Năm 2017 vẫn được các chuyên gia khẳng định là một năm lạc quan của thị trường bất động sản. Những lo ngại về bong bóng hay “chôn” tiền vào bất động sản cũng dần bị dẹp bỏ.
Nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Tuy nhiên, xu hướng của thị trường có tốt thêm lên hay “đi ngang” so với năm 2016 cũng có một phần quyết định từ chiến lược và điều chỉnh phân khúc sản phẩm mà một số chủ đầu tư lớn đang nắm vai trò chi phối nguồn hàng.
Nhu cầu nhà ở rất lớn
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam lạc quan phân tích, với bộ máy Chính phủ mới, các bộ ngành và địa phương đang rất hăng hái, năng nổ. Công việc đang được khuấy động lên và có sự cạnh tranh lẫn nhau nhằm thu hút đầu tư, phục vụ doanh nghiệp.
Những yếu tố này cộng với hàng loạt luật, chính sách mới điều chỉnh theo xu hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh là những nền tảng rất tốt để phát triển và ổn định kinh tế. Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2017 có đà bật, nhất là khi nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn và vẫn còn lãnh địa rộng để phát triển.
Theo ông Nam, trước hết về trung và dài hạn thì nhu cầu bất động sản ở Việt Nam vẫn rất lớn. Dự báo đến năm 2020 dân số xấp xỉ con số 100 triệu. Bình quân diện tích nhà ở cả nước hiện nay chưa đạt 23 m2/đầu người và tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng, kéo theo khoảng 1 triệu dân chuyển từ khu vực nông thôn sang sinh sống tại các khu đô thị và khu công nghiệp. Như vậy, nhu cầu nhà tiếp tục tăng cao.
Nếu xét cầu tăng trưởng, mỗi năm phải tăng thêm 1m2 sàn/người, tức là cần bổ sung 1 triệu m2 nhà ở. Đó là chưa kể việc tự sửa chữa, nâng cấp, cải tạo của bản thân người dân, hiện nay đã chiếm khoảng 50% trong diện tích nhà ở. Cùng đó là diện tích văn phòng, dịch vụ, công trình xã hội, bệnh viện trường học… góp phần đẩy nhu cầu nhà ở của người dân gia tăng.
Tuy nhiên, trong thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở của người dân phải xác định được đúng cơ cấu hàng hóa. Bởi vậy, tín hiệu mà thương hiệu lớn như Vingroup đưa ra cuối năm 2016 rất đáng mừng. Cụ thể, Vingroup đưa ra phân khúc mới với thương hiệu Vincity ở 7 thành phố lớn và từ nay đến năm 2020 sẽ cũng cấp cho thị trường 200 nghìn đến 300 nghìn căn hộ giá rẻ. Như vậy, mỗi năm có khoảng 40 đến 50 nghìn căn hộ bổ sung cho nguồn cung mới. Phân khúc này không sợ thừa – ông Nam phân tích.
Hiện 70% nhu cầu thị trường nằm ở phân khúc này, trong khi lượng hàng hóa lại đang thiếu. Cung đã có, cộng với việc Chính phủ tiếp tục đưa ra cho người dân các gói tín dụng phục vụ nhu cầu thật của người dân và khả năng thanh toán sẽ thông qua gói ưu đãi quy định lãi suất tối đa bằng 50% so với thị trường được kỳ vọng sẽ giúp người thu nhập thấp, thu nhập trung bình cải thiện chỗ ở.
Cầu vượt đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 vượt sông Sài Gòn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Đơn cử như năm 2016, lãi suất hỗ trợ quy định 4,8% và vẫn cân đối, triển khai được gói tín dụng ưu đãi cho vay mua nhà này, khớp được cung và cầu nên hoàn toàn không lo ngại gì về “khủng hoảng thừa”. Cho dù năm nay, mức lãi suất hỗ trợ vừa được Chính phủ phê duyệt là 5%/năm cũng là hợp lý. Hiện phân khúc dư thừa đáng lo ngại chủ yếu là hàng cao cấp.
Kết thúc năm 2016, tổng lượng hàng giao dịch thông qua các sàn giao dịch khoảng 35 nghìn (chỉ tính ở đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) nhưng có tới trên 90% là phân khúc cao cấp. Trong khi nhu cầu rất lớn là phân khúc nhà ở thương mại quy mô nhỏ và nhà ở xã hội thì vắng bóng.
Tuy nhiên, với những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ cho năm 2017 thì phân khúc nhà ở xã hội và thương mại quy mô nhỏ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Điều này cũng giúp cho thị trường an toàn và ổn định hơn – ông Nam nhận xét.
Tiền sẽ "dịch chuyển" theo thị trường
Ở một góc độ khác, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bày tỏ sự lạc quan về bất động sản năm 2017, nhất là dẹp bỏ nỗi lo tiền đầu tư bị chôn trong thị trường này như có giai đoạn đã từng trải qua. Theo phân tích của ông Cường, từ cuối năm 2014 kéo dài sang cả năm 2016, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực nhưng không tạo “đột biến” tích cực hơn. Bởi vậy, năm 2017, bất động sản vẫn tiếp tục duy trì nguồn cung dồi dào nên không thể xảy ra biến động giá.
Môi trường kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định, phát triển theo xu thế đi lên nên đầu tư bất động sản mang lại lợi nhuận tốt từ việc cho thuê để ở, làm cửa hàng, văn phòng… Tức là dòng tiền đổ vào bất động sản có thể chuyển biến, đem lại khoản lãi cho người đầu tư cho dù không tạo thặng dư đột biến như thời điểm thị trường trong cơn sốt. Như vậy, tình trạng “chôn” tiền vào bất động sản, mua xong “đắp chiếu” để đấy không còn – ông Cường phân tích.
Giờ không còn tình trạng ném tiền vào “chôn” ở bất động sản nên rủi ro khi bỏ vốn vào lĩnh vực này của vài năm tới không đáng lo ngại. Còn có tạo ra được lợi nhuận hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhiều nhà đầu tư có thể là chọn những khu vực phát triển mới, hạ tầng tốt để “đón lõng” chờ thời cơ tăng giá. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Cường cho rằng, với những người có nguồn vốn dài hạn, không quá dư giật mà chỉ đầu tư trong thời gian ngắn, chớp thời cơ thì khả năng sinh lợi nhuận không nhiều.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cũng nên để mắt tới nguồn thị trường thứ 2 là chứng khoán bởi năm 2017 sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhất là khi các doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn nhiều với lượng hàng phong phú – ông Cường đưa ra lời khuyên. Thị trường chứng khoán dễ thu hút dòng tiền hơn bất động sản cho dù tỷ suất lợi nhuận không cao bằng.
Với những người không quá nhiều tiền thì có thể chọn kênh đầu tư này vì thanh khoản nhanh, rủi ro không quá cao như thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Kênh gửi tiền ngân hàng cũng được tính đến bởi không có rủi ro nhưng mức lợi nhuận hạn chế và phù hợp với người đầu tư thích an toàn tuyệt đối.
Bởi vậy, theo ông Cường, đầu tư bất động sản có thể lợi nhuận cao hơn nhưng không đến mức người ta phải lao vào đó. Năm qua, lạm phát thấp, dưới 4%, nên gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lợi và an toàn, nhất là khi chưa có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn.
Thu Hằng (TTXVN)
Các bản tin khác
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA