-Các văn bản pháp luật và Luật Nhà ở đều chưa đề cập và có bất cứ quy định cụ thể nào về mô hình căn hộ - văn phòng (office-tel). Việc thiếu hành lang pháp lý có thể khiến nhiều người dễ dàng trục lợi và nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua ngày càng nhiều.
Chưa có khái niệm cụ thể
Tại hội thảo “Thị trường căn hộ văn phòng (office-tel): nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản tổ chức ngày 17/3, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định việc quản lý office-tel hiện còn rất nhiều vướng mắc.
“Thứ nhất là vướng trong xác định khái niệm, office-tel có phải là văn phòng kết hợp nhà ở hay văn phòng kết hợp lưu trú, lưu trú thì có lưu trú ngắn hạn và lưu trú dài hạn. Chúng ta phải đặt tên nó là gì ?
Thứ hai là vướng mắc về quyền sở hữu, nếu chúng ta coi một phần là để ở, có thể ở thì quyền sở hữu phải ổn định lâu dài. Nếu không coi đây là một dạng để ở thì chỉ được cấp 50 năm.
Vướng mắc thứ ba là khi xây dựng căn hộ này, các chủ đầu tư xác định để ở thì tiền sử dụng đất đóng phải khác.
Thứ tư là quy hoạch. Chủ đầu tư có được xây trên quy hoạch đất ở hay quy hoạch đất hỗn hợp. Chúng ta xây block cho office-tel trong chung cư để ở thì có đúng hay không ? Quy hoạch dân số ra sao ?
Thứ năm vướng mắc rất lớn trong quy chuẩn như hạ tầng kỹ thuật, cầu thang, điện nước, cháy nổ… và các liên quan đến chỉ tiêu dân số, mật độ dân số”, ông Khởi cho biết.
“Đúng là vướng về mặt pháp lý, bây giờ chúng ta phải ra văn bản nhưng cũng phải xem xét nó là loại văn bản gì. Muốn sửa luật thì 3 năm nữa mới có luật. Còn nếu ban hành Thông tư mà trái luật cũng không được”, ông nói thêm.
Nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, các văn bản pháp luật trước đây và Luật Nhà ở 2014 hoàn toàn chưa đề cập đến dạng căn hộ văn phòng và cũng chưa đưa ra khái niệm, quy định nào về một dạng căn hộ vừa dùng để ở, vừa làm nơi kinh doanh.
Do chưa được pháp luật điều chỉnh trực tiếp và đầy đủ, việc mua bán loại hình sản phẩm này có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ gặp một số trở ngại pháp lý khi triển khai các dự án, thủ tục xin chuyển đổi công năng hay mục tiêu của dự án. Trong khi đó, khách hàng chưa được cấp quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản nên gây khó khăn trong việc thực hiện quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.
“Về pháp luật nhà ở, chúng ta phải xem xét lại, tại sao căn hộ văn phòng cho phép kinh doanh nhưng căn hộ để ở lại cấm không cho kinh doanh. Ví dụ như những chung cư chỉ có 2 tầng như chung cư Khánh Hội thì không có nhiều ảnh hưởng. Luật đang bó hẹp và mang tính áp đặt”, ông nói.
Vì vậy, luật sư này kiến nghị Nhà nước cần công nhận và quy định bổ sung loại hình căn hộ - văn phòng trong các văn bản pháp luật, từ đó thay thế và chấm dứt việc quản lý chỉ được thể hiện trong các văn bản quản lý hành chính như hiện nay.
Người mua dễ dàng trục lợi
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá mô hình office-tel là con lai giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại. Mô hình này lai diện tích của nhà ở xã hội nhưng cách bán lại là nhà ở thương mại, tức là vừa diện tích nhỏ, vừa bán tự do, vừa để ở, vừa để kinh doanh.
Theo ông Đực, office-tel là mô hình nhà ở có nhiều lợi ích. Nhiều doanh nghiệp sẽ làm mô hình này vì bán được cho nhiều người. Thế nhưng, nhiều người sẽ lợi dụng và cố tình trục lợi khi họ chỉ mua để ở vì diện tích nhỏ và giá rẻ hơn.
“Chúng ta đã có con số thống kê là bao nhiêu người mua căn hộ này để làm văn phòng và bao nhiêu người mua chỉ để ở hay chưa ?
Đứng trên khía cạnh người dân, tôi phản đối office-tel vì nếu chúng ta không quản lý được thì sẽ dễ bị lợi dụng. Nhiều chủ đầu tư sẽ dựa vào office-tel để bán với giá rất chạy và rất nhanh. Còn đứng trên khía cạnh nhà đầu tư, tôi sẽ ủng hộ và sẽ đầu tư 100% dự án làm office-tel vì đây là một phân khúc rất béo bở”, ông Đực nhấn mạnh.
Thanh Mai
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng