Thời gian gần đây, du lịch thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng nhanh, góp phần làm tăng đột biến các dự án bất động sản, cơ sở lưu trú, khách sạn… Đáng chú ý là nhiều dự án khách sạn được triển khai xây dựng ở trung tâm thành phố đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông.
Vì vậy, trong quy hoạch phát triển, cần hạn chế các dự án khách sạn ở khu vực trung tâm, ưu tiên các dự án có quy hoạch nhiều chức năng, các khu đô thị và dân cư xa trung tâm thành phố để tránh tình trạng giao thông quá tải.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong quý 1-2017, sở đã thẩm định, tái thẩm định 19 khách sạn 1-2 sao và tương đương, 4 khách sạn 3-5 sao, thẩm định 3 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn. Qua đó, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố lên 599 cơ sở với 22.151 phòng, tăng 104 cơ sở lưu trú du lịch với 3.495 phòng so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là con số khá lớn so với mặt bằng chung của cả nước. Hiện nay, Đà Nẵng vươn lên hàng thứ 3 trong danh sách các tỉnh, thành phố có nhiều cơ sở lưu trú với 14 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao và trên 70 khách sạn 3 sao…
Khu vực trung tâm thành phố có nhiều dự án khách sạn lớn đã và đang hoàn thành như: Eden, Novotel, Sông Hàn, Minh Toàn Galaxy, One Opera… Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với áp lực hạ tầng kỹ thuật giao thông. Hiện nay, trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương… vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện giao thông, kể cả các loại xe du lịch qua lại nhiều và đậu đỗ trả khách tại các khách sạn, gây tắc đường cục bộ.
Tại một hội thảo được tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng bày tỏ mối quan ngại về sự bùng nổ nguồn cung các dự án bất động sản, đặc biệt là các căn hộ khách sạn (condotel) có thể khiến quy hoạch hạ tầng giao thông của Đà Nẵng bị phá vỡ.
Trước xu hướng đầu tư mới, nếu thành phố không có cơ chế quản lý phù hợp, nguy cơ hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố sẽ quá tải. Do đó, ngay từ bây giờ, cần hạn chế phát triển các dự án condotel, dự án khách sạn, cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, với việc đầu tư xây dựng dày đặc các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như hiện nay cũng khiến áp lực hạ tầng giao thông tăng cao. Nhất là thời điểm cuối tuần và mùa du lịch, giao thông trong khu vực này luôn trong tình trạng quá tải.
Nhận thức rõ hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều công trình giao thông quan trọng với mục tiêu kết nối vùng miền, tạo ra hạ tầng khung quan trọng cho việc mở đường phát triển du lịch.
Lãnh đạo thành phố cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, công trình cầu đường ở những nơi được xác định sẽ là trung tâm đô thị trong tương lai. Do vậy, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án khu đô thị, khu dân cư khi thực hiện cần bảo đảm sự cân bằng về hạ tầng giao thông và mật độ dân cư.
PHƯƠNG UYÊN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội: Sau thời gian thuê 5 năm, sẽ xem xét để gia hạn
- “Ông hoàng Resort” Bill Bensley bật mí về những công trình huyền thoại
- Tránh rủi ro khi mua nhà đã hình thành
- Đất Đà Nẵng tăng 7-8 lần từ 2012
- Sun River City - "tâm bão" của miền đất hứa
- Đà Nẵng đẹp lạ trong sương mù
- Quy định pháp luật tác động đến thị trường bất động sản 2018
- Người nước ngoài có được mua nhà phố riêng lẻ ở Việt Nam?
- Cuộc đua BĐS ‘vừa túi’ ở Đà Nẵng
- Bất động sản 2018 sẽ tăng giá đồng loạt các phân khúc?
- Nam Đà Nẵng - Bắc Hội An đón thêm 2 dự án mới
- Phó thủ tướng chỉ đạo về việc "sổ đỏ ghi tên cả nhà"
- Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng có cơ hội để sánh ngang Bali hay Phuket?
- Bất động sản Nam Đà Nẵng: "Cơn sốt" chưa có hồi kết
- Vấn đề bạn đọc quan tâm: Giải tỏa chợ tạm An Trung 2
- Quy định giá đất ở tái định cư tại một số khu dân cư
- Thuế bằng 0%, thị trường ô tô bùng nổ
- Tây Bắc Đà Nẵng: Sôi động những dự án động lực
- Đà Nẵng tưng bừng chào đón năm mới 2018