Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) của nhiều công trình trên địa bàn Đà Nẵng đang rất chậm. Tính đến cuối tháng 6-2017, ước chi XDCB mới được 1.400 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch. Trong khi đó, đến hết tháng 5-2017, chỉ giải ngân được 965,044 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch năm. Đây là con số đáng suy ngẫm.
Thi công hệ thống thoát nước đường Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn), một trong những công trình chậm giải ngân.
Theo kế hoạch, vốn XDCB của năm 2017 trên địa bàn là 4.495,42 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu 370,720 tỷ đồng thì đến ngày 30-5-2017 chỉ mới giải ngân đạt 1,88% kế hoạch, vốn địa phương 3.924,7 tỷ đồng và giải ngân chỉ đạt 23,14% kế hoạch.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn XDCB 6 tháng còn thấp do công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, giá trị đền bù thực tế của các dự án thường cao hơn giá trị đền bù được phê duyệt dẫn đến không thể giải ngân kế hoạch vốn đã được giao nên làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án. Ngoài ra, nhiều công trình được bố trí kế hoạch vốn năm 2017 tương đối lớn, nhưng tiến độ chậm hoặc chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công; một số công trình mới được bố trí kế hoạch vốn đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công nên chưa có khối lượng để giải ngân. Bên cạnh đó, thời gian giao kế hoạch vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương còn chậm trễ, dẫn đến việc chậm giải ngân các dự án vốn Trung ương. Mặt khác, do thời gian nghỉ Tết âm lịch kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình, các đơn vị không có khối lượng để giải ngân…
Đến nay, có hàng chục công trình, dự án lớn được bố trí kế hoạch vốn năm 2017 nhưng tiến độ chậm hoặc chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công và chậm giải ngân hoặc chưa được giải ngân như: Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng; trụ sở bố trí cho các cơ sở y tế trong lĩnh vực dự phòng; Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt thành phố; Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu; Trường THPT Sơn Trà (giai đoạn 1); Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng; nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác bãi rác Khánh Sơn; nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải khu công nghiệp Hòa Khánh; Nhà làm việc các Ban quản lý và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; vệt 2 bên đường Võ Chí Công, khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao; sân vận động Hòa Xuân; nghĩa trang Hòa Ninh (giai đoạn 3); nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố; mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bàu Bàng; đê kè biển Liên Chiểu (đoạn từ Xuân Thiều đến Nam Ô); đê kè biển Liên Chiểu - Kim Liên (đoạn từ cầu Trắng đến cảng Nhà máy Xi-măng Hải Vân); đường Mai Đăng Chơn; Trung tâm Huấn luyện đào tạo vận động viên tại Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân (giai đoạn 1); nâng cấp cơ sở và trang thiết bị Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng; kè chống sạt lở khẩn cấp sông Cu Đê...
Thạc sĩ - kỹ sư Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt cho biết, có rất nhiều nguyên nhân tác động giải ngân chậm như phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công, thanh - quyết toán... kéo dài thời gian. Bên cạnh đó cũng phải kể đến năng lực tài chính, đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nhà thầu tuy có năng lực nhưng thực hiện nhiều công trình một lúc dẫn đến chậm tiến độ; các ngành, địa phương cũng chưa thật sự chủ động trong việc giải ngân vốn XDCB; còn buông lỏng, khoán trắng cho chủ đầu tư trong quản lý. Nhiều chủ đầu tư cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, đòi hỏi xử lý ngay các vướng mắc, nhất là đối với công tác GPMB; khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu nghiệm thu, thủ tục thanh toán vốn...
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tất cả công trình, dự án đều được thanh toán khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, không có sự chậm trễ trong thủ tục hành chính. Theo vị lãnh đạo sở này, nguồn vốn đã được duyệt từ đầu năm, nếu công trình hoàn thành, hoặc đạt khối lượng thi công đều được thanh toán ngay; thậm chí có công trình mới khởi công cũng đã được tạm ứng theo quy định của Bộ Tài chính.
Từ thực tế trên cho thấy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ thi công, gấp rút thực hiện giải ngân vốn. Bên cạnh đó, để hạn chế việc giải ngân chậm, cần có chế tài mạnh đối với các công trình, dự án có khối lượng nợ lớn nhưng không giải ngân...; đồng thời, ưu tiên thanh toán khối lượng đã thực hiện, sau đó mới thanh toán khối lượng phát sinh. Đối với các dự án hoàn thành, phải tập trung thanh toán để trả nợ và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Các bản tin khác
- Doanh nghiệp địa ốc vào cuộc đua đón chính sách mới
- Lấy ý kiến về Quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn
- Giá đất tái định cư tại một số khu dân cư trên địa bàn quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu
- Lưu ý gì khi Luật Nhà ở 2014 chờ nghị định, thông tư?
- Khách ngoại mua 112 căn hộ tại Việt Nam trong 120 phút
- Nấc thang mới của thị trường bất động sản
- Kiến trúc đời sống Thiết kế bể bơi mini
- Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020"
- Phải kiểm soát dòng tiền vào bất động sản
- Thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS thế nào khi chưa có nghị định?
- Cặp vợ chồng nước ngoài đầu tiên mua căn hộ ở City Garden
- Ngân hàng hoàn tiền cho khách mua nếu chủ đầu tư chậm giao nhà
- Không nên mở cửa hẹp
- Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất
- 1/7: Mua bán căn hộ ngưng trệ?
- TP HCM sắp có tòa nhà cao nhất Việt Nam
- Bất động sản đang khởi sắc
- Giá đất tái định cư tại một số khu dân cư
- Khai trương trung tâm thương mại Vincom Đà Nẵng
- Thủ tục nhân thân làm khó Việt kiều mua nhà