Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai từ 2017-2023, do vậy đa số người dân trong khu vực quy hoạch mong muốn thành phố nên thông báo cụ thể để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Phối cảnh ga đường sắt mới (hướng đông bắc).
Mới đây, lãnh đạo thành phố có buổi làm việc nghe các sở, ban, ngành và các đối tác nước ngoài báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” do Tư vấn quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Theo đó, dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng bao gồm xây dựng mới 18,21km đường sắt và cải tạo 7km đường sắt cũ; xây dựng nhà ga khách mới với diện tích 43,1ha; xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới với diện tích 80,1ha; nâng cấp ga hàng Lệ Trạch với diện tích 9,6ha; xây dựng một cầu đường sắt vượt sông Cu Đê và 5 cầu đường bộ vượt đường sắt...
Ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 5.764 tỷ đồng, thời gian di dời ga Đà Nẵng sẽ thực hiện trong 6 năm, từ năm 2017 đến năm 2023.
Theo đơn vị tư vấn, vị trí này phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của thành phố, cho phép trong tương lai có thể kết nối với tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc mà Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương xây dựng qua địa bàn thành phố cũng như kết nối được với cảng Liên Chiểu đã được thành phố quy hoạch và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, sau khi di dời ga đường sắt đến khu vực Liên Chiểu, tạo tiền đề để phát triển cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia; kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân tạo động lực để phát triển khu vực phía tây và tây bắc thành phố, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực ga đường sắt cũ.
Trước những thông tin trên, người dân và chính quyền tại những địa phương bị tác động từ dự án băn khoăn vì chưa rõ thực tế cụ thể ra sao, bởi từ lâu họ đã nghe đến một dự án tương tự nhưng chưa thấy triển khai, gây khó khăn trong sinh hoạt, ổn định cuộc sống.
Tại hẻm 188 đến 194 đường Hải Phòng, thuộc tổ 7, phường Tân Chính, quận Thanh Khê và các khu vực lân cận nhà ga cũ, nơi dự kiến sẽ được di dời, nhiều người dân tại đây tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về vấn đề này.
Ông Trần Phục, ở tổ 7, phường Tân Chính cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nghe đến việc di dời này, song cũng đã hơn 10 năm rồi chưa thấy gì cả. Với những người đã sống lâu năm ở đây như chúng tôi, nguyện vọng là có di dời, giải tỏa thì cũng nên bố trí lại cho các hộ gia đình sinh sống quanh khu vực này”.
Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con trong khu vực. Được biết, trước đây khi nghe tin quy hoạch, di dời nên bà con dè dặt trong việc cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà cửa. Theo ý nguyện của bà con, nếu đã quy hoạch thì nên triển khai sớm và thông báo cụ thể cho dân biết.
Tại các tổ dân phố 14 đến 17, 25 đến 43, 82 đến 84 (thuộc phường Hòa Khánh Nam) và hơn 10 tổ dân phố của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), người dân cho biết, từ khi có thông tin quy hoạch nhà ga mới đến nay, hằng trăm hộ dân ở trong khu vực này luôn thấp thỏm việc di dời, giải tỏa… Tuy nhiên, do chưa có thông tin quy hoạch cụ thể, nên mọi người đều lo lắng. Nhiều năm qua, người dân vùng quy hoạch này gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, ông Võ Khoa Nguyên cho biết: Chủ trương xây dựng và quy hoạch nhà ga mới đã có hơn 10 năm nay rồi, nhưng hiện giờ việc quy hoạch cụ thể ra sao, đặt tại đâu, thuộc khu vực nào, địa phương vẫn chưa nhận được thông báo từ các cấp có thẩm quyền. Hiện, chúng tôi cũng chỉ có những thông tin liên quan tới quy hoạch từ chục năm trước, còn phương án quy hoạch ga đường sắt mới thế nào thành phố cũng chưa có thông báo cụ thể nên không biết gì. Tuy nhiên, chúng tôi luôn chỉ đạo phải xử lý nghiêm và chấn chỉnh việc xây dựng nhà cửa không phép, đặc biệt là khu vực dự án xây dựng nhà ga. Phường cũng đã hợp đồng tăng cường cán bộ địa chính; cũng như thay đổi, luân chuyển cán bộ nhằm chấn chỉnh tốt hơn việc quản lý xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng” sẽ được triển khai từ 2017-2023, do vậy đa số người dân trong khu vực quy hoạch mong muốn thành phố nên thông báo cụ thể để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Phương Uyên
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA