Sông Cổ Cò thưở xưa vốn là đường thủy huyết mạch nối từ cửa Hàn đến sông Thu Bồn qua phố cổ Hội An. Con sông được ví như tuyến đường giao thương tấp nập gắn liền với sự phồn thịnh của hai địa danh này. Tròn 20 năm, cũng là quãng thời gian để thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hình thành sự liên kết trong hợp tác phát triển qua việc khơi thông tuyến sông Cổ Cò vốn bị bồi lắng với nhiều trầm tích lịch sử. Con sông của lòng thủy chung “tuy hai mà một” hứa hẹn sự bứt phá mới để hình thành vóc dáng mới…
Phố mới ven sông Cổ Cò. Trong ảnh: Khu đô thị sinh thái FPT khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam được đầu tư xây dựng.
Thông thủy “dòng sông di sản”
Lúc sinh thời, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh dành nhiều tâm huyết để thực hiện chủ trương khơi thông sông Cổ Cò, kết nối Đà Nẵng - Hội An để hướng đến đa mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2003, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động với việc khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam thống nhất chủ trương khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, hai địa phương đã thực hiện nhiều cuộc họp để giải quyết các vấn đề phát sinh về địa giới hành chính, khớp nối quy hoạch, lập quy hoạch đầu tư phát triển…
Năm 2012, tại Hội An, chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại quyết tâm xúc tiến dự án khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, đã thống nhất ranh giới, cắm mốc thực địa và chọn nhà đầu tư tham gia các hạng mục nạo vét. Cụ thể, quy hoạch sẽ được thực hiện theo hướng bám sát hiện trạng, chiều rộng dòng sông đoạn hẹp nhất 90m, rộng nhất 160m. Tháng 3-2013, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến 625 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm (2013-2015), chia thành 3 hợp phần đầu tư, bao gồm các hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng, nạo vét, khơi thông, xây dựng các công trình trên tuyến và bảo đảm giao thông đường thủy, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương, nhất là khai thác du lịch, dịch vụ. Tuy vậy, đến nay, việc nạo vét sông Cổ Cò trên địa bàn phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn kéo dài.
Gần 14 năm qua, chuyện thông thủy đối với sông Cổ Cò vẫn còn nhiều ách tắc. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thi công dự án khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, 9km đoạn sông phía Đà Nẵng đã được khơi thông một phần nên con nước không bị tắc ở đoạn này. Nhưng càng về phía Quảng Nam, con sông Cổ Cò lại phủ đầy bèo và bị bồi lấp nghiêm trọng nên không thể triển khai tuyến du lịch thủy nội địa trên sông. Theo quan sát, trên khoảng chiều dài hơn 19km đoạn qua Quảng Nam (trong tổng số 27km chiều dài của sông), ngoại trừ đoạn sông thuộc địa phận Hội An tương đối sâu rộng, khu vực Điện Bàn hầu hết đã bị bồi lấp.
Và rồi, tin vui đến khi ngày 19-5-2017, tại thành phố Hội An diễn ra cuộc họp bàn công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Ông Trần Đình Quang, Phó Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai - Kỳ Hà (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, Thường vụ Quốc hội vừa thông qua danh mục cho dự án này. Theo đó, Trung ương sẽ hỗ trợ 425 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng chống biến đổi khí hậu, 425 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam. Dự án nạo vét sông Cổ Cò sẽ được thực hiện trong thời gian tới trên chiều dài 14km. Trong đó, chiều dài qua địa bàn thành phố Hội An 9,5km, 4,5km còn lại đi qua thị xã Điện Bàn. Dự án cũng triển khai 7 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò.
Phát triển hàng chục dự án đô thị sinh thái
Nếu Đà Nẵng tự hào có dòng sông Hàn thì hai địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam cũng đang nắm trong tay một dòng sông di sản. Sự kết nối hạ tầng đô thị về phía nam của Đà Nẵng đưa dòng sông Cổ Cò trở thành điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc và đẩy mạnh phát triển đô thị, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng, tạo ra những khu đô thị sinh thái thiên nhiên ven sông. Vừa qua, tại lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, hàng vạn du khách đã đổ về đây trẩy hội. Con sông Cổ Cò hiền hòa, thơ mộng uốn lượn bao quanh tạo nên một cảnh quan non nước hữu tình. Nhiều hoạt động sôi nổi như đua thuyền đoạt lệnh, tái hiện cảnh tướng Trần Khắc Chung cứu Huyền Trân công chúa… được tổ chức trên sông Cổ Cò gây ấn tượng với du khách.
Với những lợi thế của vùng đất này và xu hướng sống hòa hợp thiên nhiên của giới trẻ hiện nay, hàng loạt dự án sinh thái và khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp bên bờ Cổ Cò đang được chủ đầu tư phát triển. Khởi đầu là dự án Khu đô thị sinh thái làng quê Cổ Cò (Tập đoàn Sun Group) triển khai. Tiếp đó là khu đô thị Phú Mỹ An. Gần đây, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung và Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án khu đô thị Green City ven sông Cổ Cò thuộc khu vực ranh giới Đà Nẵng - Quảng Nam. Khu đô thị Green City có diện tích quy hoạch 15,1ha, được thiết kế bởi phong cách dự án đô thị theo hình mẫu Singapore với tổng vốn 180 tỷ đồng thi công hạ tầng. Dự án được hoàn thiện với 500 nền đất ở. Các công trình phụ trợ như nhà hàng, siêu thị, khách sạn cũng được đầu tư để hình thành khu đô thị mới. Đi cùng với Green City có thêm dự án Coco Riverside City cũng triển khai ven sông Cổ Cò thuộc khu vực Quảng Nam. Về phía đoạn tuyến sông Cổ Cò tại Đà Nẵng cũng đã hình thành khu đô thị và tổ hợp văn phòng công nghệ cao FPT City Đà Nẵng. Ở phía đông giáp dòng sông Cổ Cò uốn lượn có thêm 2 sân golf Tổ hợp du lịch giải trí hàng đầu Đông Nam Á - Coco Bay. Hiện trên toàn tuyến sông Cổ Cò phát triển hàng chục dự án đô thị sinh thái. Theo đó, phố mới ven sông Cổ Cò đang dần hình thành cùng với sự đầu tư khơi thông dòng sông đang dần thành hiện thực.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng - Quảng Nam (cụ thể là Đà Nẵng - Hội An) được xác định là địa bàn trọng điểm của du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Kết nối giữa 2 địa danh nổi tiếng này là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, tạo cơ hội cho sự ra đời những sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ của Quảng Nam, Đà Nẵng mà của cả miền Trung. Việc khơi thông sông Cổ Cò với mục tiêu mở ra những cơ hội phát triển du lịch, khơi thông cả một dòng chảy lịch sử - văn hóa của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng gắn với bao thăng trầm cùng mảnh đất này. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Bất động sản 2018: Nhà ở tiếp tục là tâm điểm
- Tín dụng siết chặt, lối ra nào cho doanh nghiệp địa ốc?
- Cuộc đua "xanh" của các chủ đầu tư địa ốc
- Triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng năm 2018 trong mắt chuyên gia
- Tỷ USD vốn ngoại chờ đổ vào bất động sản Việt Nam
- Cũng là lễ hội hoa, nhưng Bà Nà đã làm thế này mới ra chất
- Cuối năm, cùng dọn dẹp nhà cửa để đón vượng khí, cho năm mới phát tài phát lộc
- Lăng Cô và Hội An sẽ trở thành thị trường cạnh tranh tương hỗ với BĐS Đà Nẵng trong tương lai gần
- “Làn sóng” nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đổ bộ Đà Nẵng
- Sun World Ba Na Hills được Sở Du lịch Đà Nẵng vinh danh
- Cần khung pháp lý cho condotel
- Nguồn vốn tín dụng địa ốc đang hướng tới sức cầu
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ
- Đà Nẵng vào top 10 nơi đáng sống trên thế giới
- Nhiều nơi đã cấp phép xây dựng condotel theo hình thức căn hộ lưu trú
- Tâm Villa: Điểm nhấn kiến trúc nghỉ dưỡng ấn tượng tại Golden Hills
- Đón “mùa vàng” M&A bất động sản
- Đà Nẵng "thay áo mới" đón Tết
- Bất động sản chiếm vị trí thứ 3 trong dòng vốn đầu tư ngoại
- Kết nối đường giao thông với các khu đô thị, cao ốc