Dự án Công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được quy hoạch năm 2009 với diện tích hơn 110ha và hơn 1.500 hồ sơ giải tỏa. Do thiếu nguồn vốn thực hiện nên đến nay còn khoảng 700 hồ sơ nhà, đất ở và 100 hồ sơ đất nông nghiệp chưa giải tỏa, làm người dân bức xúc.
UBND quận Ngũ Hành Sơn đang đẩy nhanh tiến độ giải tỏa khu vực xung quanh núi Thủy Sơn, phấn đấu hoàn thành trước Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. |
Hơn 5 năm qua, để từng bước hình thành Khu công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn, thành phố và đơn vị chức năng đã triển khai giải tỏa, thi công nhiều trục đường giao thông, công trình như các đường Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Non Nước, Nguyễn Duy Trinh, trục cảnh quan phía bắc khu du lịch Sao Việt, đường Chương Dương...
Qua đó, đã thực hiện đền bù, giải tỏa khoảng 700 hồ sơ nhà, đất ở và đất nông nghiệp. Còn lại 700 hồ sơ nhà, đất ở và 100 hồ sơ đất nông nghiệp chưa giải tỏa. Đặc biệt, hàng chục hộ dân ở khu dân cư số 1 (tổ 4, phường Hòa Hải) bị thu hồi đất tổng diện tích đất quy hoạch từ lâu, kiến nghị được giải tỏa sớm vì khu vực thấp trũng, bị ngập úng vào mùa mưa và nhiều nhà cửa tạm bợ, chật chội…
Trước bức xúc của người dân các khu vực quy hoạch và khó khăn về nguồn vốn thực hiện giải tỏa, triển khai đầu tư dự án, thành phố đã có chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng để lại các khu vực đông dân cư, phân kỳ thực hiện trước các khu vực bức xúc để kêu gọi đầu tư...
Ngày 26-7-2016, UBND thành phố phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn với tổng diện tích 117,8ha. Đến tháng 9-2016, thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành rà soát khu vực đông dân cư đã sinh sống ổn định để đề xuất, điều chỉnh quy hoạch và phân kỳ đền bù giải tỏa, qua đó xác định ranh giới, quy mô để kêu gọi đầu tư phù hợp. Ngày 10-12-2016, UBND thành phố phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)...
Tuy nhiên, tại cuộc họp về quy hoạch - kiến trúc trên địa bàn thành phố ngày 1-3-2017, lãnh đạo thành phố quyết định giữ nguyên quy hoạch và phân kỳ giải tỏa để làm cơ sở kêu gọi đầu tư; đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, đơn vị liên quan và UBND quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, rà soát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể toàn dự án, đề xuất hình thức kêu gọi đầu tư phù hợp.
Được biết, năm 2016, UBND thành phố tiếp tục bố trí 20 tỷ đồng kinh phí đền bù giải tỏa, chủ yếu là giải tỏa khu vực công viên và nhà giao lưu hữu nghị Việt - Nhật, khu vực xung quanh ngọn Thủy Sơn. Tuy nhiên, theo UBND phường Hòa Hải, đến nay, khu vực công viên và nhà giao lưu hữu nghị Việt - Nhật vẫn chưa được giải tỏa. Quận đang triển khai giải tỏa khu vực phía bắc ngọn Thủy Sơn với quyết tâm hoàn thành trước khi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Phường chưa nhận được văn bản phân kỳ tiến độ giải tỏa cụ thể khu vực nào để thông báo cho nhân dân biết và vận động nhân dân thực hiện.
Đầu tháng 6-2017, trả lời ý kiến cử tri quận Ngũ Hành Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Dự án Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn được đầu tư xây dựng công viên văn hóa, lịch sử, cội nguồn, tâm linh nhằm hoàn thiện chức năng của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung. Hiện trạng khu vực dự án có rất đông dân cư sinh sống.
Ngoài ra, khu vực này là điểm tham quan du lịch, tổ chức các hoạt động lễ hội của thành phố. Do đó, việc triển khai dự án cần xem xét tính toán một số vấn đề như: hoàn thành sớm công tác giải tỏa đền bù, an sinh cho nhân dân trong khu vực dự án, thời gian hoàn thành các dự án, vấn đề khai thác phục vụ du lịch trong quá trình đầu tư cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử vốn có của khu danh thắng, bảo đảm phù hợp với Luật Di sản văn hóa... Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án, trình phê duyệt để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự án.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?