Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai từ 2017-2023, do vậy đa số người dân trong khu vực quy hoạch mong muốn thành phố nên thông báo cụ thể để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Phối cảnh ga đường sắt mới (hướng đông bắc).
Mới đây, lãnh đạo thành phố có buổi làm việc nghe các sở, ban, ngành và các đối tác nước ngoài báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” do Tư vấn quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Theo đó, dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng bao gồm xây dựng mới 18,21km đường sắt và cải tạo 7km đường sắt cũ; xây dựng nhà ga khách mới với diện tích 43,1ha; xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới với diện tích 80,1ha; nâng cấp ga hàng Lệ Trạch với diện tích 9,6ha; xây dựng một cầu đường sắt vượt sông Cu Đê và 5 cầu đường bộ vượt đường sắt...
Ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 5.764 tỷ đồng, thời gian di dời ga Đà Nẵng sẽ thực hiện trong 6 năm, từ năm 2017 đến năm 2023.
Theo đơn vị tư vấn, vị trí này phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của thành phố, cho phép trong tương lai có thể kết nối với tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc mà Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương xây dựng qua địa bàn thành phố cũng như kết nối được với cảng Liên Chiểu đã được thành phố quy hoạch và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, sau khi di dời ga đường sắt đến khu vực Liên Chiểu, tạo tiền đề để phát triển cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia; kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân tạo động lực để phát triển khu vực phía tây và tây bắc thành phố, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực ga đường sắt cũ.
Trước những thông tin trên, người dân và chính quyền tại những địa phương bị tác động từ dự án băn khoăn vì chưa rõ thực tế cụ thể ra sao, bởi từ lâu họ đã nghe đến một dự án tương tự nhưng chưa thấy triển khai, gây khó khăn trong sinh hoạt, ổn định cuộc sống.
Tại hẻm 188 đến 194 đường Hải Phòng, thuộc tổ 7, phường Tân Chính, quận Thanh Khê và các khu vực lân cận nhà ga cũ, nơi dự kiến sẽ được di dời, nhiều người dân tại đây tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về vấn đề này.
Ông Trần Phục, ở tổ 7, phường Tân Chính cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nghe đến việc di dời này, song cũng đã hơn 10 năm rồi chưa thấy gì cả. Với những người đã sống lâu năm ở đây như chúng tôi, nguyện vọng là có di dời, giải tỏa thì cũng nên bố trí lại cho các hộ gia đình sinh sống quanh khu vực này”.
Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con trong khu vực. Được biết, trước đây khi nghe tin quy hoạch, di dời nên bà con dè dặt trong việc cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà cửa. Theo ý nguyện của bà con, nếu đã quy hoạch thì nên triển khai sớm và thông báo cụ thể cho dân biết.
Tại các tổ dân phố 14 đến 17, 25 đến 43, 82 đến 84 (thuộc phường Hòa Khánh Nam) và hơn 10 tổ dân phố của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), người dân cho biết, từ khi có thông tin quy hoạch nhà ga mới đến nay, hằng trăm hộ dân ở trong khu vực này luôn thấp thỏm việc di dời, giải tỏa… Tuy nhiên, do chưa có thông tin quy hoạch cụ thể, nên mọi người đều lo lắng. Nhiều năm qua, người dân vùng quy hoạch này gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, ông Võ Khoa Nguyên cho biết: Chủ trương xây dựng và quy hoạch nhà ga mới đã có hơn 10 năm nay rồi, nhưng hiện giờ việc quy hoạch cụ thể ra sao, đặt tại đâu, thuộc khu vực nào, địa phương vẫn chưa nhận được thông báo từ các cấp có thẩm quyền. Hiện, chúng tôi cũng chỉ có những thông tin liên quan tới quy hoạch từ chục năm trước, còn phương án quy hoạch ga đường sắt mới thế nào thành phố cũng chưa có thông báo cụ thể nên không biết gì. Tuy nhiên, chúng tôi luôn chỉ đạo phải xử lý nghiêm và chấn chỉnh việc xây dựng nhà cửa không phép, đặc biệt là khu vực dự án xây dựng nhà ga. Phường cũng đã hợp đồng tăng cường cán bộ địa chính; cũng như thay đổi, luân chuyển cán bộ nhằm chấn chỉnh tốt hơn việc quản lý xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai từ 2017-2023, do vậy đa số người dân trong khu vực quy hoạch mong muốn thành phố nên thông báo cụ thể để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Phương Uyên
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Sẽ kiến nghị Thủ tướng bỏ thông tư 16 của Bộ Xây dựng
- Ghế sếp ngân hàng lớn nào “nóng” nhất?
- Thị trường bất động sản "ấm" lên
- Đề nghị tăng thời gian cho người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi từ 10 năm lên 15 năm
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Bất ngờ!
- Cấp GCN quyền sử dụng đất các dự án TĐC phục vụ giải toả Nút giao thông khác mức ngã ba Huế
- Đà Nẵng sẽ có thêm hai quận mới
- Sẽ thêm quyền cho công chứng viên
- Bí thư Thành uỷ Trần Thọ: Chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng doanh nghiệp
- Gói 30.000 tỷ: Còn cách nào ngoài “leo cột mỡ”?
- Khác biệt giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo
- "Bông Hồng xứ Quảng" trên Báo Công an thành phố Đà Nẵng số Xuân
- 2014, bất động sản hồi sinh?
- Thành lập Ban Chỉ đạo "Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014"
- Giới kinh doanh nhà đất buồn vui lẫn lộn
- Năm 2014, vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào bất động sản
- Bất động sản lạc quan thận trọng
- “Nới” quy định về cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ
- Nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp