Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Nguyễn Trần Nam cho rằng công trình cùng được xây dựng trên khu đất có quyền sử dụng lâu dài nhưng căn hộ tầng trên được sở hữu vĩnh viễn, officetel tầng dưới sở hữu có thời hạn là điểm còn bất cập.
Ngày 17/3, tại hội thảo "Thị trường căn hộ văn phòng officetel: Nhu cầu phát triển và vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ", ông Nam đã kiến nghị với đại diện Bộ Xây dựng về việc xem xét cấp quyền sở hữu lâu dài cho căn hộ văn phòng officetel. Thực trạng hiện nay, các căn hộ officetel chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trong 50 năm.
Cơ sở để ông Nam đưa ta đề xuất này là cùng một công trình phức hợp xây dựng trên khu đất được cấp quyền sử dụng đất lâu dài thì thời gian sở hữu tài sản cũng cần phải đồng nhất.
Theo đó, nếu tầng trên bố trí căn hộ thương mại có quyền sở hữu lâu dài, còn tầng dưới bố trí căn hộ văn phòng officetel chỉ được sở hữu 50 năm là một điểm mâu thuẫn cần xem lại.
Mạnh dạn đề xuất mở nút thắt về quyền sở hữu tài sản lâu dài cho căn hộ văn phòng officetel, tuy nhiên, ông Nam giữ nguyên quan điểm công trình phải được sử dụng đúng chức năng được cấp. Cụ thể, căn hộ officetel không có chức năng cư trú (người ở không được cấp hộ khẩu) mà chỉ được lưu trú (ở tạm thời trong một thời điểm rồi rời đi).
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh thêm, chức năng công trình bắt buộc phải tuân thủ đúng với giấy phép được cấp nhằm tránh nguy cơ phá vỡ các quy chuẩn kỹ thuật. Luật Nhà ở quy định, không được sử dụng căn hộ chung cư vào những mục đích khác. Do đó, nếu đã là chung cư thì không được phép sử dụng làm văn phòng. Trong trường hợp Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động tại chung cư, sở phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép sai quy định.
"Tôi ủng hộ việc TP HCM kiên quyết trong việc trục xuất doanh nghiệp khỏi các tòa nhà chung cư vì hoạt động thương mại của các công ty làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, nơi đỗ xe, lưu thông trong tòa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân", ông Nam nói.
Trở lại với sự phát triển của căn hộ officetel, lãnh đạo hiệp hội khẳng định, đây là dòng sản phẩm mới, sự tồn tại và bùng nổ của nó trên thị trường trong vài năm qua chứng tỏ người dân có nhu cầu thật. Do đó, cơ quan quản lý không nên cấm phát triển hoặc buông lỏng để phát triển tự phát tràn lan mà cần khống chế bằng các hệ số kỹ thuật.
Ông Nam cho rằng với vị thế là sản phẩm non trẻ được thị trường đón nhận, thời hạn sử dụng 50 năm của officetel không phải là quá ngắn vì cứ 5-10 năm luật lại bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi một lần. Do đó, ông tin tưởng vấn đề sở hữu hạn chế hoặc lâu dài đối với căn hộ officetel trong những thập niên tới có thể sẽ dần dần được cải thiện hoặc giải quyết theo hướng tích cực hơn.
Thống kê của Cushman & Wakefield, hiện nay tại TP HCM, đa phần các dự án có sản phẩm officetel thì khoảng 40% khách hàng là những công ty khởi nghiệp và mở văn phòng đại diện. 10-15% khách mua có nhu cầu thực còn lại là khách mua để đầu tư cho thuê.
Vũ Lê
Theo vnexpress
Các bản tin khác
- Bất động sản TP.HCM mắc kẹt chính sách
- Không đồng ý cho thi hành án hợp đồng công chứng
- Tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà ở trong nước
- Giảm thời hạn xác nhận tình trạng hôn nhân
- Nhà ngoại ô giá rẻ hút khách
- Bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND
- Tín hiệu vui…
- Các chiêu “phù phép” giấy tờ nhà đất
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 9/9 đến 14/9
- TỪ THỰC TRẠNG NHÀ KHÔNG PHÉP Cần phải tạo quỹ đất giá rẻ
- Giá khởi điểm đấu giá 36 lô đất mặt tiền đường Hoàng Sa: 13,5 triệu đồng/m2
- Mạnh dạn xóa đồ án quy hoạch kém khả thi
- Thận trọng với 'chiêu' bất động sản lách luật
- Doanh nghiệp cố tình tính nhầm thuế VAT cho người mua nhà
- Cho vay mua nhà đang ấm lên
- 8.500 căn hộ bán theo chương trình nhà ở xã hội
- Sửa luật cho bất động sản
- Việt kiều được mua nhà ở tại các khu dân cư
- Địa ốc: rối vì luật!
- FDI vào BĐS tăng: Thực hay ảo?