Bộ Xây dựng sẽ sớm nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình bất động sản condotel.
Doanh nghiệp “tự bơi”
Ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc Công ty Quang Hưng cho biết, khi xây dựng một dự án condotel ở Vũng Tàu, ông và cơ quan chức năng nhiều lần lâm vào tình thế lúng túng. Chẳng hạn, căn hộ condotel bán cho khách hàng thì hợp đồng giao dịch là mua bán căn hộ, nhưng loại căn hộ này không có tên trong Luật Kinh doanh bất động sản và không được cấp sổ chủ quyền sử dụng cho khách hàng.
Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Đức Phượng, pháp luật đất đai hiện vẫn thiếu quy định về phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp, bởi condotel là loại căn hộ vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ. Theo ông Phượng, loại hình căn hộ này cũng cần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện tại, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được gọi bằng những tên gọi khác nhau, như bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch... Khung pháp lý cho loại hình bất động sản này hiện nay gần như chưa có quy định, nên các doanh nghiệp phải hoạt động theo Luật Kinh doanh bất động sản, đồng thời phải dựa vào các quy định pháp luật liên quan giống như Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị...
Đến nay, các địa phương đang xây dựng “khu đô thị du lịch”, nhưng lại dựa trên “khu đô thị” kèm với tiêu chuẩn của đơn vị ở, nên vừa lãng phí trong đầu tư và khó trong việc xây dựng một mô hình du lịch bài bản để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, do chưa có khung pháp lý riêng, nên cũng vướng về vấn đề thủ tục đầu tư, giao đất, quy hoạch, thiết kế xây dựng, bàn giao cho người mua đưa vào sử dụng.
Dựa theo đặc điểm về loại đất của loại hình condotel, có thể thấy một số mô hình như được giao đất ở (hình thành đơn vị ở) và người mua được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài, như Khu du lịch Đại Lải; được giao đất ở (không hình thành đơn vị ở) và người mua được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài như tại tỉnh Khánh Hòa; được giao đất ở như tại Phú Quốc.
Có thể thấy, với các dự án condotel hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận cho người mua phải phù hợp với loại đất ở. Do đó, không phải khách hàng mua condotel nào cũng được cấp giấy chứng nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Phạm Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đang được thực hiện theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014. Tuy nhiên, không phải condotel nào cũng được bán cho người mua, do vậy, người mua chỉ được cấp giấy chứng nhận đối với dự án có nội dung (toàn bộ công trình hoặc một phần công trình) mà chủ đầu tư được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Riêng với condotel là dự án khách sạn đơn thuần theo Luật Du lịch thì chủ đầu tư không được bán, nếu người mua vẫn ký hợp đồng thì không thể có giấy chứng nhận.
Luật sư này cũng cho biết, căn cứ pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có thể bán được các biệt thự, căn hộ trên đất thương mại dịch vụ và không nhất thiết phải chuyển sang đất ở.
Đề xuất cấp “sổ đỏ” cho condotel
Ngày 22/4/2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã kiến nghị với Bộ Xây dựng về loại hình condotel ven biển. Trong văn bản này, VNREA cho rằng, Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quy hoạch condotel.
Trong đó, VNREA đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn (giấy chứng nhận) cho khách hàng mua condotel ven biển theo hướng: cá nhân, tổ chức có thể mua condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp giấy chứng nhận, dù dự án condotel ven biển đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.
Bên cạnh đó, VNREA cũng đề nghị bổ sung khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai về đất phi nông nghiệp loại đất ở không hình thành đơn vị ở; Điều 55, Luật Đất đai về trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được quy hoạch xây dựng trên đất ở không hình thành đơn vị ở.
Trong Văn bản số 67/BXD-QL trả lời những kiến nghị của VNREA, Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm nghiên cứu và ban hành theo đúng thẩm quyền về quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình này.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu về pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này. Đồng thời, đề nghị giao Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu về tài chính đất đai, bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp để phù hợp với loại hình condotel.
Các bản tin khác
- Đầu tư theo kênh nào để sinh lời?
- Đà Nẵng: Cấm chủ đầu tư bán nhà đất dưới mọi hình thức khi dự án chưa đủ thủ tục pháp lý
- 5.581 tỷ đồng xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn 1
- Ô tô Indonesia 300 triệu, xe Thái 400 triệu đổ về Việt Nam
- Du lịch Đà Nẵng 2017 kỳ vọng bùng nổ với lễ hội pháo hoa
- Đà Nẵng siết chặt hoạt động quản lý đất đai, nhà ở, căn hộ
- NGHỊ QUYẾT HĐND THÀNH PHỐ: Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2016
- Kinh nghiệm chọn mua chung cư
- Đà Nẵng sẽ đầu tư 9.677 tỷ đồng tái cấu trúc phát triển đô thị
- Bất động sản làm tăng áp lực lên hạ tầng của Đà Nẵng
- WB và ADB ủng hộ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Khẩn trương giải quyết việc đền bù, giải tỏa dự án Trung tâm thương mại Chợ Cồn và công viên thành phố
- Nghiên cứu khả thi dự án Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị TP Đà Nẵng do Tư vấn quốc tế của WB thực hiện
- Đấu giá lô đất lớn góc đường Ngô Quyền–Võ Văn Kiệt
- Dự án KCN Hòa Khánh mở rộng: Chia lô cho công nhân xây nhà ở
- Nhiều điểm mới trong quy chế cho vay mới
- Xác định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Đà Nẵng
- Không lo tiền bị 'chôn' trong bất động sản
- Đà Nẵng đáng sống, cần thêm “đáng đầu tư”
- Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2