-Các văn bản pháp luật và Luật Nhà ở đều chưa đề cập và có bất cứ quy định cụ thể nào về mô hình căn hộ - văn phòng (office-tel). Việc thiếu hành lang pháp lý có thể khiến nhiều người dễ dàng trục lợi và nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua ngày càng nhiều.
Chưa có khái niệm cụ thể
Tại hội thảo “Thị trường căn hộ văn phòng (office-tel): nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản tổ chức ngày 17/3, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định việc quản lý office-tel hiện còn rất nhiều vướng mắc.
“Thứ nhất là vướng trong xác định khái niệm, office-tel có phải là văn phòng kết hợp nhà ở hay văn phòng kết hợp lưu trú, lưu trú thì có lưu trú ngắn hạn và lưu trú dài hạn. Chúng ta phải đặt tên nó là gì ?
Thứ hai là vướng mắc về quyền sở hữu, nếu chúng ta coi một phần là để ở, có thể ở thì quyền sở hữu phải ổn định lâu dài. Nếu không coi đây là một dạng để ở thì chỉ được cấp 50 năm.
Vướng mắc thứ ba là khi xây dựng căn hộ này, các chủ đầu tư xác định để ở thì tiền sử dụng đất đóng phải khác.
Thứ tư là quy hoạch. Chủ đầu tư có được xây trên quy hoạch đất ở hay quy hoạch đất hỗn hợp. Chúng ta xây block cho office-tel trong chung cư để ở thì có đúng hay không ? Quy hoạch dân số ra sao ?
Thứ năm vướng mắc rất lớn trong quy chuẩn như hạ tầng kỹ thuật, cầu thang, điện nước, cháy nổ… và các liên quan đến chỉ tiêu dân số, mật độ dân số”, ông Khởi cho biết.
“Đúng là vướng về mặt pháp lý, bây giờ chúng ta phải ra văn bản nhưng cũng phải xem xét nó là loại văn bản gì. Muốn sửa luật thì 3 năm nữa mới có luật. Còn nếu ban hành Thông tư mà trái luật cũng không được”, ông nói thêm.
Nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, các văn bản pháp luật trước đây và Luật Nhà ở 2014 hoàn toàn chưa đề cập đến dạng căn hộ văn phòng và cũng chưa đưa ra khái niệm, quy định nào về một dạng căn hộ vừa dùng để ở, vừa làm nơi kinh doanh.
Do chưa được pháp luật điều chỉnh trực tiếp và đầy đủ, việc mua bán loại hình sản phẩm này có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ gặp một số trở ngại pháp lý khi triển khai các dự án, thủ tục xin chuyển đổi công năng hay mục tiêu của dự án. Trong khi đó, khách hàng chưa được cấp quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản nên gây khó khăn trong việc thực hiện quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.
“Về pháp luật nhà ở, chúng ta phải xem xét lại, tại sao căn hộ văn phòng cho phép kinh doanh nhưng căn hộ để ở lại cấm không cho kinh doanh. Ví dụ như những chung cư chỉ có 2 tầng như chung cư Khánh Hội thì không có nhiều ảnh hưởng. Luật đang bó hẹp và mang tính áp đặt”, ông nói.
Vì vậy, luật sư này kiến nghị Nhà nước cần công nhận và quy định bổ sung loại hình căn hộ - văn phòng trong các văn bản pháp luật, từ đó thay thế và chấm dứt việc quản lý chỉ được thể hiện trong các văn bản quản lý hành chính như hiện nay.
Người mua dễ dàng trục lợi
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá mô hình office-tel là con lai giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại. Mô hình này lai diện tích của nhà ở xã hội nhưng cách bán lại là nhà ở thương mại, tức là vừa diện tích nhỏ, vừa bán tự do, vừa để ở, vừa để kinh doanh.
Theo ông Đực, office-tel là mô hình nhà ở có nhiều lợi ích. Nhiều doanh nghiệp sẽ làm mô hình này vì bán được cho nhiều người. Thế nhưng, nhiều người sẽ lợi dụng và cố tình trục lợi khi họ chỉ mua để ở vì diện tích nhỏ và giá rẻ hơn.
“Chúng ta đã có con số thống kê là bao nhiêu người mua căn hộ này để làm văn phòng và bao nhiêu người mua chỉ để ở hay chưa ?
Đứng trên khía cạnh người dân, tôi phản đối office-tel vì nếu chúng ta không quản lý được thì sẽ dễ bị lợi dụng. Nhiều chủ đầu tư sẽ dựa vào office-tel để bán với giá rất chạy và rất nhanh. Còn đứng trên khía cạnh nhà đầu tư, tôi sẽ ủng hộ và sẽ đầu tư 100% dự án làm office-tel vì đây là một phân khúc rất béo bở”, ông Đực nhấn mạnh.
Thanh Mai
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn