Phát biểu tại phiên chất vấn chiều 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho nên cần phải có sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Thành phố.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu cụ thể hơn về quy hoạch bán đảo Sơn Trà. |
Phó Thủ tướng đã trực tiếp trả lời, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm trong thời gian qua.
Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa được triển khai trên thực tế
Phó Thủ tướng cho biết việc lập Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà căn cứ vào Luật Du lịch. Cụ thể, Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch phát triển cả nước, trong đó có danh mục các đô thị du lịch, các khu du lịch quốc gia.
Theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng, địa phương được công nhận là khu đô thị du lịch, và có hai khu du lịch quốc gia là Bà Nà và Sơn Trà.
Luật Du lịch cũng quy định các khu du lịch quốc gia phải có diện tích từ 1.000 ha trở lên, phải đón được 1 triệu khách du lịch/năm, phải có cơ sở lưu trú. Quy hoạch khu du lịch quốc gia thì phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được xây dựng từ cuối năm 2013 và đến năm 2016 được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó quy hoạch phải được công bố theo quy định của Luật Du lịch trước khi thực hiện.
“Sau khi UBND TP. Đà Nẵng tổ chức công bố quy hoạch ngày 15/2/2017 đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản Bộ VHTT&DL, UBND TP. Đà Nẵng phải xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách rất cầu thị, khoa học và công khai”, Phó Thủ tướng nói và cho biết đã trực tiếp đi nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, đang xây dựng và những gì cần phải bảo tồn ở bán đảo Sơn Trà.
Phó Thủ tướng đã dành thời gian đọc tài liệu, hồ sơ về quy hoạch, trao đổi với kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án quy hoạch và quyết định để việc tiếp thu ý kiến về quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thật sự khách quan thì tạm dừng thực hiện quy hoạch này, thực chất là chưa triển khai, cho tới khi các bên xong việc tiếp thu ý kiến.
“Có nghĩa là trên thực tế hiện nay quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa hề được triển khai. Đây là một điểm rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các dự án ở Sơn Trà thuộc quản lý và xử lý của UBND TP. Đà Nẵng
Về các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng cho biết trước năm 2013, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án về du lịch, trong đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú.
“Một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là số phòng lưu trú thì chính xác số phòng của 11 dự án du lịch do UBND TP. Đà Nẵng cấp phép là 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự. Nếu mỗi căn biệt thự có 2 phòng thì sẽ có 5.240 phòng, nếu mỗi căn biệt thự có 3 phòng thì sẽ có 7.160 phòng. Và vì như vậy thì dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa hay bất kỳ dự án nào khác trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép và nếu có vấn đề vi phạm thì đều phải được quản lý và xử lý bởi UBND TP. Đà Nẵng. Điều này rất rõ ràng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về con số 1.600 phòng được nêu trong quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết quy hoạch khu du lịch Sơn Trà được thực hiện và được cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn đưa ra rất nhiều giải pháp để bảo đảm phát triển đi đôi với bảo tồn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Tôi đã gặp trực tiếp các nhà chuyên môn, con số 1.600 phòng không phải là ý chí hành chính, không phải dựa vào từ 5.000 phòng giảm xuống 1.600 phòng mà kiến trúc sư trưởng, những người thực hiện đồ án quy hoạch đã tính toán trên các công thức mô hình chuyên ngành du lịch”, Phó Thủ tướng cho biết và thông tin thêm số phòng được tính ra là từ 1.600-3.200 phòng. Hội đồng của Bộ VHTT&DL cuối cùng đã ấn định lấy ngưỡng thấp, ưu tiên hơn cho bảo tồn là 1.600 phòng và quy hoạch đến năm 2030.
Phát triển Sơn Trà trước hết phục vụ cho phát triển Đà Nẵng
Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi là ngay sau khi thu hoạch được công bố đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng làm việc và có ý kiến chính thức. Ngày 29/5 UBND TP. Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và nói rõ là Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Mặc dù như vậy nhưng Phó Thủ tướng vẫn có văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục rà soát các dự án, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về hướng, quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững.
Theo Phó Thủ tướng có hai vấn đề cần phải rất thống nhất. Thứ nhất, về nguyên tắc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn quán triệt từ đầu là phát triển phải bền vững. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phục vụ phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững. Và khi các yếu tố bền vững còn chưa được bảo đảm thì tốt nhất để lui lại đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.
“Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại. Thực tế trên thế giới có rất nhiều khu du lịch, kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên có động vật hoang dã cũng vẫn phát triển du lịch và thu hút rất tốt do nhờ bảo tồn tốt thì đấy là tài nguyên du lịch”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ hai là thực tế, khu du lịch Sơn Trà có đóng góp chưa đáng kể nên không ảnh hưởng lớn đến du lịch cả nước. Và vì phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho nên cần phải có sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.
“Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng nên chúng tôi yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phải làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bàn tất cả các khía cạnh của vấn đề để đi đến một sự đồng thuận nhằm có một quy hoạch tốt để phát triển Sơn Trà.
Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nếu Đà Nẵng sau khi ra soát lại tất cả các dự án, làm việc với các nhà đầu tư, làm việc với Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống mức nào Chính phủ cũng sẽ đồng ý miễn là dưới mức 1.600 phòng như trong quy hoạch. Và nếu Đà Nẵng thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Chính phủ cũng đồng tình. Và cao hơn nữa nếu Đà Nẵng và Hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa nên phát triển du lịch, xin rút khỏi danh mục các khu du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý. "Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Có phải quy hoạch sau cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước?
"Có đại biểu đặt câu hỏi có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch liên quan đến Sơn Trà, các quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước hay không? Nếu vậy thì nguy hiểm quá!", Phó Thủ tướng nói và giải thích thực tế là tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 3.871 ha.
Sau đó đến tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước, trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà là 2.591,1 ha.
Tới tháng 11/2016 Thủ tướng Chính phủ quy hoạch khu du lịch Sơn Trà với diện tích 1.056 ha và con số này không phải do quy định của Luật Du lịch mà đã được xác định trong bản đồ quy hoạch phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do Bộ Xây dựng chủ trì, thẩm định.
Ba con số này là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một là diện tích khu bảo tồn, một là diện tích rừng đặc dụng, và một là diện tích phạm vi quy hoạch khu du lịch quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh một lần nữa "không phải Chính phủ cứ phê duyệt cái sau là cắt đi 1.000 ha so với cái trước".
Phó Thủ tướng thông tin thêm, ngay trên diện tích 1.056 ha theo quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà cũng vẫn có rừng đặc dụng và nếu xây tới ngưỡng 1.600 phòng thì diện tích để xây dựng chỉ khoảng vài chục ha.
Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta cần hiểu cho đúng. Nếu không nhân dân nhìn vào sẽ không hiểu tại sao Chính phủ một mặt thì nói không đánh đổi môi trường, một mặt thì cứ quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước. Cách hiểu này hoàn toàn không đúng. Đây là các khái niệm khác nhau chứ không phải như vậy.
Tôi rất muốn báo cáo với Quốc hội để cử tri yên lòng rằng những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị kỹ càng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dù còn có những điểm chúng ta cần cầu thị tiếp thu, nhưng căn bản là cả hệ thống đã làm rất trách nhiệm chứ không phải qua loa, ẩu như một số lời suy đoán”.
Theo Chinhphu.vn
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng