Hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hay hợp đồng vay vốn là những loại hợp đồng thường được các chủ đầu tư bất động sản sử dụng để lách luật bán nhà khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Sau gần 5 năm vắng bóng, các hợp đồng kiểu này lại một lần nữa xuất hiện.
Người mua nhà cần hết sức thận trọng với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Ảnh: Đức Thanh
Gom góp được một chút ít vốn liếng sau vài năm bôn ba tại Hà Nội, anh L.Đ.C (quê Thanh Hóa) chưa bao giờ nghĩ rằng khi đã có tiền, mà việc mua nhà lại vất vả thế. Sau khi ngắm nghía đủ kiểu, lựa chọn được một dự án vừa túi tiền tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, anh được nhân viên môi giới đưa về văn phòng để làm thủ tục mua bán căn hộ.
Ngay tại văn phòng, anh C. và sàn phân phối này đã ký một văn bản thỏa thuận giao nhận tiền với giá trị là 50 triệu đồng. Anh C. cho biết, vì vội vàng không xem kỹ, lại có việc ở cơ quan, nên anh đã nộp ngay 5 triệu đồng và cầm thỏa thuận giao nhận tiền về, đồng thời sẽ quay trở lại nộp nốt 45 triệu đồng để làm thủ tục đặt cọc.
Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục đóng tiền nốt hơn 45 triệu đồng, anh mới phát hiện ra trên thỏa thuận giao nhận tiền không hề ghi là giao nhận tiền để làm thủ tục đặt cọc, mà lại là "nộp tiền cho chủ đầu tư để nhận quyền mua (khi dự án đủ điều kiện) bán.
Ngoài ra, trong văn bản thỏa thuận này cũng ghi rõ là hình thức hợp đồng là khách hàng sẽ ký kết hợp đồng vay vốn trực tiếp với chủ đầu tư.
Đặt ra thắc mắc tại sao lại là hợp đồng vay vốn, tại sao không có dấu tròn…, thì anh C. được nhân viên kinh doanh giải thích là: “Thủ tục hành chính thôi, khi đóng 30% sẽ có hợp đồng mua bán và sẽ là ký trực tiếp với chủ đầu tư”.
Chính vì sự tư vấn không rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm, nên anh C. đã đồng ý ký thỏa thuận giao nhận tiền. Tuy nhiên, sau khi ký kết, anh C. liên hệ với rất nhiều ngân hàng để vay, thì không được bất kỳ ngân hàng nào chấp nhận hợp đồng vay vốn. Anh C. đã liên hệ với nhân viên kinh doanh để xin rút lại tiền đặt cọc, nhưng bị sàn môi giới này thẳng thừng từ chối.
Bức xúc trước thái độ của sàn môi giới, anh C. đã thuê luật sư làm đơn kiến nghị gửi tới nhiều báo đài và các cơ quan ban ngành có liên quan. Sau gần 6 tháng đấu tranh, sàn phân phối này mới đồng ý hoàn trả lại số tiền cho anh C.
Câu chuyện của anh C. không phải là trường hợp duy nhất. Trên thực tế, đây là câu chuyện diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đường dây nóng của Báo Đầu tư Bất động sản đã nhận được hàng chục đơn thư phản ánh của khách mua hàng, nhưng do tâm lý sợ gây sức ép sẽ “tiền mất, tật mang", nên sau khi làm việc với sàn phân phối, các khách hàng này từ chối, không tiếp tục phản ánh nữa.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, hợp đồng vay vốn là một hình thức từng xuất hiện trên thị trường bất động sản cách đây 10 năm.
Vào thời điểm sốt nóng, do bất động sản quá hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường, phần vì quy mô vốn nhỏ, không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, lại chưa đủ điều kiện mở bán, nên doanh nghiệp nghĩ ra hình thức này để huy động vốn chui, lôi kéo khách hàng qua các dạng giao dịch là hợp đồng vay vốn, hợp đồng hợp tác, có lãi suất, kèm ưu đãi mua căn hộ …
Bằng những dạng hợp đồng này, chủ đầu tư đã huy động được nguồn vốn từ nhiều khách hàng và toàn bộ số tiền cho vay sẽ được chủ đầu tư chuyển vào tiền thanh toán giá trị của căn hộ khi ký hợp đồng mua.
Với sự trầm lắng của thị trường, cùng với những rủi ro mà nhiều người đã phải gánh chịu, hình thức này tưởng như đã bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, hiện nay, các hợp đồng đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ để mua căn hộ chung cư, đất nền đang được nhiều chủ đầu tư sử dụng lại.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để đảm bảo quyền lợi cho mình, các khách hàng trước khi đặt bút ký những hợp đồng nên tìm hiểu kỹ những thông tin về hồ sơ pháp lý dự án, quyền sử dụng đất, điều kiện mở bán, căn hộ chung cư mà mình định mua và hình thức hợp đồng sẽ ký phải phù hợp quy định pháp luật.
Tốt nhất, khách hàng chỉ nên ký hợp đồng mua bán khi có thông báo của Sở Xây dựng, có bảo lãnh của ngân hàng để trách rủi ro và bảo toàn số tiền cả đời của mình.
Các bản tin khác
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại dự án Khu dân cư Bàu Mạc