Cuối tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho vay hỗ trợ nhà ở. Câu hỏi đặt ra là dòng vốn chảy vào bất động sản (BĐS) sẽ ra sao trong năm 2017 khi yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng đang được đặt ra?
Ảnh Internet
Dòng vốn nghiêng về cầu bất động sản
Theo số liệu của NHNN, đến 30/11/2016, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho BĐS đã giải ngân 29.239 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân là 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng).
Đối với nhóm khách hàng là DN, cá nhân đầu tư, cải tạo, xây mới nhà ở xã hội đã giải ngân 5.395 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến 31/12/2016 (thời điểm kết thúc chương trình) sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho BĐS khép lại, chưa có tín hiệu nào về việc sẽ có gói tiếp theo hỗ trợ thị trường BĐS. Từ giữa năm 2016, động thái chính sách siết chặt dòng vốn vào BĐS đã được thể hiện. Cụ thể, Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS được tăng từ 150% lên 200%.
Mặt tích cực của quy định này là đảm bảo an toàn cho các dòng vốn đổ vào thị trường BĐS, tránh những hậu quả của bong bóng BĐS từng xảy ra trong những năm trước, nhưng điều kém tích cực là các ngân hàng phải thận trọng hơn khi rót vốn vào BĐS.
Nguồn tiền đâu hấp thụ?
Điều mà nhiều DN BĐS nhìn thấy là nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của NHNN áp dụng từ tháng 1/2017.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn trước, dòng vốn tín dụng chảy vào BĐS được hướng vào người mua nhà. Trong giai đoạn tới, việc cho vay vốn đã hạn chế nên cần hướng vào những đối tượng mua nhà có giá trị thấp, khách hàng có nhu cầu thực.
Ông Hồ Bảo Hùng, Giám đốc bộ phận Định giá và phân tích tài chính Savills Hà Nội cho rằng, thị trường BĐS năm 2017 phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô, đặc biệt là chính sách tín dụng. “Nhìn chung tôi đánh giá sự tăng trưởng của BĐS năm 2017 là tốt, tuy nhiên các chủ đầu tư cần thận trọng đưa ra các sản phẩm” - ông Hùng khuyến nghị.
Không lấy làm thất vọng khi nguồn vốn vào BĐS từ kênh tín dụng bị hạn chế, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vốn sẽ được huy động “tổng lực”. Nguồn vốn từ các DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn.
Kiến nghị với cơ quan chức năng về các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ, các chuyên gia cho rằng cần giảm thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất, giảm thủ tục để các DN tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà giá rẻ.
Như vậy, thị trường BĐS năm 2017 sẽ phân hóa mạnh, dự báo sẽ sôi động ở kênh nhà ở có mức giá trung bình. Dòng vốn của các ngân hàng vốn đã bị siết lại được dự báo cũng sẽ hướng vào đối tượng này thay vì BĐS cao cấp vốn tiềm ẩn rủi ro bong bóng.
Lan Nguyễn (Đấu thầu)
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị: Gian nan!
- Tránh mắc bẫy khi vay tiêu dùng trả góp
- Đà Nẵng sắp tổ chức đấu giá 158 lô đất khu vực Cẩm Lệ - Hoà Vang
- Đấu giá chuyển quyền đất ở tái định cư
- Năm 2016, xu hướng BĐS xanh lên ngôi
- Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 158 lô đất địa bàn phường Hoà Xuân và xã Hoà Châu
- Giá 11 lô đất thuộc Khu thương mại dịch vụ đường Trường Sa
- Trong 10 năm tới bất động sản ven biển có thể tăng giá gấp đôi
- Rộng cửa đón người mua nhà ở xã hội
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc đất nền hồi sinh
- InterContinental Đà Nẵng có nhà hàng lọt top "10 nhà hàng tuyệt nhất thế giới" của CNN
- Tổng thu thuế nội địa năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng
- Ô tô giảm giá 2018: Tàn giấc mộng
- Liên kết sàn giao dịch bất động sản liệu có bền vững?
- Những tư vấn trước khi mua nhà
- Ra mắt BCH Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại miền Trung
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
- Ra mắt Hiệp hội Bất động sản khu vực miền Trung
- Đà Nẵng triển khai 7 sản phẩm du lịch mới trong năm 2016
- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa