du lịch Việt
- Xuất hiện nhân tố mới chi phối thị trường bất động sản đầu tư
- Condotel, khách sạn nguy cơ mất khách vì ‘Uber bất động sản’
- Phố chuyên doanh Nguyễn Đình Tựu khoác áo mới
- Người nước ngoài chỉ được mua tối đa 30% nhà tại đặc khu kinh tế
- Gỡ nút thắt cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam
- Bổ sung quỹ đất tái định cư đường Hòa Phước - Hòa Khương
- Đà Nẵng xây dựng thêm cầu mới từ Hòa Xuân qua đường Bùi Tá Hán
- MBLand khởi động bán hàng dự án Pan Pacific Danang Resort
- Đừng 'chôn tiền' vào đất nền vì không biết những điều này
- Biệt thự nghỉ dưỡng bán chạy ở Đà Nẵng