- Nhà cổ là những công trình có tuổi đời trăm năm, ngàn năm, có lối thiết kế riêng biệt và điển hình theo nền văn hóa, phong tục thời đó. Chơi nhà cổ không chỉ là thú chơi đơn thuần, mà còn là gìn giữ văn hóa. Mốt chơi nhà cổ đang trở thành trào lưu của không ít người.
Thú chơi thượng lưu
Hiện nay, không ít đại gia chứng tỏ sự giàu có không phải bằng những căn biệt thự vườn kiểu Tây, kiểu Tàu mà là những căn nhà theo lối kiến trúc cổ.
Hẳn nhiên, một căn nhà được xây cất theo kiến trúc cổ thì kết cấu từ cột, kèo, mái,... đều bằng vật liệu gỗ, gạch và ngói được xếp vào hàng quý hiếm.
Một ngôi nhà với kiến trúc cổ kính. |
Ông Đào Văn Mạnh (Trấn Yên, Yên Bái) làm nghề thiết kế và xây dựng nhà gỗ truyền thống, cho biết, giới chơi nhà thường chia ra làm ba loại: nhà kẻ truyền Bắc Bộ, nhà rường Huế, nhà cổ Nam Bộ.
Ở một số tỉnh phía Bắc có thêm nhà sàn theo kiến trúc của người Thái song có cách điệu nhất định. Mỗi kiểu nhà tượng trưng nét văn hóa, kiến trúc riêng. Trong đó, nhà kẻ truyền Bắc Bộ được ưa chuộng và phổ biến hơn cả, đặc biệt là ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định,... Theo ông Mạnh, việc thiết kế, xây dựng nhà giả cổ khó hơn nhiều so với các ngôi nhà theo lối hiện đại.
Nội thất trong căn nhà truyền thống cũng được làm công phu, đắt đỏ, tạo nên sự hài hòa, ấn tượng. |
Theo một tay buôn nhà cổ nổi tiếng, để sở hữu một căn nhà cổ với ngói âm dương, cột kèo, gian nhà kiểu nhà Bắc bộ xưa, người chủ phải bỏ ra không dưới 10 tỷ đồng.
Đại gia 'rước' nhà cổ về chơi
Không sắm siêu xe, không sắm trực thăng, đại gia Phạm Văn Nhân (SN 1964, ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) bỏ hàng trăm tỷ lùng mua nhà cổ, phục dựng nhằm thỏa mãn niềm đam mê.
Một khu nhà cổ thuần Việt được ông Nhân phục dựng |
Ông Nhân vốn xuất thân từ nông dân. 16 tuổi, ông đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Tình yêu với đồ cổ đến một cách tự nhiên khi một lần nhặt được bộ chân nến gỗ cổ ngoài đường.
Thời điểm đó, thú chơi đồ cổ còn lạ lắm. Tò mò tìm kiếm thông tin, ông Nhân bị hút hồn vào thú chơi này lúc nào không biết. Công việc làm ăn đòi hỏi phải đi khắp nơi, ông Nhân luôn để ý, ghi lại địa chỉ những ngôi nhà cổ từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,...
Năm 2008, ông Nhân mua những ngôi nhà cổ, đình làng, tập kết quanh nơi mình ở, tạo nên một quần thể độc đáo. Đến nay, ông đã phục dựng thành công bảy ngôi nhà cổ (mỗi khu trị giá hàng chục tỷ đồng).
Thú chơi nhà cổ của lão nông gàn làng Cự Đà
Nhà lầu, xe hơi, đó là mơ ước của nhiều người. Vậy mà lão nông Vũ Văn Tuấn (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) khi có trong tay tiền tỷ lại chẳng màng điều đó. Dồn hết số tiền có được, ông chi vào việc xây nhà kiểu cổ. Nhiều người bảo ông gàn khi mà bao người ở đây đã phá nhà cổ để xây nhà cao tầng.
Ông Vũ Văn Tuấn trước căn nhà cổ. |
Khi có đủ tiền, ông quyết định làm nhà bằng gỗ mít. Để kiếm được những cây mít to, ông phải nhờ những người thợ chuyên về gỗ rồi đặt thương lái để họ kiếm cho mình. Có những cây họ phải vào tận miền Nam, sang tận Lào, Campuchia để đặt mua.
Ông Tuấn không tiết lộ về số tiền để làm được ngôi nhà cổ độc đáo này, nhưng nhìn căn nhà, nhiều người thán phục và cũng mong ước có một ngôi nhà như vậy.
Từ thợ mộc tay trắng, có nhà cổ triệu đô
Hơn 16 năm kể từ ngày bỏ công sở về làm thợ mộc, tỷ phú Lê Văn Tăng (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không ngờ sự liều lĩnh của mình đã cứu hàng nghìn ngôi nhà cổ trước nguy cơ bị xóa sổ trong cuộc “cách mạng” bê tông hóa làng quê. Ông còn sưu tầm, phục dựng làm vốn cho riêng mình hàng chục ngôi nhà cổ, với giá hàng chục triệu USD.
Ông Tăng bên thiết kế phối cảnh nhà hình nơm cao 6 tầng và 4 tầng |
Nhớ lại những năm 1997, nhiều ngôi nhà cổ ở vùng thôn quê bị phá bỏ vì không đủ tiền và không có thợ trùng tu. Bởi, trùng tu 1 ngôi nhà cổ tốn gấp 5-6 lần xây nhà mới bằng bê tông.
Nhìn những ngôi nhà cổ với những đường chạm trổ tinh vi bị tháo dỡ chất đống hư hỏng vì mưa nắng, ông quyết định mượn 2 triệu đồng - tương đương với 1 cây vàng lúc đó - về làm vốn mua nhà cổ đổ nát, sau đó phục dựng như hiện nay.
Nhà cổ 650 tỷ của đại gia Đà Nẵng
Khu nhà cổ của đại gia Lê Bá Huy |
Nhiều người khi đến Đà Nẵng không khỏi choáng ngợp trước một không gian xưa cũ với nhà cổ, cây đa, giếng nước, chợ quê... trên đường Điện Biên Phủ. 10 ngôi nhà cổ có tuổi từ 100-200 năm, giá mỗi căn 4 tỷ đồng. Chủ nhân của khu nhà cổ này là ông Lê Bá Huy.
Xây dựng khu nhà này là cả một quá trình kỳ công. Để có được mảnh đất rộng hơn 5.000 m2, vợ chồng ông đã phải năn nỉ 10 chủ đất sang nhượng.
Những vật dụng này đều có hàng trăm năm tuổi và vô giá. |
Riêng thời gian xây dựng khu nhà vườn này kéo dài gần 4 năm, từ tháng 7/2008 và hoàn thành ngày 30/4/2011, bằng xây một resort hay khách sạn 5 sao. Số tiền đầu tư là gần 500 tỷ đồng, nếu tính cả tiền đất là, tổng số tiền đại gia Huy bỏ ra lên tới 650 tỷ đồng.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)
Các bản tin khác
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Tương lai rộng mở
- Những mảnh ghép trên thị trường bất động sản năm 2018
- Bứt phá trong năm mới
- Chuyên gia phong thủy dự báo về bất động sản năm 2019
- Premier Village Danang Resort đứng đầu trong top Khu nghỉ dưỡng tốt nhất Châu Á dành cho gia đình
- Đà Nẵng: Khởi công tòa tháp thứ 2 trong cụm tháp đôi 1.800 tỷ đồng
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Nhà phố thương mại, phân khúc bất động sản đáng chú ý 2019
- Năm xu hướng định hình thị trường bất động sản năm 2019
- Những điểm đến Việt Nam khiến thế giới nể phục
- Pháp lý condotel không còn là trở ngại với nhà đầu tư
- Giao dịch bất động sản sẽ ra sao trong thế giới "không tiền mặt"?
- Giá đất một số khu khu tái định cư ở quận Ngũ Hành Sơn
- Phát triển du lịch thông minh: Cần sự đột biến
- Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
- Đưa 324 căn hộ nhà ở xã hội vào sử dụng
- Khu đô thị phức hợp: Xu thế thời thượng nhưng phức tạp
- New York Times chọn Đà Nẵng là điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019
- Căn hộ diện tích nhỏ sẽ dẫn dắt bất động sản 2019
- Báo Mỹ bình chọn Đà Nẵng đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến 2019