Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và Đoàn Luật sư TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm về thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự.
Nhiều tình huống rắc rối về di chúc đã được mổ xẻ, trong đó có chuyện vợ chồng lập di chúc chung...
Những vướng mắc chưa có hướng gỡ về di chúc chung của vợ chồng được nêu trong buổi tọa đàm đã thể hiện đúng thực trạng mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh gần đây.
Rất nhiều hạn chế
Cụ thể, theo luật sư Trương Thị Hòa, khoản 1 Điều 664 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định sau khi lập di chúc chung, vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc. Nhưng khoản 2 của điều luật lại quy định muốn làm các việc trên thì một trong hai bên vợ hoặc chồng phải được sự đồng ý của người kia. Quy định như vậy là vi phạm quyền tự định đoạt của người có quyền sở hữu tài sản. Nó cũng trái với quy định về quyền của người lập di chúc (Điều 647, Điều 648) và quyền sửa đổi, thay thế, hủy bỏ di chúc của người lập di chúc (Điều 662).
Mặt khác, khoản 2 Điều 664 cũng quy định sau khi lập di chúc chung, nếu một người đã chết thì vợ hoặc chồng còn sống chỉ được sửa đổi, bổ sung liên quan đến tài sản của mình. Thực tế có trường hợp người còn sống muốn hủy bỏ, thay thế di chúc về phần tài sản của mình thì không thể làm được.
Nhiều luật sư khác thì “than thở” về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng hiện chưa phù hợp: Điều 668 BLDS quy định di chúc chung có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc khi vợ chồng cùng chết. Vì vậy, khi một người còn sống, những người thừa kế do điều kiện kinh tế khó khăn, muốn thực hiện di chúc với phần tài sản của người đã chết thì không được. Chuyện này làm ảnh hưởng đến đời sống của họ, chưa kể còn làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp giữa những người được thừa hưởng di sản. Ngoài ra, quy định trên còn mâu thuẫn với khoản 1 Điều 663 và khoản 1 Điều 667 (di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm người có tài sản chết).
Người làm chứng phải là luật sư?
Theo Ðiều 654 BLDS, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Theo luật sư Lượm Văn Hồng, nên quy định người làm chứng chuyên nghiệp hóa bằng cách họ phải là luật sư. Bởi hiện nay trong bốn hình thức lập di chúc có hình thức lập bằng văn bản không có công chứng chứng thực, chỉ có người làm chứng. Thực tế có nhiều người lập xong thì bỏ vào ngăn tủ, nhiều năm sau con cháu mới lấy ra, lúc này phát sinh nhiều tranh chấp vì cho rằng người làm chứng không khách quan, trung thực. Nếu để luật sư làm chứng thì sẽ giải quyết được chuyện này do bản thân luật sư là những người có kiến thức pháp luật, có địa vị pháp lý nhất định, độ tin tưởng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, theo luật sư Lý Thị Tố Mai, về bản chất của việc làm chứng trong di chúc là tôn trọng tối đa quyền cơ bản của công dân. Do đó việc chọn ai làm chứng cho mình là quyền tối cao của người lập di chúc, không ai có thể can thiệp, thay thế. Vì thế không cần thiết phải quy định theo hướng là cần người có chức sắc, có chuyên môn như luật sư hay các chức danh tư pháp khác. Miễn là di chúc đó được lập theo đúng quy định của pháp luật thì hiệu lực vẫn được đảm bảo.
Đồng tình, một luật sư khác cho rằng trong nhiều trường hợp, việc chọn người để làm chứng di chúc là không cần thiết và không khả thi. Chẳng hạn hai vợ chồng cùng bị tai nạn giao thông, đang nằm hấp hối trong bệnh viện thì việc làm di chúc phải tiến hành nhanh chóng, lúc này chỉ cần một người đủ điều kiện làm chứng là ổn.
Chỉ cần sửa cho hợp lý
Có ý kiến đề xuất nên bỏ luôn quy định về di chúc chung của vợ chồng, chỉ chấp nhận cho tồn tại dạng di chúc riêng của vợ hoặc chồng.
Nhiều luật sư cho rằng không cần phải bỏ vì quy định này là tiến bộ. Nó được xem như ý chí chung của hai cá nhân được thể hiện chung trong cùng một văn bản. Thậm chí họ không phải là vợ chồng nhưng có chung tài sản thì cũng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản. Tuy nhiên, các nhà làm luật cần nghiên cứu sửa các quy định về hiệu lực của di chúc đang còn bất cập như đã phân tích. Về các hình thức thể hiện di chúc, nên điều chỉnh theo hướng di chúc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền để tăng cao hiệu lực pháp lý.
Hiếm khi vợ chồng cùng chết
Bản thân di chúc chỉ là tờ giấy hứa hẹn chưa phát sinh hiệu lực khi người lập còn sống. Nhưng quy định thời điểm phát sinh hiệu lực khi cả hai người đều chết là mâu thuẫn vì hiếm khi xảy ra tình huống cả hai người cùng chết một lúc mà thường cách xa nhau một khoảng thời gian có khi là 10, 20 năm. Khi một người chết thì di chúc đó chỉ phát sinh hiệu lực với phần của người đã chết, dẫn đến hậu quả là di chúc không phát sinh hết hiệu lực của nó. Điều này một phần gây khó khăn cho người được thừa hưởng di chúc theo pháp luật, có khi họ lại tranh chấp nhau.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nên giữ cả hai hình thức
Tôi nghĩ không nên bỏ hình thức di chúc chung vì cả hai hình thức chung hay riêng đều thể hiện ý chí của người để lại di sản nên phải có nhiều dạng cho người dân lựa chọn. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc chung cũng nên duy trì như cũ bởi như vậy thì ý chí của người chết trước được tôn trọng. Có chăng nên điều chỉnh về hiệu lực của di chúc chung theo hướng có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế và khi một trong hai người đã chết.
Luật sư PHAN TỰ LẬP, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cho người lập di chúc quyết định
Đối với di sản thờ cúng nên dành cho người lập di chúc có quyền định đoạt. Bởi theo Điều 670 BLDS, di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần di sản của người đã qua đời nhưng không xác định di sản này là bao nhiêu. Do đó thực tế người lập di chúc định đoạt toàn bộ căn nhà của mình làm di sản thờ cúng (người này chỉ có một căn nhà) thì di chúc vẫn có hiệu lực thi hành. Việc xác định phần di sản thờ cúng bằng một điều luật sẽ rất khó khăn và xâm phạm quyền tự do định đoạt của người có tài sản.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
THANH TÙNG
Theo Pháp luật TP.HCM
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?