Cuối tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho vay hỗ trợ nhà ở. Câu hỏi đặt ra là dòng vốn chảy vào bất động sản (BĐS) sẽ ra sao trong năm 2017 khi yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng đang được đặt ra?
Ảnh Internet
Dòng vốn nghiêng về cầu bất động sản
Theo số liệu của NHNN, đến 30/11/2016, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho BĐS đã giải ngân 29.239 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân là 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng).
Đối với nhóm khách hàng là DN, cá nhân đầu tư, cải tạo, xây mới nhà ở xã hội đã giải ngân 5.395 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến 31/12/2016 (thời điểm kết thúc chương trình) sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho BĐS khép lại, chưa có tín hiệu nào về việc sẽ có gói tiếp theo hỗ trợ thị trường BĐS. Từ giữa năm 2016, động thái chính sách siết chặt dòng vốn vào BĐS đã được thể hiện. Cụ thể, Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS được tăng từ 150% lên 200%.
Mặt tích cực của quy định này là đảm bảo an toàn cho các dòng vốn đổ vào thị trường BĐS, tránh những hậu quả của bong bóng BĐS từng xảy ra trong những năm trước, nhưng điều kém tích cực là các ngân hàng phải thận trọng hơn khi rót vốn vào BĐS.
Nguồn tiền đâu hấp thụ?
Điều mà nhiều DN BĐS nhìn thấy là nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của NHNN áp dụng từ tháng 1/2017.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn trước, dòng vốn tín dụng chảy vào BĐS được hướng vào người mua nhà. Trong giai đoạn tới, việc cho vay vốn đã hạn chế nên cần hướng vào những đối tượng mua nhà có giá trị thấp, khách hàng có nhu cầu thực.
Ông Hồ Bảo Hùng, Giám đốc bộ phận Định giá và phân tích tài chính Savills Hà Nội cho rằng, thị trường BĐS năm 2017 phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô, đặc biệt là chính sách tín dụng. “Nhìn chung tôi đánh giá sự tăng trưởng của BĐS năm 2017 là tốt, tuy nhiên các chủ đầu tư cần thận trọng đưa ra các sản phẩm” - ông Hùng khuyến nghị.
Không lấy làm thất vọng khi nguồn vốn vào BĐS từ kênh tín dụng bị hạn chế, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vốn sẽ được huy động “tổng lực”. Nguồn vốn từ các DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn.
Kiến nghị với cơ quan chức năng về các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ, các chuyên gia cho rằng cần giảm thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất, giảm thủ tục để các DN tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà giá rẻ.
Như vậy, thị trường BĐS năm 2017 sẽ phân hóa mạnh, dự báo sẽ sôi động ở kênh nhà ở có mức giá trung bình. Dòng vốn của các ngân hàng vốn đã bị siết lại được dự báo cũng sẽ hướng vào đối tượng này thay vì BĐS cao cấp vốn tiềm ẩn rủi ro bong bóng.
Lan Nguyễn (Đấu thầu)
Các bản tin khác
- Tiếp tục gia tăng đầu tư vào bất động sản
- 1.300 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở hỗn hợp nam cầu Trần Thị Lý
- Chống rửa tiền qua bất động sản
- Nét đẹp nữ doanh nhân
- Hội môi giới bất động sản VN sẽ thành lập vào tháng 12
- Sun City Riverside Da Nang: Dấu son mới của BĐS Đà Nẵng
- Dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào Đà Nẵng
- Góp vốn mua nhà dự án: Đọc kỹ hợp đồng để tránh mắc bẫy
- Chờ quy định, hồ sơ đất “đóng băng”
- Nên có cơ quan thẩm định giá đất độc lập
- Sự thật từ một vụ án đòi nhà
- Chủ động quỹ đất tái định cư
- Bất động sản: Nên mua hay bán ở thời điểm này?
- 3 dự án mở rộng diện tích đầu tư
- Đẳng cấp hạ tầng du lịch Đà Nẵng
- Nâng tầm thị trường bất động sản
- Công bố 26 đồ án kiến trúc quy hoạch
- Sửa đổi Luật Đất đai: Phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu
- Bất động sản có tín hiệu "ấm" lại
- Sẽ cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng?