Sự thay đổi lớn của doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản là đã chủ động chuyển hướng đầu tư từ nhà ở thương mại giá cao sang nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát mô hình nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội)
Tâm điểm là nhà ở giá rẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về những nét mới của ngành xây dựng, bất động sản trong năm 2016 và hướng phát triển của ngành trong năm 2017 bên lề Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành xây dựng năm 2017, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, thay đổi lớn nhất trong năm qua của khối doanh nghiệp xây dựng, bất động sản là sự chủ động chuyển sang phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Theo đó, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 96 dự án đăng ký điều chỉnh căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn hộ.
Cụ thể, Tổng công ty Becamex IDC đã đầu tư xây dựng tổng số 64.700 căn hộ nhà ở xã hội, có diện tích từ 30 - 60 m2, giá bán bình quân khoảng 5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và phí bảo trì). Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) có diện tích 10 ha, bao gồm 27 block chung cư 5 tầng, với 3.491 căn hộ (diện tích 30 m2 - 65 m2), có giá bán từ 160 triệu đồng/căn. Khách hàng mua nhà được hỗ trợ vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đồng thời chỉ cần trả trước 20% giá bán căn hộ là được nhận nhà, vào ở ngay...
Tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, doanh nghiệp đã dành 13 ha trong tổng số 31 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, rất nhiều cán bộ hưu trí, người lao động có thu nhập trung bình đã có thể sở hữu nhà ở. Đến thời điểm này, tại Khu đô thị Đặng Xá, Viglacera đã xây dựng được 3.483 căn hộ nhà ở xã hội với giá bán là 9,8 triệu đồng/m2, giá trị căn hộ từ 540 - 690 triệu đồng…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong bối cảnh phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ, vẫn có những doanh nghiệp, nhà đầu tư làm tốt công tác này. Đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ; quản lý, vận hành.
“Một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Tổng công ty Becamex Bình Dương, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty IDICO, Công ty Samsung Thái nguyên, Công ty Địa ốc Hoàng Quân, Công ty cổ phần Thương mại Thủ đô... Ngoài ra, nhiều hộ gia đình, cá nhân cũng đã tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp thuê”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng biểu dương các doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư. Theo ông, các doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng hơn nữa phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp với đại bộ phận người lao động, khi thị trường còn một khoảng trống rất lớn tại phân khúc này.
Thị trường năm 2017 nhiều triển vọng
Báo cáo về tình hình phát triển thị trường bất động sản năm 2016, triển vọng thị trường 2017, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2016, thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Giá nhà ở tại một số dự án tại các khu vực có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ từ 3 - 5% so với cùng kỳ 2015, cá biệt có dự án tăng giá đến 10%. Thanh khoản duy trì ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch. Trong đó, tại Hà Nội có khoảng 15.400 giao dịch thành công, tại TP.HCM có khoảng 15.260 giao dịch thành công.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, gồm bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng, các công trình dịch vụ, thương mại, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp... Tồn kho bất động sản giảm mạnh, tính đến cuối tháng 12/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 31.023 tỷ đồng, đã giảm 97.525 tỷ đồng (75,87%) so với quý I/2013, giảm 19.866 tỷ đồng (39,04%) so với tháng 12/2015.
Tính đến cuối năm 2016, tổng mức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, phát triển nhà ở và đô thị ước đạt 4,47 triệu tỷ đồng, với khoảng hơn 4.400 dự án. Trong đó, có 3.208 dự án đã được cho phép triển khai, 396 dự án phải tạm dừng, trong khi 542 dự án đang trong quá trình rà soát.
Nguồn: Bộ Xây dựng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, đến nay chương trình đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp. Về phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, từ năm 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, khoảng 71.150 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng.
“Con số này thể hiện sự cố gắng lớn của các doanh nghiệp trong ngành, nhưng so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại mới giải quyết được khoảng 28%. Năm 2017, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển hơn nữa các sản phẩm nhà ở dành cho đại bộ phận người dân trong xã hội”, Phó thủ tướng nói.
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay