Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND thành phố Đà Nẵng vừa thống nhất sớm triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo phương án đầu tư hợp tác đối tác công - tư (PPP). Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn (ảnh) cho rằng, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP sẽ giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước; huy động nguồn lực và kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân vào việc xây dựng, điều hành cảng; qua đó gia tăng các chỉ số kinh tế và năng lực cạnh tranh của thành phố về cảng biển.
Khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, cảng Tiên Sa được đầu tư theo hướng phục vụ du lịch. Ảnh: THÀNH LÂN |
* Bộ GTVT vừa thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng. Đâu là cơ sở luật pháp đầu tư theo hình thức này, thưa ông?
- Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu hội đủ các điều kiện để đầu tư theo hình thức PPP dựa trên quy định tại Điều 15, Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP. Ngoài ra, dự án cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 với hình thức PPP (theo Quyết định 631/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ).
* Ông nghĩ gì về dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP?
- Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu đáp ứng đầy đủ các định hướng, quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng, quy hoạch ngành GTVT Việt Nam, quy hoạch cảng biển Việt Nam. Cảng Liên Chiểu ra đời sẽ giải quyết lượng hàng container của khu vực miền Trung và của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng (tỷ lệ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 8 năm gần đây, dự kiến đạt 10 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 28 triệu tấn/năm vào năm 2030); đồng thời, giảm tải cho cảng Tiên Sa để đáp ứng việc đón các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn ngày càng tăng.
Đặc biệt, các khu công nghiệp được xây dựng mới dọc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất và đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) trong tương lai sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về hàng hóa thông qua cảng ở khu vực Đà Nẵng. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cũng nhằm giải quyết áp lực về vận chuyển hàng hóa qua quốc lộ 14B đến cảng Tiên Sa (các tuyến đường Ngũ Hành Sơn, Ngô Quyền, Yết Kiêu).
Với định hướng phát triển du lịch tại khu vực phía đông thành phố, việc gia tăng lượng xe tải, xe container chạy dọc các tuyến đường này sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như ảnh hưởng đến du lịch.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đã nghiên cứu, khảo sát và xác nhận rằng, Đà Nẵng có đầy đủ các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi để phát triển thành một thành phố cảng; điều kiện tự nhiên tại khu vực Liên Chiểu rất thuận lợi để xây dựng cảng biển nước sâu. Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cũng tạo tiền đề để chuyển công năng cảng Tiên Sa thành cảng hành khách phục vụ du lịch trong tương lai. Do đó, các bên đều thống nhất về việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu càng sớm càng tốt.
Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP sẽ giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực và kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân vào việc xây dựng và điều hành cảng; qua đó, gia tăng các chỉ số về kinh tế và năng lực cạnh tranh của thành phố về cảng biển.
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vào chiều 25-5 liên quan đến khả năng hợp tác đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, ông Kazumasa Fujita, đại diện Công ty Sojitz (Nhật Bản) đề xuất ý tưởng: phát triển tích hợp cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu, theo đó sẽ chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và tái phát triển khu vực này trở thành trung tâm thương mại, còn cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa. Ông Fujita đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản để đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ bản như đê kè chắn sóng, nạo vét luồng lạch.. Hợp phần còn lại là hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ với Bộ Giao thông vận tải vừa qua cũng đã thống nhất phương án đầu tư cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP, trong đó các hạng mục gồm đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác. Hợp phần còn lại là đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tiềm năng theo phương thức xã hội hóa. |
THÀNH LÂN thực hiện
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Căn hộ tầm trung sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nửa cuối năm
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng