Thị trường bất động sản năm 2016 và quý 1/2017 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định...
Tính đến tháng 4/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 28.369 tỷ đồng, so với quý 1/2013 giảm 100.179 tỷ đồng.
Giá cả ổn định, tồn kho tiếp tục giảm mạnh - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định về thị trường bất động sản, trong báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn.
Báo cáo này vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khoá 14, trước thềm kỳ họp thứ ba sẽ được khai mạc sáng 22/5 tới đây.
Theo báo cáo, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát, điều tiết các hoạt động của thị trường, bao gồm cả việc tạo lập, giao dịch, xác lập quyền sở hữu, quản lý sử dụng sản phẩm bất động sản, nhà ở, cũng như quản lý các chủ thể tham gia thị trường.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá, các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường bất động sản, nhà ở. Đồng thời đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Đặc biệt, việc hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là một trong những bước đột phá, góp phần quan trọng tái cấu trúc thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp sớm có điều kiện cải thiện nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, thị trường bất động sản năm 2016 và quý 1/2017 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định. Giá nhà ở trong quý 1/2017 tiếp tục ổn định, một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ từ 1-5% so với cùng kỳ năm 2016.
Yếu tố thể hiện sự ổn định tiếp theo là thanh khoản tăng. Lượng giao dịch thành công năm 2016 và quý 1/2017 tăng trưởng khá, lượng giao dịch chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ trung cao cấp, lượng giao dịch căn hộ có diện tích vừa và nhỏ thấp do nguồn cung trong giai đoạn này hạn chế.
Trong quý 1/2017, theo báo cáo của một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 3.150 giao dịch thành công, tại Tp.HCM có khoảng 3.400 giao dịch thành công.
Vẫn theo Bộ trưởng, cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ. Có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn hộ.
Sau nhận định tồn kho tiếp tục giảm mạnh, báo cáo nêu một số con số đáng chú ý. Như, tính đến tháng 4/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 28.369 tỷ đồng, so với quý 1/2013 giảm 100.179 tỷ đồng (giảm 77,93%), so với tháng 12/2015 giảm 22.520 tỷ đồng (giảm 44,25%) và so với tháng 12/2016 giảm 2.654 tỷ đồng (giảm 8,55%), so với 20/3/2017 giảm 624 tỷ đồng.
Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống - Bộ trưởng tiếp tục thông tin.
Cụ thể, tính đến 31/12/2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 436.144 tỷ đồng, tăng 11,03% so với 31/12/2015 và tăng 1,92% so với thời điểm 30/11/2016. Tính đến 31/12/2016, dư nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 18.443 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 436.144 tỷ đồng (chiếm 4,23% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này).
Báo cáo nêu rõ, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, cũng như tạo lập cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển nền kinh tế. Bao gồm: bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng, các công trình dịch vụ, thương mại; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp...
Cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trong từng lĩnh vực hoạt động, loại hình, phân khúc sản phẩm bất động sản. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch