-Rủi ro khi mua bán nhà đất xuất hiện muôn hình vạn trạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn trong quá trình từng bước hoàn thiện. Do đó, cách hạn chế rủi ro hiệu quả nhất vẫn là người mua nhà phải học cách tự bảo vệ mình trước khi cầu cứu cơ quan chức năng.
Nhiều rủi ro mua bán nhà hình thành trong tương lai
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định về bảo lãnh ngân hàng chỉ mới áp dụng trong luật, nhưng việc thực hiện trong thời gian qua chưa hợp lý.
“Nếu việc bảo lãnh thực hiện đúng luật thì không có ngân hàng nào bảo lãnh cho vài dự án, chứ đừng nói là nhiều như nay. Đây là việc cấp tín dụng và ngân hàng hưởng phí. Với dự án vài chục nghìn tỷ thì làm gì ngân hàng đủ bão lãnh”, ông Châu nhấn mạnh.
Để tránh rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua nhà phải tìm cách tự cứu mình |
Theo ông Châu, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp bất động sản đã đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai. Trong khi đó, pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần.
Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.
“Hiện nay, mặt hạn chế là khách hàng có nhu cầu thực lại có nguy cơ gặp rủi ro, có thể nhận sản phẩm không đúng tiến độ, không đúng chất lượng và cam kết của chủ đầu tư. Nhà đầu cơ thứ cấp có thể mượn vốn ngân hàng để kinh doanh. Chất lượng dịch vụ, công trình cũng chưa kiểm soát”, ông Châu nói.
Luật sư Thái Văn Chung cho rằng mặc dù UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho người mua nhà, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều tranh chấp. Phần lớn tranh chấp liên quan đến bất động sản rơi vào điều khoản thanh toán, mà khách hàng là đối tượng chịu nhiều rủi ro.
Người mua luôn là đối tượng chịu thiệt
Luật sư Hà Hải cho biết, những quy định về hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại nhiều bộ luật như Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Thương mại năm 2005… Cùng với đó là các quy định về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nằm rải rác trong rất nhiều văn bản dưới luật khác.
Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng người mua căn hộ không thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ. Chủ đầu tư các dự án chung cư không giữ chữ tín đã đưa ra. Nhiều hợp đồng mẫu chứa đựng nội dung bất bình đẳng, dễ gây nhầm lẫn và thậm chí vi phạm pháp luật.
“Tình trạng vi phạm hợp đồng, chiếm dụng vốn của người mua, không giao nhà hoặc giao nhà trễ hẹn hoặc giao nhà nhưng không có giấy tờ hợp lệ vẫn thường xuyên xảy ra. Có những trường hợp người mua nhà 10 năm vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Khi tranh chấp phát sinh, cơ quan thẩm quyền vẫn còn lúng túng trong quá trình giải quyết, vì thiếu các quy định pháp luật.
Thực trạng trên xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý an toàn để các bên tham gia giao kết hợp đồng. Các văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu sót dẫn đến các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư luôn ở trong tình trạng bất an, bất bình đẳng. Khi không còn sự bình đẳng thì có nhiều thỏa thuận về mặt hình thức thể hiện ý chí chung của các bên, nhưng thực chất không phản ánh được nguyện vọng của các bên”, Luật sư Hà Hải nhận định.
Khách hàng phải tự đánh giá năng lực của chủ đầu tư
Theo ông Nguyễn Đào Duy, Phó Tổng giám đốc LDG Group, bất động sản cũng như những ngành nghề tiêu dùng khác, doanh nghiệp phải có quy chế để làm sao đưa ra quy chuẩn và tự cứu mình dựa vào năng lực thực tế. Họ phải tự công bố chất lượng sản phẩm hình thành trong tương lai, đó là tham chiếu cho khách hàng. Với cam kết đó, khách hàng nhìn vào giá trị sản phẩm thấy được cam kết của chủ đầu tư, giúp họ nhìn nhận được đâu là tiềm năng, đâu là rủi ro trong tương lai.
“Chủ doanh nghiệp phải tự hoạch định sân chơi của mình. Luật thì đã có, nhưng làm sao vào thực tế là điều rất bất cập. Hơn ai hết, những người gắn với quyền lợi khách hàng thì nên kiểm soát. Khách hàng vẫn là người đánh giá trung thực, chính xác nhất”, ông Duy nhận định.
Lãnh đạo LDG Group cho rằng chính khách hàng là người giám sát tốt, chính xác nhất và đánh giá trung thực. Trong tương lai, thông tin về chủ đầu tư và dự án cũng cần áp dụng trong lĩnh vực bất động sản. Qua đó, người dân, doanh nghiệp đều có thể truy cập và nắm bắt thông tin một cách công khai. Hình thức quản lý này cũng góp phần phân loại để khách hàng tự đánh giá về năng lực của chủ đầu tư.
Diệu Thủy
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?