(PLO)- Phụ nữ làm doanh nghiệp tăng lợi nhuận, GDP cũng tăng trưởng tới 26% toàn thế giới.
Đây là khẳng định của ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, tại Hội thảo thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam sáng 13-1.
Hội thảo do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.
Phụ nữ làm GDP tăng trưởng
Ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, cho rằng: “Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp và những doanh nghiệp có phụ nữ tham gia, lãnh đạo có mức lợi nhuận lớn hơn, doanh nghiệp có thể đổi mới tốt hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trao quyền kinh tế cho phụ nữ sẽ giúp mang lại nhiều kết quả công bằng hơn, cải thiện năng suất và tăng trưởng GDP”.
Ông Raymond Mallon: "Trao quyền cho phụ nữ giúp tăng 26% GDP thế giới". Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy nhiên, ông Raymond Mallon cũng nhận xét hiện phụ nữ chủ yếu vẫn làm việc trong nhóm phi chính thức và thuộc nhóm người nghèo, rất ít người là lãnh đạo cao cấp.
Về tăng trưởng GDP, ông Raymond Mallon cho hay việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ giúp tăng 26% GDP thế giới. Nếu Việt Nam trao quyền kinh tế cho phụ nữ thì GDP có thể tăng được 10% vào năm 2025.
Phụ nữ đàm phán thành công hơn
Theo bà Mai Thị Diệu Huyền, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, phụ nữ ảnh hưởng 70%-80% các quyết định mua sắm và tiêu dùng cho gia đình. Thống kê cho thấy 90% giám đốc sáng tạo ở 100 công ty quảng cáo hàng đầu là nữ giới.
“Doanh nghiệp trao quyền cho phụ nữ là đầu tư thông minh, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu khách hàng, thị trường, chiến lược marketing phù hợp nhằm kinh doanh có hiệu quả” - bà Huyền nói.
Trong quản lý doanh nghiệp, bà Huyền cho rằng phụ nữ được đào tạo và thăng tiến trong doanh nghiệp sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Ở góc độ đàm phán, khi có phụ nữ, đoàn đàm phán sẽ điềm đạm, tinh tế giúp các hợp đồng kinh tế thành công cao hơn.
Bà Shoho Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhận định: “Mức độ phân biệt giới trong các công việc vẫn khá cao. Trong lĩnh vực dịch vụ, phụ nữ co cụm trong những công việc như buôn bán, khách sạn, nhà hàng, giáo dục gia đình, giúp việc nhà.”
TS Shoho Ishikawa: "Mức độ phân biệt giới trong công việc là khá cao". Ảnh: CHÂN LUẬN
Vẫn đối mặt nhiều khó khăn
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM đánh giá ở Việt Nam, khoảng cách về giới đang ở mức trung bình của thế giới.
"Khoảng cách rút xuống và có được sự cải thiện nhờ sự nỗ lực của phụ nữ. Chúng tôi có dự định tìm hiểu nhu cầu cầu nữ giới, điều tra và khảo sát những thực tiễn tốt. Đồng thời, tìm kiếm những điển hình và tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh" - ông Cung nói.
Báo cáo của CIEM cho hay phụ nữ hiện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế với vai trò doanh nhân, quản lý doanh nghiệp ngày càng nhiều. Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò kinh tế của họ là điều quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Thực tế cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 20 năm, những cải cách về môi trường kinh doanh đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nữ nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ nhỏ và siêu nhỏ.
Tuy nhiên, CIEM cho rằng các kết quả này không đồng đều. Các doanh nghiệp nữ Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Nghiên cứu CIEM khuyến nghị chính sách Nhà nước cần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nữ. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng khuôn khổ pháp luật kinh doanh bình đẳng giới, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có các hỗ trợ như đào tạo, tập huấn, tư vấn, huấn luyện và cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính và pháp lý. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho các hoạt động của hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ. Các khoản vay cần được thiết kế với những số tiền nhỏ được bảo lãnh với chiết khấu tài chính để hỗ trợ nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp. |
Các bản tin khác
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 1: Trăm kiểu giả mạo
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Xuất hiện những động thái tích cực
- Thí điểm “một cửa” Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
- 24 tỷ đồng bồi thường, bố trí tái định cư dự án Đại học kỹ thuật Y dược
- Người nước ngoài “chê” nhà ở Hà Nội
- ĐÀ NẴNG: ĐỀ XUẤT NÂNG CẤP, MỞ RỘNG NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG
- Nhà đất đang thế chấp cũng được tặng cho
- Công chứng và an toàn pháp lý
- Thông qua 20 đồ án quy hoạch và kiến trúc
- Bình chọn VP Công chứng uy tín VN nhằm khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng
- Mở tín dụng cho bất động sản
- ĐÀ NẴNG: ĐUA TÀI NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨNG
- Phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư dự án Khu dân cư tổ 12, phường Mân Thái
- Nhà đất sẽ “bùng nổ” giao dịch?
- Đà Nẵng tăng cường quản lý và sử dụng đất đai
- Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán
- Dùng vân tay làm… thủ tục hành chính
- Bất động sản giá 'mềm' rục rịch khởi động
- Chính phủ “gật đầu” đề xuất bỏ khung giá đất
- Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với loại đất ở trên địa bàn thành phố