(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ hôm nay (15-3), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực và lãi suất cho vay sẽ được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận. Điều này có nghĩa là người vay có quyền “mặc cả” với ngân hàng khi vay tiền. Những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc thì mừng ra mặt vì sẽ được vay lãi suất phù hợp với năng lực của mình.
Lãi suất khó giữ yên
TTXVN dẫn lời ông Trần Đức Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vân Anh cho biết, ông phấn chấn, việc thỏa thuận lãi suất sẽ có lợi cho những doanh nghiệp có lịch sử tín dụng và có phương án sản xuất kinh doanh tốt. Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội của mình để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhỏ không khỏi lo lắng vì tài sản đảm bảo không đủ để chứng minh khi thế chấp vay ngân hàng nên sẽ buộc phải chấp nhận lãi suất ngân hàng đưa ra. Đặc biệt đối với những hợp đồng vay trung và dài hạn sẽ càng phải chịu mức lãi suất cao hơn. Trong khi đó, những ngày đầu năm một số ngân hàng thương mại cổ phần đã rục rịch tăng lãi suất huy động.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, không phải khi có Thông tư 39 thì việc thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng và khách hàng mới được thực hiện mà từ trước đến nay việc thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn được duy trì. “Đối với những hợp đồng ký sau thì vẫn là lãi suất thỏa thuận, cũng không có trần nào cả. Dĩ nhiên các ngân hàng họ muốn siết lại tín dụng của thì họ sẽ đàm phán mức lãi suất cao hơn, có thể bất lợi cho doanh nghiệp nhưng nó không phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước mà chỉ phụ thuộc vào sự đàm phán và chính sách tín dụng của ngân hàng đó”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Với những lo ngại của các hợp đồng trung và dài hạn của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hiếu thừa nhận, khối doanh nghiệp này sẽ phải chịu mức lãi suất tăng lên vì dự báo cả lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng lên trong năm nay vì những yếu tố trong nước và ngoài nước tác động không có lợi cho lãi suất. Vị chuyên gia này phân tích: Ở trong nước có hai chỉ tiêu kinh tế được đặt ra ngay từ đầu năm là lạm phát phải giữ ở mức không quá 4% và tăng trưởng kinh tế phải đạt được tối thiểu 6,7%. Để đạt được mục tiêu giữ ổn định lạm phát thì khó có thể giảm lãi suất được, nếu giảm thì sẽ dẫn đến hiện tượng khách hàng đi vay nhiều. Ngân hàng cho vay ra nhiều thì buộc phải huy động nhiều và như vậy phải tăng lãi suất. Mặt khác, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% thì cho vay phải nhiều hơn có nghĩa là lãi suất phải giảm thì doanh nghiệp mới vay nhiều. Ông Hiếu kết luận: “Cả hai mục tiêu này có thể đóng góp vào việc đẩy lãi suất lên”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra một dẫn chứng khác chứng minh cho việc lãi suất khó có thể giảm, đó là cuối tuần này Fed có thể sẽ tăng lãi suất, khi đó giá trị của đồng USD sẽ tăng và tạo ra hiệu ứng nhiều người sẽ mua USD tích trữ. “Để ngăn chặn sự dịch chuyển từ tiền đồng sang tiền USD thì chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi USD và tiền đồng phải cao. Nếu bây giờ hạ lãi suất huy động tiền đồng xuống sẽ làm hẹp khoảng cách đó lại dẫn đến khuyến khích người ta chuyển tiền đồng sang USD. Chính vì vậy, việc hạ lãi suất năm nay rất là khó, khả năng tăng nhiều hơn là giảm”, ông Hiếu kết luận.
Thông tư 39 quy định lãi suất cho vay sẽ được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận, cho phép người vay có quyền “mặc cả” với ngân hàng khi vay tiền. Ảnh minh họa |
Phải điều chỉnh tỷ giá
Các chuyên gia cho rằng, việc Fed tăng lãi suất là điều khó tránh khỏi. Nếu VND không tăng nhiều so với USD thì hàng xuất khẩu sẽ mất sự cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, ông Hiếu kiến nghị: “Từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá khoảng 3% để làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới”. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn khẳng định sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, trong tuần này lãi suất liên ngân hàng bất ngờ bật tăng, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lên 4,5%, 4,77% và 4,82%, tương ứng tăng 1,2%, 1,27% và 0,78% so với cuối tuần trước. Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng đã tăng 1,6% trong tháng 1, đây là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, huy động giảm 1,6%, khiến tỷ lệ tín dụng/huy động của hệ thống tăng từ 87,7% lên 88,2%.
Chuyên gia của Ủy ban Giám sát đánh giá, việc tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn huy động trong những tháng tới thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục suy giảm và hệ quả là lãi suất sẽ khó có thể giữ ở mức thấp. Ông Hiếu đề xuất: “Có lẽ Ngân hàng Nhà nước phải đưa một lượng tiền vào lưu thông nhưng nó sẽ gây ra hiệu ứng làm tăng lạm phát, đây là bài toán rất khó cho Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để tạo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đồng thời không làm áp lực tăng tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, để hỗ trợ nền kinh tế thì có thể vẫn phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn mục tiêu đề ra, tức là phải đẩy một lượng tiền vào lưu thông thì mới hạ lãi suất được và để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
B.T – TTXVN
Các bản tin khác
- “Mục tiêu gói 30.000 tỷ không phải tiêu thật nhanh”
- Đổi đô, bán vàng miếng không đúng chỗ: Nếu bị bắt là mất hết!
- Cầu Rồng đoạt giải thưởng EEA danh giá nhất thế giới
- Khai trương Premier Village Danang Resort
- Đà Nẵng sẽ chấm dứt chủ trương cho chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất
- Động lực mới cho phát triển
- “Và con tim đã vui trở lại”
- Bất động sản khó khăn do “quá tôn trọng thị trường”
- Giao hết tiền mua đất khi công chứng liệu có an toàn?
- Khởi công dự án Bến du thuyền và CLB Thể thao dưới nước
- Tìm hiểu kỹ khi mua căn hộ chung cư
- Những điểm cần lưu ý khi ký hợp đồng mua bán nhà ở
- Hoạt động của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Sydney và Canberra: Bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia
- Tiền đang "chạy" khỏi ngân hàng?
- Tòa nhà hành chính độc đáo ở Đà Nẵng sắp hoàn thành
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang được đánh thức
- Đà Nẵng triển khai Luật Đất đai năm 2013
- “Gói 50.000 tỷ” không hỗ trợ lãi suất, không tiền ngân sách
- Tiếp tục nới điều kiện mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng
- Thị trường căn hộ chung cư cao cấp ở Đà Nẵng: Lại hút khách ngoài tỉnh