(Cadn.com.vn) - Trên địa bàn Đà Nẵng, hàng loạt dự án đã được phê duyệt quy hoạch từ lâu nay xin điều chỉnh quy hoạch, có dự án xin điều chỉnh từ 3 đến 5 lần trong quá trình triển khai, thậm chí có dự án “treo” năm này qua năm khác khi có tối hậu thư của lãnh đạo thành phố vội vàng xin điều chỉnh quy hoạch để triển khai dự án nhưng rồi lại tiếp tục “treo”!
Hàng chục dự án xin điều chỉnh
Tại các cuộc họp quy hoạch kiến trúc các dự án trên địa bàn thành phố gần đây, số lượng dự án xin điều chỉnh quy hoạch chiếm đại đa số trong chương trình họp của lãnh đạo thành phố. Nào là dự án xin điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích đất xây dựng; chuyển đất biệt thự thành đất phân lô; thu hẹp đất công viên, công trình công cộng, trường học để phân lô bán nền;... Đối với các dự án khách sạn, căn hộ chung cư xin điều chỉnh thêm tầng, chuyển đổi công năng, thu hẹp diện tích phòng... Đơn cử, tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc tháng 2-2017 có 68 dự án trình lãnh đạo thành phố phê duyệt có đến 30 dự án xin điều chỉnh quy hoạch; tương tự tại cuộc họp quy hoạch ngày 28-3, có 24 dự án kiến trúc quy hoạch có đến 10 dự án xin điều chỉnh quy hoạch; tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc tháng 4-2017 có 31 dự án kiến trúc quy hoạch trình lãnh đạo thành phố phê duyệt có đến 16 dự án xin điều chỉnh và bổ sung quy hoạch...
Có thể điểm qua một số dự án mới xin điều chỉnh quy hoạch gần đây, như: Dự án chung cư An Trung 2, P. An Hải Tây, khối nhà A được phép nâng thêm 6 tầng từ 12 tầng lên 18 tầng, khối nhà B được tăng thêm 3 tầng từ 12 lên 15 tầng. Do đó, chủ đầu tư vô tình có thêm 181 căn hộ chung cư. Nếu lấy 181 căn (mỗi căn có diện tích từ 50m2), giá bán 8,5 triệu đồng/m2, thì số tiền mà chủ đầu tư thu được không phải là nhỏ! Tương tự dự án Khu phức hợp Trung tâm Thương mại và căn hộ Golden Square được điều chỉnh khối nhà chung cư 36 tầng sang hình thức condotel, đồng thời cho tăng thêm 2 tầng kỹ thuật; Khối khách sạn 27 tầng, điều chỉnh tăng số phòng ngủ từ 277 phòng lên 353 phòng và tăng thêm 2 tầng kỹ thuật; Khối căn hộ 21 tầng (trước đây tầng 6 và tầng 7 bố trí văn phòng, tầng 8 đến tầng 21 bố trí căn hộ) nay được phép sử dụng luôn tầng 6 và 7 để bố trí căn hộ và tăng thêm 2 tầng kỹ thuật; Dự án xây dựng công trình Thương mại dịch vụ HH1, HH2 phía Đông đường Trần Hưng Đạo diện tích 7.547m2 được điều chỉnh thành các lô đất có mục đích sử dụng đất là đất ở để xây dựng khách sạn và condotel...
Đặc biệt, nhiều dự án nằm ở vị trí đắc địa có giá thị trường từ 40 – 100 triệu đồng/m2, trước đây được phê duyệt dự án thương mại, dịch vụ, hoặc đất công cộng thì nay được điều chỉnh phân lô bán nền. Cụ thể, dự án khu “đất kim cương” cảng Sông Thu (cũ) của Công ty 319 và Hoàng Anh Gia Lai dọc đường 2-9 trước đây được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ nhưng được thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch nay trở đất phân lô bán nền với giá từ 70- 100 triệu đồng/m2. Trước đó, dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước trước đây được phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị phức hợp gồm khách sạn, văn phòng, resort, sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, bến cảng, du thuyền, trung tâm hội nghị quốc gia, tòa nhà văn phòng cao cấp 60 tầng, các trung tâm thương mại, villa cao cấp và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ, nhưng nay đã điều chỉnh gần 100% dự án mà chủ yếu là chia lô.
Hay mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đồng ý cho phép “xé nhỏ” dự án “đất vàng” Khu phức hợp chung cư và thương mại Kreves (tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, gồm khu vực sân tập golf ngoài trời, Thư viện tổng hợp thành phố và khu đất dự án Kreves Halla) có diện tích 88.167m2 được phân lô bán nền...
“Đất vàng” Khu phức hợp chung cư và thương mại Đông Nam Tượng đài nay được chia lô. Trong ảnh: Công trình tại sân tập golf nằm ở khu vực trên đang phá bỏ để chuẩn bị phân lô. |
Tránh chạy theo chủ đầu tư!
Việc chủ đầu tư “chạy đua” xin điều chỉnh quy hoạch không những làm thay đổi quy hoạch chung đã được phê duyệt ban đầu mà còn tốn rất nhiều công sức thời gian để thẩm định lại dự án. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đã mua sản phẩm của dự án. Điểm đáng chú ý, đa số các dự án xin điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch đều được lãnh đạo thành phố đồng ý.
Lý giải vì sao các dự án ồ ạt xin điều chỉnh quy hoạch, đại diện Sở Xây dựng cho biết: "Các dự án đã phê duyệt quy hoạch nhưng khi triển khai thực tế còn nhiều bất cập hoặc vì lợi ích của chủ đầu tư họ xin điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, một dự án xin điều chỉnh quy hoạch phải tốn khá nhiều thời gian thẩm định các chi tiết xin điều chỉnh rồi thông qua các cuộc họp có lãnh đạo thành phố xin chủ trương. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch buộc chúng tôi phải chạy theo họ!".
Trước thực trạng hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn thành phố, mới đây Sở Xây dựng có Công văn số 12980/SXD-QLQH nêu rõ, các dự án của trên địa bàn thành phố theo quy hoạch ban đầu là cơ bản đảm bảo diện tích đất cây xanh – thể dục thể thao, đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội (như trường học, y tế, siêu thị,...), đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, vừa để tối ưu hóa lợi ích vừa phù hợp với thực tế dự án các chủ đầu tư đã liên tục xin điều chỉnh quy hoạch nên qua các lần điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án, phần diện tích đất dự kiến xây dựng các công trình nêu trên giảm, không đảm bảo phục vụ nhân dân tại dự án và khu dân cư lân cận. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề nghị lãnh đạo thành phố thống nhất nguyên tắc việc điều chỉnh quy hoạch sau phải đảm bảo chất lượng bằng hoặc cao hơn quy hoạch trước điều chỉnh, trên cơ sở không giảm diện tích đất cây xanh – thể dục thể thao, đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội (như trường học, y tế,...); không thu hẹp các tuyến đường giao thông (như lòng đường, vỉa hè và dải phân cách) và ghi số lần điều chỉnh quy hoạch vào Quyết định phê duyệt...
Rõ ràng những dự án đã phê duyệt quy hoạch nhưng chưa hợp lý, chưa đảm bảo các tiêu chí cây xanh, đất giao thông, trường học thì cần thiết phải điều chỉnh nhưng không thể đi ngược lại chạy theo lợi ích của chủ đầu tư “cắt xén” diện tích công viên, trường học để xin điều chỉnh quy hoạch như trong thời gian qua.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Căn hộ tầm trung sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nửa cuối năm
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng