Lãi suất tiền đồng trên thị trường tiền tệ sơ cấp trong hai ngày giao dịch đầu tuần đã bật tăng mạnh, cũng là đợt tăng đáng kể đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Các mức lãi suất tổ chức tín dụng chào vay lẫn nhau trên thị trường tiền đồng đã “nhảy” đồng loạt từ ngưỡng dưới 4% lên trên 5% với tất cả các kỳ hạn.
Nếu như ở ngày giao dịch cuối tuần rồi, các ngân hàng chào nhau giá vốn tiền đồng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần và 1 tháng lần lượt ở mức 4,6%/năm; 4,7%/năm; 4,7 %/năm; 4,7 %/năm và 4,7%/năm thì ngày hôm nay 21-2, các mức lãi suất đã lên tới 5,1%/năm; 5,1 %/năm; 5,1 %/năm, 5%/năm và 5%/năm, tức đã tăng thêm 0,3 đến 0,7 điểm phần trăm.
Các nhà băng cho biết, thanh khoản thị trường vẫn duy trì được sự ổn định tuy có sụt giảm nhẹ. Song họ dự báo giá vốn trên liên ngân hàng tuần này sẽ không giảm và nhiều khả năng các giao dịch sẽ dao động quanh mức lãi suất trên 5%/năm.
Lý do của việc giá tiền đồng đột ngột tăng nhanh, cũng theo các ngân hàng, không nghiêm trọng. Trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, các tổ chức tín dụng đã “hút” nhiều tiền đồng để dự trữ thanh khoản và dành cho các khoản tất toán cuối năm, trong đó hút mạnh tiền bơm ròng ra từ thị trường mở (OMO), thị trường cầm cố nên nay các khoản vay OMO đến hạn phải trả, lượng tín phiếu đáo hạn lớn khiến giá vốn bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường nhận nguồn (đi vay vào) để đảm bảo dự trữ bắt buộc cho kỳ tháng 2-2017.
Và đáng chú ý, theo các ngân hàng, tín dụng hai tháng đầu năm đang tăng khá nhanh tuy Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra con số chính thức.
Các tổ chức tín dụng, vì thế hiện chỉ tập trung vay ở nhóm kỳ hạn ngắn, qua đêm đến 2 tuần, bởi họ kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm trong tuần tới đây khi khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cho vay ra trước Tết đã, sẽ đáo hạn đáng kể trong tuần này.
Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước trong ngày thứ Hai đầu tuần (20-2) đã bơm ra 11.000 tỉ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%, lượng vốn chào thầu này được các tổ chức tín dụng ngay lập tức hấp thụ hết.
Trong ngày 20-2 còn có 18.096 tỉ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố và 3.500 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, cơ quan điều hành thị trường tiền tệ đã hút ròng 3.596 tỉ đồng trên cả 2 kênh, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 53.601 tỉ đồng. Cơ quan điều hành cũng không chào thầu tín phiếu nên khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 46.400 tỉ đồng. Lượng tín phiếu sẽ được đáo hạn trong tuần này ước khoảng 49.900 tỉ đồng.
Một lý do khác đến từ mối tương quan với thị trường ngoại tệ. Lãi suất liên ngân hàng tăng cao là nhân tố chính kìm hãm đà tăng của tỷ giá trong ngày đầu tuần mặc dù tỷ giá đã và đang xu thế tăng thêm trong những ngày gần đây.
Trên thị trường ngoại tệ, tuy lãi suất chào vay đô la Mỹ giữa các tổ chức tín dụng không biến động nhiều, giảm nhẹ ở kỳ hạn ngắn và tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài từ 2 tuần trở lên, hiện đứng ở mức 1,1%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,25%/năm với kỳ hạn 1 tuần, 1,4%/năm với kỳ hạn 2 tuần, 1,6%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 1,88%/năm với kỳ hạn 3 tháng.
Song, thị trường ngoại hối liên ngân hàng vẫn trong xu thế tiếp nối diễn biến tăng từ tuần trước. Tỷ giá đầu ngày 20-2 ở mức 22.810 đồng/đô la Mỹ, tăng dần lên đến 22.825 đồng/đô la Mỹ vào giữa phiên và giảm nhẹ về duy trì quanh vùng 22.815-22.820 đồng/đô la Mỹ cuối ngày hôm qua. Tỷ giá trung tâm hôm nay, 21-2, đứng ở 22.231 đồng/đô la Mỹ, giá sàn và trần lần lượt là 22.564 đồng/đô la Mỹ và 22.898 đồng/đô la Mỹ.
Song cần lưu ý, tỷ giá không hứa hẹn yên ả. Ngày cuối tuần (17-2) đã có một cú bật tăng sau thời gian ngắn ổn định. Sau một thời gian lực giằng co quanh mốc 22.770 đồng/đô la Mỹ trong suốt buổi sáng, tỷ giá bật lên 22.815 đồng/đô la Mỹ trong đầu giờ chiều, thiết lập mức đỉnh mới của tỷ giá trong năm nay. Cùng ngày, thị trường đón nhận báo cáo xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 2. Theo đó, cán cân xuất nhập khẩu trong kỳ thâm hụt gần 2,4 tỉ đô la Mỹ, “quét sạch” mức thặng dư của tháng 1 trước đó. Đó là lý do các ngân hàng vẫn theo dõi sát diễn biến của đồng ngoại tệ.
Các nhà băng dự báo, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng vẫn khá cao, tỷ giá vẫn đang có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, tỷ giá đã gần với mức tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước nên khó có thể tiếp tục tăng mạnh và đột biến.
Họ dự báo tỷ giá dự kiến dao động trong biên độ 22.750-22.850 đồng/đô la Mỹ trong tuần này.
Thị trường trái phiếu cũng bị tác động bởi lãi suất tiền đồng và tỷ giá ngoại tệ. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, lãi suất diễn biến theo xu hướng tăng nhẹ trong khi Kho bạc Nhà nước vẫn giữ nguyên trần lãi suất phát hành nên các tổ chức tài chính đã không mua hết khối lượng mời thầu.
Thị trường trái phiếu thứ cấp ghi nhận mức thanh khoản thị trường giảm nhẹ nhưng vẫn giữ mức tương đối cao trong bối cảnh tỷ giá tăng, thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn ở trạng thái quá dồi dào. Lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm nhẹ ở các kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm trở xuống, tăng nhẹ ở kỳ hạn trái phiếu 7 năm và tiếp tục không thay đổi ở kỳ hạn 15 năm so với tuần trước. Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi đáng kể.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng do giới đầu tư lo ngại các bất ổn chính trị tại châu Âu. Giá vàng giao ngay chạm mốc 1,238 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng trong nước hiện quanh mốc 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,98 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn thế giới 2,7 triệu đồng/lượng.
Hồng Phúc (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Các bản tin khác
- Dự kiến giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
- Lấy ý kiến doanh nghiệp về 2 dự thảo luật
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản
- Cải tạo và nâng cấp 5 bãi tắm nước ngọt dọc biển
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng chống ùn tắc giao thông
- Các khách sạn ven biển Đà Nẵng bị cảnh báo về xả thải
- Dân Đà Nẵng lo không trả nổi nợ khi tiền sử dụng đất tính theo giá hiện hành
- Đà Nẵng đề xuất làm hầm qua sân bay để chống ùn tắc
- Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua nhà đất
- Xuân Thiều sẽ chuyển mình thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phong cách “Made in Japan”
- Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hostpur muốn đầu tư bến du thuyền tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng công bố quy hoạch năm lối xuống biển qua khu resort
- Xu thế tất yếu
- Đồng thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian công cộng
- Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
- Xử lý hành chính để thực hiện quyết định thu hồi đất triển khai dự án ở Hòa Xuân
- Hướng dẫn chính sách về nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
- Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất
- Nhiều thủ đoạn "thổi" giá bất động sản
- Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng