Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ phía ngân hàng, khi các quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều chỉnh từ 60% xuống 50% và tỷ lệ rủi ro kinh doanh bất động sản được điều chỉnh tăng từ 150% lên 200% được áp dụng.
Các ngân hàng hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản. Ảnh: ĐÌNH SƠN
Doanh nghiệp kêu khó
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn L&L, cho biết việc “siết” tín dụng đã diễn ra từ năm 2016, các ngân hàng (NH) “siết” nhất là với bất động sản (BĐS) trung và cao cấp. Hiện nay phần lớn vốn chính là huy động từ khách hàng, chứ vốn vay từ NH gần như khó được giải ngân. “Các doanh nghiệp (DN) nhỏ, khách hàng cá nhân vay tiền mua BĐS ít bị ảnh hưởng hơn nhưng các DN lớn, tập đoàn trước đây chủ yếu vay vốn để mua quỹ đất thì nay không vay được nữa, NH hiện chỉ giải ngân cho xây dựng”, ông Minh nói.
Lãnh đạo một công ty BĐS ngán ngẩm cho hay hồ sơ vay vốn của công ty nộp NH từ 6 tháng trước đến nay vẫn chưa được duyệt. “Trước đây hồ sơ DN chỉ cần nộp ở chi nhánh NH, nếu khả thi thì chi nhánh cho vay luôn. Còn nay, hồ sơ vay của DN phải trình lên hội sở NH, quy trình rà soát hồ sơ kinh khủng lắm nhưng cũng rất khó được cho vay. Chính vì vậy mà công ty chuyển hướng sang huy động vốn nội bộ bằng cách phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Dự kiến năm nay công ty sẽ vay vốn để mua thêm một số dự án, một số quỹ đất nhưng do NH siết tín dụng nên công ty kẹt vốn, không còn tiền mua thêm dự án nữa”, vị này than thở.
Chủ dự án khá lớn ở khu Nam TP.HCM nằm đắp mền mấy năm nay tỏ ra lo lắng khi hồ sơ vay gửi NH BIDV đã lâu chưa được giải ngân trở lại. Theo lãnh đạo công ty này, hồ sơ vay đã nộp cách đây hơn một năm, ông cũng đã nhiều lần ra hội sở giải trình về phương án kinh doanh, kế hoạch triển khai trở lại dự án khá khả thi nhưng vẫn bị ngâm mãi chưa được giải ngân. Trong khi tài sản “chôn” gần như hết vào dự án, lãi mẹ đẻ lãi con làm cho công ty càng thêm khó khăn.
“Chúng tôi rất sốt ruột khi mỗi ngày nhìn tòa nhà đã gần như hoàn thiện nhưng không thể triển khai trở lại. Chúng tôi chỉ cần được duyệt một ít vốn mồi nữa là xong. Khi có tiền sẽ thuê nhà thầu, khách hàng thấy dự án có triển khai mới an tâm mua nhà. Nếu NH không cho vay thì cục nợ ngày càng lớn. Hiện thị trường BĐS VN dựa chủ yếu vào tín dụng NH khi các nguồn vốn khác chưa phát triển. Việc siết tín dụng quá tay sẽ bóp chết thị trường, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế”, vị này giãi bày.
Ngân Hàng “siết” hồ sơ
Nhiều tháng trở lại đây, các NH đã sàng lọc hơn đối với hồ sơ vay kinh doanh BĐS. Trước đó, NH Nhà nước đã có công văn nhắc nhở các NH tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát cấp tín dụng đối với những chủ đầu tư lớn, chủ đầu tư mới, đặc biệt chủ dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng...
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc NH TMCP Quốc tế (VIB), thừa nhận rút ra bài học cho vay từ những năm trước, các NH hiện nay “chặt tay” hơn khi triển khai cho vay kinh doanh BĐS, nhất là những quy định mới về tỷ lệ an toàn trong hoạt động NH được áp dụng từ đầu năm.
Theo ông Trung, Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có 2 điểm khá quan trọng là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh từ 60% xuống 50% và tỷ lệ rủi ro kinh doanh BĐS được điều chỉnh tăng từ 150% lên 200%. Những NH đã đụng trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ phải cân nhắc, lựa chọn dự án cho vay, còn không NH đó phải tăng huy động vốn trung dài hạn để cho vay.
“Với tỷ lệ rủi ro kinh doanh BĐS tăng lên như vậy, NH càng cho vay kinh doanh BĐS, tỷ lệ rủi ro càng tăng. Trước đây NH cho vay 2 đồng vào BĐS thì nay chỉ cho vay 1,5 đồng. Chênh lệch cho vay 0,5 đồng này là chi phí cơ hội NH sẽ phải quyết định cho vay kinh doanh BĐS hay không. Nếu như NH tiếp tục cho vay kinh doanh BĐS, lãi suất cho vay buộc phải tăng thêm khi chi phí tăng. Còn NH chuyển vốn này sang cho vay lĩnh vực khác, tỷ lệ rủi ro thấp nên NH sẽ cân nhắc hơn”, ông Trung nói.
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), thì thông tin: “ACB không có chủ trương dừng cho vay kinh doanh BĐS, hằng năm NH đều có hạn mức cho vay đối với khách hàng này. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, NH tập trung giải ngân cho các hồ sơ vay cũ, chưa giải ngân cho hồ sơ vay mới”.
Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Phát, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH hiện nay ở mức cao. “Khẩu vị” cho vay kinh doanh BĐS của ACB là chọn chủ đầu tư hay DN BĐS có mối quan hệ trong giao dịch từ trước đó; những dự án BĐS có phân khúc giá không quá cao, có tính thanh khoản trên thị trường, phù hợp với khách hàng mua nhà để ở; rồi các dự án có quy mô từ khoảng 1.000 tỉ đồng.
Nhiều NH lại đặt ra các tiêu chí xét duyệt hồ sơ vay kinh doanh BĐS thận trọng hơn. Chẳng hạn như VIB xem xét người triển khai dự án BĐS có khả năng hay không; nguồn tài chính của dự án này như thế nào, có dùng đòn bẩy tài chính không; độ hấp dẫn của sản phẩm BĐS này trên thị trường; giá bán sản phẩm có cạnh tranh hay không... Ông Lê Quang Trung nhận xét cho vay kinh doanh BĐS trong thời gian tới sẽ khó hơn, cũng như lãi suất cho vay kinh doanh BĐS sẽ tăng lên theo xu thế.
Đó là đối với các DN kinh doanh BĐS, còn đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà đất, ông Từ Tiến Phát cho hay các NH lại có chương trình thu hút lượng khách hàng này. Từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng cá nhân vay mua nhà có xu hướng tăng ròng trong cơ cấu vay tiêu dùng cá nhân.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho hay các NH thận trọng hơn cho vay kinh doanh BĐS và chuyển dịch cho vay khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà đất nhiều hơn, cũng như tập trung vốn cho vay kinh doanh hay các lĩnh vực ưu tiên nhiều hơn. Chính vì vậy mà tỷ trọng cho vay BĐS trên tổng dư nợ các NH có xu hướng giảm, như năm 2016 giảm 2%, về mức 10% trên tổng dư nợ.
Thanh Xuân - Đình Sơn (Thanh niên)
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng